Phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh

Thứ tư - 13/11/2024 15:05 230 0
Ngày 14.12.2021, lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trì hội nghị đối ngoại toàn quốc. Tại hội nghị này, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14.9.1946

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát và nhận định: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”…“thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”. Đây chính là việc Việt Nam phát huy nền ngoại giao Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới hiện nay. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trên cương vị vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu chính phủ và là Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã xây dựng nên một nền ngoại giao, một phương pháp, một phong cách và nghệ thuật ngoại giao đặc sắc.

Hồ Chí Minh luôn đề cao các quyền dân tộc cơ bản của các quốc gia, bao gồm chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hoà bình, chống chiến tranh xâm lược. Ngay khi chủ trì soạn thảo và ban hành bản Hiến pháp khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ban soạn thảo đã đưa vào mở đầu bản Hiến pháp tư tưởng và ước vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam: “…nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại giao phải “luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi ích đó được đảm bảo”. 

Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Việt Nam chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Để phá thế bị cô lập ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chịu nhiều nhượng bộ để ký với người đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ 6.3.1946. Đây là hiệp định mang tính quốc tế đầu tiên công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Theo bản tạm ước này, phía Việt Nam đồng ý cho 15 ngàn quân Pháp ra vĩ tuyến 16 thay thế cho 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc. Đây là bước đi đầy khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm loại bỏ mối nguy lớn là quân đội Trung Hoa Dân quốc. Khi ấy, thực dân Pháp đã đô hộ Việt Nam hơn 80 năm, ngày 23.9.1945, quân Pháp lại nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ hai ở Nam bộ. Từ khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã gây ra rất nhiều đau thương cho dân tộc chúng ta.

Quân đội Trung Hoa Dân quốc vào Việt Nam khi ấy là dưới danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội phát xít Nhật Bản. Nói cho thật dễ hiểu thì quân Pháp khi ấy là kẻ thù của Việt Nam, còn quân đội Trung Hoa Dân quốc là “bạn”.

Vậy mà, vì lợi ích tối cao của đất nước và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, với Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946, “giặc” Pháp lại được “mời” vào để tiễn “bạn” là quân đội Trung Hoa Dân quốc về nước. Vì sự “khó hiểu” này nên sau khi Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 được ký kết, một số thành viên trong Chính phủ Liên hiệp thuộc các đảng đối lập khi ấy đã không tán thành, lên tiếng phản đối Hồ Chí Minh và thậm chí còn đổ tội khi cho rằng Hồ Chí Minh “bán nước”. 

Sau đó, để cứu vãn nền hoà bình có nguy cơ đổ vỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy đang ở thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách đã ký với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của nước Pháp bản Tạm ước 14.9.1946. Điều đặc biệt, bản Tạm ước này được ký vào lúc nửa đêm giờ Paris.

Lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở LHQ ngày 20.9.1977, đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức lớn nhất hành tinh này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, theo đó, Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Trên cương vị của mình, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Người đã làm hết sức để ngăn chiến tranh xảy ra.

Ngày 12.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Truman bày tỏ sự hoan nghênh đối với chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập của Việt Nam khi ấy.

Cũng trong khoảng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi công hàm cho các nước Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Vương quốc Anh, đề nghị ngăn chặn việc quân đội Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam, đưa vấn đề Đông Dương ra Liên Hợp Quốc, trao trả độc lập cho các nước Đông Dương. 

Ngày 24.10.1945, Liên Hợp Quốc được thành lập và đến ngày 14.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nộp đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng mong muốn của Việt Nam phải mất đúng 31 năm sau mới thành hiện thực. Ngày 20.9.1977, lễ thượng cờ Việt Nam mới được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của Liên Hợp Quốc…

Kế thừa nền ngoại giao Hồ Chí Minh, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191 nước thành viên LHQ. Hiện Việt Nam chỉ chưa có quan hệ ngoại giao với 1 quốc gia thành viên và 1 quan sát viên thuộc LHQ: Tuvalu và Thành Vatican.

Trong 5 nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng bảo an LHQ, có 4 nước là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam (Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland hiện là Đối tác chiến lược). Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực, có trách nhiệm của LHQ mà còn là quốc gia có những đóng góp thiết thực cho hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tư tưởng vì hoà bình, phát triển và thịnh vượng đã được đưa vào trong các tuyên bố chung thiết lập đối tác chiến lược của Việt Nam với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đối với Hoa Kỳ là: “Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác, phát triển bền vững”. Đối với Nhật Bản là: “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn phải “kiên quyết bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”. Vì vậy, đối với các vấn đề quốc tế, Việt Nam luôn nhất quán khẳng định tôn trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước; không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế… 

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Đây chính là nguyên tắc thể hiện nhất quán đường lối ngoại giao của Việt Nam và cũng là phát huy nền ngoại giao Hồ Chí Minh.

Vũ Trung Kiên

Nguồn BTNO

 

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập225
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm187
  • Hôm nay16,627
  • Tháng hiện tại222,920
  • Tổng lượt truy cập8,231,625
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây