Phát triển nguồn nhân lực, góp phần đưa Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững

Thứ sáu - 21/04/2023 17:00 2.032 0

​   Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Tây và Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km, có 03 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), 03 cửa khẩu chính (Kà Tum, Chàng Riệc và Phước Tân), 10 cửa khẩu phụ; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Tây Ninh có vị trí địa lý kinh tế tiềm năng trong việc kết nối các nguồn lực kinh tế xuyên Á, đặc biệt là Hành lang Kinh tế phía Nam tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng góp phần thúc đẩy nhanh trong quá trình hội nhập sâu, rộng trong khu vực Đông Nam Á. Việc điều hành và quản lý đòi hỏi phải xây dựng được bộ máy nhà nước thực sự tinh gọn, chất lượng và hiệu quả, góp phần “kiến tạo" sự phát triển bền vững.

Năm 2022, Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vừa triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống và kiểm soát thích ứng, an toàn với dịch COVID-19 vừa thực hiện các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

​​

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa cho sinh viên tiêu biểu của tỉnh. Ảnh Ngọc Bích

Lần đầu tiên sau nhiều năm, 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết năm 2022 của Tỉnh ủy, cân đối ngân sách Nhà nước được đảm bảo. Tổng sản phẩm GRDP ước thực hiện 56.289 tỷ đồng, tăng 9,56%. Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 11.725 tỷ đồng, tăng 17% so với dự toán.

Với vai trò lãnh đạo, điều hành năng động của các cấp uỷ, chính quyền; sự thân thiện, gần gũi, chân tình của con người Tây Ninh và với tiềm năng, lợi thế của mình, Tây Ninh không ngừng phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bằng nỗ lực và quyết tâm, Tây Ninh đang trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước.  Với kết quả như thế, ngoài vai trò lãnh đạo, điều hành năng động của các cấp uỷ, chính quyền; tiềm năng, lợi thế của tỉnh; còn có phần đóng góp đáng kể của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu “…Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam bộ và cả nước".

Phấn đấu thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi tỉnh Tây Ninh phải phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, hiệu quả. Để làm được điều đó tất yếu phải xây dựng, phát huy tốt nhất tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức; quan tâm đến chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ.

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU, ngày 31/10/2008 để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng bộ triển khai, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, công tác xây dựng đội ngũ trí thức đạt được một số kết quả quan trọng:

Tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hoá việc xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện pháp lý cho các tổ chức, đơn vị tập hợp, thu hút đội ngũ trí thức, tạo môi trường thuận lợi để trí thức phát huy vai trò của mình trong nghiên cứu, lao động sáng tạo và cống hiến, tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan tâm triển khai thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Trên cơ sở rà soát, bổ sung và vận dụng các cơ chế chính sách, tỉnh đã ban hành văn bản cụ thể hoá để thực hiện, triển khai tổ chức thực hiện chính sách đào tạo đại học, sau đại học từ năm 2015.

Qua quá trình thực hiện, chính sách đã được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thu hút và trọng dụng người có tài vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị, nhất là ngành y tế. Tính đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút được 59 trường hợp, trong đó có 21 bác sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa ngành y và sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học loại giỏi, trình độ thạc sĩ về công tác tại tỉnh.

Tỉnh tổ chức diễn đàn khoa học dưới hình thức hội thảo khoa học và hình thức tọa đàm tập hợp được đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh, phát huy năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Xây dựng và cập nhật thường xuyên hệ thống dữ liệu các chuyên gia phục vụ hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Hiện tập hợp được 40 người trong và ngoài tỉnh, trong đó: 02 giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân; 06 tiến sĩ; 18 thạc sĩ; 14 đại học.

Tặng bằng khen cho các tác giả có giải pháp đạt giải cao trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc; Nhà sáng chế không chuyên có thành tích tiêu biểu trong sáng tạo khoa học và kỹ thuật; học sinh đạt giải Nhì, Ba trong Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học khu vực phía Nam; cá nhân được vinh danh CIO tiêu biểu khu vực Đông Nam Á (Giải thưởng Lãnh đạo Công nghệ thông tin và An ninh thông tin tiêu biểu Đông Nam Á năm 2015).

Nhằm khẳng định vị trí, vai trò, ghi nhận và tôn vinh thành tích của đội ngũ tri thức, điển hình lao động sáng tạo, tài năng trẻ về khoa học và công nghệ, đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, tỉnh ban hành Quy chế xét chọn, tôn vinh vinh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu", “Điển hình lao động sáng tạo", “Tài năng trẻ về khoa học và công nghệ" tỉnh Tây Ninh, qua đó, động viên, khích lệ, khuyến khích mọi tập thể, cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, phát huy trí tuệ xây dựng tỉnh Tây Ninh giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

Tỉnh đã đưa Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, góp phần tạo bước chuyển biến lớn đối với bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đã ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, qua đó, tạo nguồn trí thức có trình độ cao, năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, có khả năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chiến lược và đề ra các giải pháp để khai thác mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong khu vực hành chính, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tóm lại, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch số 73-KH/TU, ngày 31/10/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức được nâng lên, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho trí thức làm việc, phát huy khả năng sáng tạo; trọng dụng, tôn vinh đối với những trí thức có phẩm chất tốt, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực, nghiệp vụ công tác, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Tỉnh đã thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TW: xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng và chất lượng (toàn tỉnh có 24.339 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, 11 tiến sĩ, 1.411 thạc sĩ, so với năm 2008 là 19.766 người; 4 tiến sĩ, 191 thạc sĩ); có sự gắn bó giữa các cấp uỷ, chính quyền với trí thức, giữa trí thức với cấp uỷ và chính quyền.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định, như:

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có trình độ đại học, trên đại học ngày càng tăng nhưng số người có năng lực nghiên cứu triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ còn ít; thiếu hụt đội ngũ trí thức có trình độ cao, chuyên môn giỏi, tham mưu tốt.

Công tác đào tạo trí thức có trình độ thạc sĩ trở lên chưa gắn với yêu cầu, vị trí công tác, còn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý hành chính, ít quan tâm đến lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính trị. Việc chọn, cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều cơ quan, đơn vị còn mang nặng tính tự phát, chưa chủ động xây dựng và thực hiện theo các quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dài hạn gắn với việc sử dụng. Một số cán bộ, công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo có xu hướng muốn bồi hoàn lại kinh phí đào tạo để chuyển công tác. Việc đánh giá hiệu quả làm việc của đội ngũ trí thức sau khi được đào tạo sau đại học chưa được tiến hành thường xuyên.

Kết quả thu hút trí thức trẻ và trí thức có trình độ cao còn thấp, chưa thu hút được người có tài năng, các chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị.

Việc nắm bắt, khảo sát đội ngũ trí thức trong Nhân dân chưa thực hiện, chưa có giải pháp cụ thể để quản lý, sử dụng trí thức trong Nhân dân tham gia đóng góp cho địa phương.

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định giải pháp “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp…".

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và các năm tiếp theo, tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các các khu kinh tế và nhiều khu công nghiệp cũng như đẩy mạnh các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao mang tính cạnh tranh quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu phát triển tỉnh nhanh và bền vững về mọi mặt, việc chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cũng như cần đổi mới toàn diện về cơ chế, chính sách; phải thu hút được đội ngũ trí thức có trình độ, năng lực chuyên môn xuất sắc, có tư duy đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ và tâm huyết làm lực lượng nòng cốt về tư vấn chiến lược.

Tỉnh tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt về chính sách đào tạo, thu hút nhân tài và các chế độ đãi ngộ của tỉnh để thu hút nguồn nhân lưc có trình độ cao về tỉnh công tác.

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết[1] chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của Hội đồng nhân dân tỉnh; Đề án[2] “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm năm 2030" nhằm tạo cơ chế ưu đãi thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác, hỗ trợ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và khuyến khích CBCCVC học tập nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác.

Đặc biệt là thực hiện thu hút nhân lực chất lượng cao trên các ngành, lĩnh vực còn thiếu nhân sự với cơ chế riêng của tỉnh như: Người đã tốt nghiệp đại học chính quy tập trung loại giỏi; người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên tại các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước. Giáo sư, Phó Giáo sư, Bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II: được hỗ trợ tiền mặt 1 lần từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng; Chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm chuyên môn sâu hỗ trợ, tư vấn cho địa phương trong một số lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp được hỗ trợ 20 triệu đồng/tháng.

Tiếp tục thực hiện theo Kết luận số 86-KL/TW, ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị tiếp nhận làm việc trực tiếp tại các cơ quan đơn vị, được bổ sung tăng thêm biên chế trong tổng số cơ quan, đơn vị đối với đối tượng được xác định là nhân tài theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ; đồng thời có chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh, như hỗ trợ bằng tiền mặt một lần cho: Sinh viên tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc: 300 triệu đồng; thạc sĩ: 400 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học: 400 triệu đồng; tiến sĩ: 600 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học: 400 triệu đồng: 600 triệu đồng.

Không chỉ hỗ trợ bằng tiền mặt cụ thể, tỉnh còn tạo môi trường thuận lợi cho trí thức bằng phương thức tiếp nhận làm việc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị bằng Quyết định thu hút; nếu đối tượng có nhu cầu làm việc lâu dài thì xem xét tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển. Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận đối tượng thu hút được ưu tiên bố trí số biên chế nhà nước chưa sử dụng để thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.​

Đào tạo sau đại học thông qua việc đặt hàng, lựa chọn các học viện, trường đại học, các tổ chức đào tạo có uy tín, chất lượng. Áp dụng các phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đa dạng như tập trung, bán tập trung, online, kết hợp nghiên cứu thực tiễn, sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại phù hợp với đối tượng học viên và loại hình lớp học.

Tăng cường kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao, các trường đại học quốc tế, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài để tổ chức các khóa bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài (hoặc liên kết nước ngoài) cho cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức các khóa học theo chuyên đề, mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, giới thiệu kiến thức, công nghệ mới cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý.

Triển khai thực hiện chính sách phát hiện ngay từ cơ sở đào tạo như: học sinh có triển vọng từ năm cuối trước khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh đỗ thủ khoa, đạt giải quốc gia, quốc tế; sinh viên đại học có kết quả học tập, nghiên cứu và rèn luyện xuất sắc ngay từ năm thứ nhất của các cơ sở đào tạo trong nước hàng năm được phát hiện, đánh giá trình cấp có thẩm quyền đưa vào diện thực hiện chính sách, được cấp học bổng.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra, hiện thực hóa việc đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên để Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững. Trong hành trình vì mục tiêu đó, đội ngũ trí thức có vai trò đặc biệt, là nguồn lực quan trọng góp phần đạt mục tiêu như đã nêu.

Việc xây dựng Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới là cần thiết, nhằm xây dựng được đội ngũ trí thức có trình độ cao, năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, có khả năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chiến lược và đề ra các giải pháp để khai thác mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong khu vực hành chính, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu “… Đến năm 2030, trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam bộ và cả nước".

Thanh Thanh

[1] Nghị quyết số 47/2022/NQ-HNĐND, ngày 09/12/2022

[2] Quyết định số 1944/QĐ-UBND, ngày 22/9/2022 của UBND tỉnh

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập351
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm324
  • Hôm nay17,551
  • Tháng hiện tại223,844
  • Tổng lượt truy cập8,232,549
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây