Nhận diện và phòng, chống hoạt động “bất tuân dân sự” ở nước ta

Thứ ba - 26/12/2023 05:44 567 0
Hiểu theo nghĩa phổ thông, “bất tuân dân sự” là hoạt động phản kháng bất bạo động nhằm công khai từ chối tuân theo, hoặc vi phạm một cách cố ý và có ý thức các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, gây cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của Nhà nước. Ở Việt Nam, những năm qua, các thế lực thù địch đã triệt để sử dụng hoạt động "bất tuân dân sự" nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị (ANCT), trật tự, an toàn xã hội (TTATXH).

Phòng chống “diễn biến hòa bình” tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, dẫn tới

bị động, lúng túng trong cuộc chiến “không khói súng” nhưng đầy cam go, quyết liệt này.

Ảnh minh hoạ: CPV

Ra đời từ rất sớm (thế kỷ 19), thuật ngữ "bất tuân dân sự" (hay còn gọi là chống đối chính phủ dân sự) lần đầu tiên xuất hiện trong một bài luận với nhan đề "Dân sự bất hợp tác" của nhà văn người Mỹ, Henry David Thoreau vào tháng 5-1849. Thoreau cho rằng, cá nhân có thể không tuân thủ, không phục tùng nhà nước; thậm chí, có thể chống lại luật pháp của Nhà nước nếu thấy những điều luật đó không phù hợp với người dân, kể cả là với thiểu số bằng phương pháp "cách mạng hòa bình". 

Thoreau đề cao quyền tự quyết của mỗi cá nhân hơn là sự phục tùng theo đa số, theo cộng đồng và các cá nhân có quyền làm bất cứ điều gì mà họ cho là đúng. Tác giả cho rằng, về bản chất "bất tuân dân sự" chính là “bất tuân nhà nước”. Đến thế kỷ 20, quan điểm của Thoreau về "bất tuân dân sự" đã được phát triển thành phương thức đấu tranh bất bạo động và trở thành một mũi tiến công quan trọng trong chiến lược "diễn biến hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc nhằm thay đổi chế độ chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) và những nước không cùng phe với họ.

Phương thức hoạt động này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới dưới những tên gọi khác nhau như: "Cách mạng màu", "cách mạng đường phố" ở Đông Âu và Liên Xô những năm cuối thế kỷ 20; làn sóng "Mùa xuân Ả Rập" ở các nước Trung Đông và Bắc Phi năm 2010; phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ tại Hồng Kông - Trung Quốc năm 2019...

Qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy, "bất tuân dân sự" có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức “xã hội dân sự”. Các nước phương Tây luôn coi hình thành “xã hội dân sự” là điều kiện, tiền đề cho việc cổ xúy tự do cá nhân, lấy "bất tuân dân sự" làm phương thức cơ bản để lật đổ chế độ chính trị ở một quốc gia. Có thể thấy "bất tuân dân sự" mang một số đặc trưng cơ bản như sau:    

Thứ nhất, về mục đích và hình thức thể hiện: Thông qua việc từ chối tuân theo hay vi phạm một cách cố ý các quy định của pháp luật hoặc cản trở việc thực thi chính sách, pháp luật; các đối tượng thực hiện “bất tuân dân sự" nhằm mục đích cuối cùng là vô hiệu hóa hoạt động của chính quyền, tiến tới lật đổ nhà nước, thay thế bằng một chế độ chính trị mới theo mô hình của chủ nghĩa tư bản.

Để che giấu mục đích đó, các thế lực thù địch thường che đậy, ngụy trang dưới những vỏ bọc khác nhau, như: Tụ tập, tuần hành nhằm “phản kháng ôn hòa, bất bạo động”, “biểu tình ôn hòa”. Ở Việt Nam, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hoặc lợi dụng những vấn đề chính trị-xã hội phức tạp, nhạy cảm liên quan đến quyền và lợi ích của con người để lôi kéo, kích động, thu hút đông đảo người dân tham gia các hoạt động với mưu đồ được gọi là đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trả lại đất đai cho người dân... thực chất là để thực hiện “bất tuân dân sự” nhằm chống lại Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, về chủ thể tiến hành, các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị và những người dân có trình độ thấp, ngộ nhận, có bức xúc, mâu thuẫn với chính quyền, bị lừa bịp, mua chuộc tham gia; đứng sau hậu thuẫn là các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong do phương Tây hậu thuẫn lập ra như: “Việt Tân”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội Văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, “Mạng lưới Blogger Việt Nam”... giữ vai trò chỉ đạo, tài trợ kinh phí, đào tạo, huấn luyện phương thức hoạt động cho các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, đối tượng hình sự trong nước... trở thành cộm cán thu hút, lôi kéo, tập hợp người dân tham gia các hoạt động “bất tuân dân sự”.

Số đối tượng trong nước ráo riết thu thập tình hình, phát triển lực lượng, hình thành các hội/nhóm hoạt động theo hình thức “bất bạo động”. Các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội, Internet để tuyên truyền, vận động thu hút, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động “bất tuân dân sự” do chúng chỉ đạo.

Thứ ba, về thời điểm, các thế lực thù địch đặc biệt lợi dụng thời điểm trong nước diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng như: Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; thời điểm có các đoàn nguyên thủ quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; lợi dụng bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, xuất hiện những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia... để kích động, lôi kéo người dân tham gia “bất tuân dân sự” và đưa ra những yêu sách, như: “Đòi bảo vệ chủ quyền, môi trường”, đòi “tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền”... gây phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương. Khi gặp thời điểm thuận lợi và đủ điều kiện chín muồi, các thế lực thù địch có thể chuyển hóa từ hình thức bất bạo động thành bạo động rất nhanh chóng.

Khi đó, các đối tượng cộm cán, cầm đầu kêu gọi, kích động những người tham gia đấu tranh “ôn hòa, bất bạo động” tiến hành các hoạt động bạo loạn như đập phá tài sản nhà nước và công dân; chiếm trụ sở chính quyền; bắt giữ người thi hành công vụ; cản trở hoạt động bình thường của xã hội... qua đó nhằm thực hiện kịch bản “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” xâm phạm ANCT, TTATXH ở địa phương. Điển hình như vụ người dân phản đối trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) năm 2017; vụ tụ tập đông người tại Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai...

Bằng những phương thức và thủ đoạn nêu trên, các đối tượng kích động người dân đập phá trụ sở chính quyền, gây cản trở giao thông, đốt phá tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, làm bị thương nhiều cán bộ thực thi nhiệm vụ, gây ngừng trệ hoạt động của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, của công dân và xã hội. Ngoài ra, các thế lực thù địch còn lợi dụng việc các cơ quan chức năng xử lý những người vi phạm pháp luật; các đối tượng phản động, cơ hội chính trị ra sức rêu rao, xuyên tạc rằng Việt Nam “đàn áp” những người biểu tình ôn hòa, yêu nước và kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp.

Để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với hoạt động “bất tuân dân sự” nhằm chống phá nước ta, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng “bất tuân dân sự” để xâm phạm ANCT, TTATXH; về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động “bất tuân dân sự” chống phá ta, coi đó là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân để huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hoạt động này. Quan tâm, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng và tranh thủ chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc thiểu số, phát huy tác dụng của các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “bất tuân dân sự”.   

Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, phân tích, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... của các thế lực thù địch hòng kích động, lôi kéo Nhân dân tham gia "bất tuân dân sự" để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu, đề xuất các cơ quan chức năng giải quyết triệt để, thỏa đáng trên cơ sở pháp luật. Kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc... để khắc phục; đồng thời phối hợp giải quyết dứt điểm các điểm nóng về an ninh trật tự ngay từ cơ sở, không để kéo dài, không lây lan, vượt cấp. 

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm tốt các quyền tự do dân chủ của người dân, giải quyết tốt các vụ việc phức tạp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, tránh tạo sơ hở để bên ngoài lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Tiếp tục tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ANCT, TTATXH ở các địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi. 

Bốn là, quán triệt tinh thần giải quyết vấn đề tụ tập đông người, biểu tình, tuần hành theo đúng cơ chế: Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện; chính quyền quản lý, điều hành; lấy vận động thuyết phục là chính, kiên quyết thu hẹp vụ việc, không để lây lan, kéo dài. Khi phát hiện có tuần hành, tụ tập đông người hay lãn công, đình công, cần nhanh chóng đánh giá đúng tính chất, mức độ, xác định rõ nguyên nhân của vụ việc; thực hiện phân hóa số đối tượng cộm cán, cầm đầu với quần chúng bị dụ dỗ, lôi kéo; tuyên truyền vận động, thuyết phục quần chúng giải tán; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật số đối tượng cầm đầu, chủ mưu, cộm cán kích động, lôi kéo người dân tham gia "bất tuân dân sự".  

Năm là, tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, dân tộc, đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân. Các ban, bộ, ngành chức năng thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc, đất đai, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế./.

Theo qdnd.vn

 

Tác giả: Trần Đăng Khoa, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập54
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay10,523
  • Tháng hiện tại110,266
  • Tổng lượt truy cập7,046,915
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây