Nghị quyết của Tỉnh uỷ: Phấn đấu đến năm 2030, Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá

Thứ bảy - 20/02/2021 00:00 119 0

Tỉnh Tây Ninh trong những năm qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực. Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 26/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá.

Đến nay, Tây Ninh đã đưa vào thí điểm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và đã cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân và doanh nghiệp. Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo sự công khai, minh bạch và hài lòng cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Năm 2019, chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Tây Ninh được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp vào nhóm khá khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, việc đánh giá các trụ cột của chuyển đổi số như xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số chưa được các cơ quan ở Trung ương đánh giá và công bố.

 dsc00118.jpg

Khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) - giai đoạn đầu triển khai dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: baotayninh.vn

Bên cạnh một số kết quả ban đầu nêu trên, Tây Ninh chưa có nhiều đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử; xu hướng chuyển đổi số diễn ra nhanh trong khi nguồn lực của tỉnh phân bổ cho việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn hạn chế; một số ngành, lĩnh vực chưa quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số; chưa có các chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh; dịch vụ công trực tuyến triển khai nhiều, nhưng người dân tiếp cận còn hạn chế; chưa cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Nhận thức về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức; công tác tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính chưa sâu rộng. Doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước về viễn thông và công nghệ thông tin trên quy mô toàn quốc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp chưa nhiều; chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp, nâng cao năng suất, xây dựng mô hình kết nối với khách hàng để xây dựng phương pháp sản xuất kinh doanh theo phương thức mới. Việc phát triển thương mại điện tử cũng còn hạn chế.

Với quan điểm chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại tỉnh và hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững địa phương, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ đề ra mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh phấn đấu bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tỉnh cơ bản hoàn thành các nền tảng cho Chính quyền số và an toàn, an ninh mạng. Đến năm 2030, phấn đấu hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; có tối thiểu 02 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 01 xã hoàn thành việc chuyển đổi số; Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá.

Nghị quyết đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hiện thực hoá các mục tiêu trên, bao gồm:

Một là, tăng cường tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ. Cấp uỷ, người đứng đầu cần chủ động, sáng tạo trong triển khai các giải pháp chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số tại địa phương; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh tế mới; trong đó, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số là yếu tố trọng tâm.

Hai là, xây dựng chương trình chuyển đổi số của tỉnh trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, hệ sinh thái và khả năng chuyển đổi số của tỉnh. Tỉnh sẽ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất truyền thống. Liên kết với các Viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu hỗ trợ địa phương thúc đẩy chuyển đổi số.

Ba là, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của địa phương. Triển khai mạng băng rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, phát triển mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, môi trường,...

Bốn là, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ lõi, nền tảng của chuyển đổi số trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế xã hội tập trung, Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng. Tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế. Xây dựng lộ trình số hóa các văn bản hành chính hướng tới triển khai toàn bộ văn bản điện tử (trừ những văn bản mật); cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên các loại thiết bị di động. Khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển sản phẩm hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo cao tại tỉnh.

Năm là, phát triển kinh tế số. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào tổ chức quản lý và chuyển đổi phương thức hoạt động của nền kinh tế địa phương; trọng tâm là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) phục vụ phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo, các cấp, các ngành điều hành kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phổ biến, đẩy mạnh các giải pháp thanh toán trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử. Nghiên cứu thành lập khu/cụm/công viên công nghệ cao chuyên đề, tham gia vào chuỗi công viên phần mềm khi đủ điều kiện.

Sáu là, phát triển xã hội số. Thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm dân cư, đô thị thông minh, khai thác sử dụng hiệu quả các nền tảng số trong công tác quản lý. Thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, tổ chức các khoá tập huấn, đào tạo đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân để hình thành công dân số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Bảy là, chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực, gồm: Y tế, giáo dục, giao thông - vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, môi trường, năng lượng. Đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số và xã hội số, các lĩnh vực khác khi có điều kiện.

Để hiện thực hoá các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết, bên cạnh yêu cầu triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, các huyện uỷ, thị uỷ, Thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn cần xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và các đề án, chương trình, kế hoạch tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chỉ đạo rà soát, kiến nghị ban hành cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, mô hình, kinh doanh mới, nội dung số phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết.

Thắng Nguyễn


  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập445
  • Máy chủ tìm kiếm264
  • Khách viếng thăm181
  • Hôm nay8,872
  • Tháng hiện tại234,238
  • Tổng lượt truy cập8,242,943
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây