Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á được đưa vào sử dụng tại Đức Hòa (Long An) và Gò Dầu (Tây Ninh) mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. |
Chung tay xây dựng quê hương, đất nước
Long An và Tây Ninh là hai tỉnh giáp ranh nhau, có chung dòng sông Vàm Cỏ Đông, cùng giáp với Vương quốc Campuchia. Trong lịch sử hình thành, Long An và Tây Ninh là một phần của phủ Gia Định, trước khi trở thành hai tỉnh độc lập. Những năm qua, hai địa phương là điểm sáng trong nền kinh tế, cả hai đều có những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiện Long An là một trong những địa phương có tốc độ phát triển khu công nghiệp mạnh nhất cả nước với 37 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 15.000 ha. Tây Ninh có chín khu công nghiệp và bảy cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.500 ha, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Qua khảo sát, tỉnh Tây Ninh và Long An có các tuyến đường kết nối hai địa phương như ĐT 822, ĐT 823, ĐT 825. Điều này giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng giữa các khu công nghiệp của hai tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Long An có sự phục hồi rõ nét. Có 21/21 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt, vượt Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ đạt 4,80%- 11,26%, đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về phía tỉnh Tây Ninh trong quý I/2025 có tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh ước thực hiện 15.178 tỷ đồng, tăng 8,49% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo Phương án thành lập tỉnh Tây Ninh trên cơ sở sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, có diện tích 8.536,5 km2 (đạt 170% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 3.288.307 người (đạt 234,9% so với tiêu chuẩn), dự kiến có 96 xã, phường và Trung tâm hành chính-chính trị là thành phố Tân An (Long An).
Về trụ sở hành chính, Hội đồng nhân dân tỉnh Long An đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trung tâm hành chính-chính trị của tỉnh Long An, dự kiến bố trí khoảng 2.071 người làm việc với tổng mức đầu tư khoảng 2.210,208 tỷ đồng. Hiện nay, công trình đã đưa vào sử dụng một số hạng mục. Trong thời gian triển khai các hạng mục còn lại, tỉnh có thể tận dụng trụ sở cũ để bố trí nơi làm việc, bảo đảm khả năng vận hành, đi vào hoạt động kịp thời của chính quyền địa phương tỉnh mới.
Khắc phục khó khăn, đặt lợi ích chung lên trên hết
Dự kiến, số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (mới) có 68 đồng chí (Long An 35 đồng chí; Tây Ninh 33 đồng chí) chiếm 65,4% so với tổng số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ hai tỉnh (cũ), bảo đảm quy định giảm 1/3 số lượng so với tổng số ủy viên Ban Chấp hành. Số lượng Ban Thường vụ Tỉnh ủy (mới) có 19 đồng chí (Long An 9 đồng chí; Tây Ninh 10 đồng chí), chiếm 63,3% so với tổng số lượng Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh (cũ), bảo đảm quy định giảm 1/3 số lượng so với tổng số ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Về cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy cấp tỉnh, tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tỉnh ủy của hai tỉnh (cũ) có cùng chức năng, nhiệm vụ: Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh. Riêng Báo Tây Ninh và Đài Phát thanh truyền hình Tây Ninh (mới), sau sáp nhập gồm: Báo Long An, Đài Phát thanh Truyền hình Long An, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh trước đây.
Ghi nhận ban đầu cho thấy, toàn Đảng bộ Tây Ninh (mới sau sáp nhập) có 96 đơn vị hành chính cấp xã (tỉnh Long An 60 xã; Tây Ninh là 36 xã). Cùng với, Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, Đảng bộ Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng bộ lực lượng vũ trang (Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng). Sau khi hai tỉnh hiệp thương cử ra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh mới với khoảng 90-120 ủy viên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh (mới) gồm 7-9 người gồm Chủ tịch phụ trách chung và 6 Phó Chủ tịch (Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch kiêm Bí thư Tỉnh đoàn; Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh; Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Hội Nông dân; Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh).
Dự kiến kết quả sau sáp nhập, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh có ba ban gồm: Ban Kinh tế-Ngân sách; Ban Pháp chế; Ban Văn hóa-Xã hội; và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh có tổng số cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước là 15.
Nêu ra một số hạn chế, đại diện các đơn vị chính quyền hiện nay chia sẻ: Do số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nhiều, cho nên gặp khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách... Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở Tây Ninh khi chuyển địa điểm công tác đến Trung tâm hành chính-chính trị ở thành phố Tân An (tỉnh Long An hiện nay) gặp khó khăn về giao thông đi lại, nơi làm việc, chỗ ở…
Bên cạnh đó, các cấp ủy cũng cho rằng, việc kết thúc hoạt động của tổ chức đảng cấp huyện, có khối lượng công việc rất lớn, phát sinh nhiều thủ tục sau sắp xếp. Ngoài ra, nhiều cấp ủy chia sẻ: Việc xây dựng Trung tâm hành chính, trụ sở, nơi làm việc mới… phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tránh thất thoát, chảy máu chất xám, không lãng phí nguồn lực và phải đúng quy định...
Theo các chuyên gia: Việc hợp nhất, sáp nhập hai tỉnh nêu trên, không chỉ góp phần mở rộng không gian phát triển mà còn giúp tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản lý... Với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận cao từ người dân, việc sáp nhập địa giới hành chính đang dần hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của cả vùng, trong kỷ nguyên vươn mình khẳng định vị thế của đất nước.
Nguồn nhandan.vn
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn
Ý kiến bạn đọc