Lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Tây Ninh: 75 năm một chặng đường vẻ vang

Thứ sáu - 05/03/2021 21:00 499 0

​  Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh: “Ðấu tranh vũ trang luôn là nhiệm vụ thường xuyên, quyết định sự tồn tại, phát triển, khẳng định chủ quyền của Nhân dân ta".

vu trang 1.jpg

Chiến sĩ mới tuyên thệ dưới cờ quyết chiến quyết thắng.

Ðầu thế kỷ 20, Nhân dân ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng", thực dân Pháp và quan lại triều đình phong kiến áp bức, bóc lột hết sức tàn bạo, buộc Nhân dân ta phải vùng lên đấu tranh. Trong bối cảnh đó, được sự lãnh đạo của Ðảng, từ những năm đầu của thập niên 40, trên nhiều địa bàn của tỉnh Tây Ninh đã tổ chức được các đội thanh niên vũ trang, du kích bí mật. Ðây là bước đầu tổ chức lực lượng, làm nền tảng cho việc phát triển lực lượng vũ trang của tỉnh.

Ðến đầu năm 1945, Tây Ninh đã có một đội nghĩa quân khoảng 50 người tại vùng Ninh Ðiền, Thanh Ðiền; tổ chức được khoảng 40 chiến sĩ tại vùng Hảo Ðước, Xóm Vịnh; thành lập một tiểu đội tự vệ là công nhân Hãng đường của Pháp ở Thanh Ðiền… Các nhóm vũ trang được trang bị thô sơ, hoạt động bí mật, làm nòng cốt cùng Nhân dân nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25/8/1945. Tháng 11/1945, thực dân Pháp đưa quân tái chiếm tỉnh, các nhóm vũ trang ấy cũng là lực lượng nòng cốt cùng Nhân dân đánh Pháp trên từng cây số, lập nên các phòng tuyến Suối Sâu, Trâm Vàng, Bến Kéo gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất.

Vang dội nhất là trận đánh tại Bàu Cá Trê, xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành, tiêu diệt 7 tên sĩ quan Pháp, làm rúng động chính quyền thực dân của Pháp ở Sài Gòn và các tỉnh miền Ðông Nam bộ. Trận Bàu Cá Trê đi vào lịch sử, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Tây Ninh.

Pháp chiếm tỉnh ta ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ bị kẻ thù bao vây bốn phía. Trong khi đó, lực lượng vũ trang bị phân tán. Trước hoạ xâm lăng, để bảo vệ thành quả cách mạng cần có một lực lượng vũ trang mạnh, tập trung dưới sự lãnh đạo chỉ huy thống nhất của Ðảng. Cuối tháng 12/1945, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Xứ uỷ Nam bộ, Khu 7 chủ trương hợp nhất các lực lượng vũ trang ở các tỉnh thành lập các Chi đội.

Ngày 5/3/1946, Khu trưởng Khu 7 Nguyễn Bình ký quyết định thành lập Chi đội 11 Tây Ninh trên cơ sở hợp nhất các đội vũ trang hiện có. Dù tương quan lực lượng ít hơn địch, yếu hơn địch, phải chiến đấu với nhiều loại kẻ thù cùng một lúc, có lúc bị dồn vào thế hiểm nghèo, bị tổn thất rồi xây dựng lại; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng bộ tỉnh, nhờ thế hiểm của địa hình, thế trận lòng dân son sắt, lực lượng vũ trang Tây Ninh càng chiến đấu càng trưởng thành, đã làm nên những chiến thắng vang dội như Bàu Cá Trê, Cây Chò, Xóm Mía, Bến Sỏi, Bàu Sen, Bời Lời…

Từ Chi đội 11 phát triển thành Trung đoàn 311, thành Tỉnh đội Tây Ninh và Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh ngày nay, qua nhiều giai đoạn kháng chiến, người dân Tây Ninh vẫn khắc ghi hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Chi đội 11, Trung đoàn 311 trong những tháng năm gian khó, áo vải thô sơ, chân đất đầu trần nhưng nghĩa khí ngút trời vì dân, vì nước. Còn mãi những đơn vị Tiểu đoàn 931, Tiểu đoàn 932, Tiểu đoàn 933, Tiểu đoàn 306, Ðại đội A, Ðại đội B, Ðại đội C…

Góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ", đánh bại quân xâm lược Mỹ trên chiến trường, quân và dân Tây Ninh đã trải qua những cuộc đối đầu hết sức ác liệt, đế quốc Mỹ tập trung sức mạnh quân sự đổ dồn xuống vùng đất hẹp Tây Ninh bằng các cuộc càn quét như: Cuộc càn Mastiff đánh vào khu căn cứ Bời Lời ngày 20/2/1966; cuộc càn Hattisburg đánh vào khu vực Bến Cầu ngày 1/3/1966; cuộc càn quét Birmingham vào khu vực chiến khu Dương Minh Châu ngày 26/4/1966; chiến dịch Attelboro từ ngày 12/10/1966 đến 25/11/1966 tập trung đánh vào căn cứ Dương Minh Châu và trận càn Junction City ngày 22/2/1967, nhiều tham vọng của Mỹ với 45.000 quân Mỹ và hàng ngàn máy bay, xe tăng, trọng pháo. Ðây là cuộc hành quân lớn nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, tập trung đánh vào căn cứ Bắc Tây Ninh, với mục tiêu là tiêu diệt cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam, tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng.

Thế nhưng, chúng đã bị thất bại, sinh lực Mỹ bị tổn thất nặng nề. Một lần nữa, tư tưởng cách mạng tiến công và niềm tin chiến thắng được củng cố, khẳng định, để lực lượng vũ trang Tây Ninh góp phần làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968; cuộc tập kích chiến lược mùa hè năm 1972 làm nên danh hiệu “Tây Ninh trung dũng - kiên cường".

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Bộ Chính trị: “… nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975 không để chậm"; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đề ra hàng loạt giải pháp, với những quyết định chính xác, kịp thời cùng với khí thế cách mạng dâng tràn như bão táp, quân và dân Tây Ninh tự lực giải phóng địa phương mình; tổ chức đánh địch liên tục, kiềm chế, bao vây, tiêu diệt không cho toàn bộ quân chủ lực của địch trên địa bàn rút chạy về Sài Gòn, tạo điều kiện cho cấp trên giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh đúng kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lúc 11 giờ ngày 30/4/1975, góp phần cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta.

vu trang 2.jpg

Huấn luyện chiến sĩ mới thực hiện bài bắn AK số 1.

Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu và phục vụ là cội nguồn sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của lực lượng vũ trang nhân dân. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang Tây Ninh kế thừa và phát huy bản chất cách mạng, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ", thực hiện tốt chức năng “Ðội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất" trong tình hình mới; chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có những chủ trương, giải pháp đúng đắn, xử lý kiên quyết, kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh cả trên tuyến biên giới và nội địa, không để bị động, bất ngờ.

Ðồng thời, thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.

Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, người dân Tây Ninh vô cùng vinh dự, tự hào về những chiến công vang dội và truyền thống “Trung dũng, kiên cường" của lực lượng vũ trang Tây Ninh. Trong hoàn cảnh nào, lực lượng vũ trang Tây Ninh luôn tuyệt đối trung thành với Ðảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; thực sự là quân đội “của dân, do dân, vì dân"; xây đắp nên truyền thống và danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ".

Ðể hoàn thành nhiệm vụ được Ðảng, Nhân dân tin cậy, giao phó, lực lượng vũ trang Tây Ninh sẽ kế thừa, vận dụng, phát huy những kinh nghiệm truyền thống quý báu của bao lớp cha anh trước đây vào nhiệm vụ xây dựng, học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và công tác trong điều kiện mới hôm nay, xứng đáng với truyền thống “Trung dũng kiên cường"; là lực lượng nòng cốt bảo vệ toàn vẹn quê hương Tây Ninh, giữ vững ổn định quốc phòng an ninh để phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.

Ðại tá Hoàng Xuân Cường

Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập142
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm116
  • Hôm nay19,005
  • Tháng hiện tại244,371
  • Tổng lượt truy cập8,253,076
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây