Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021): Chăm lo nạn nhân chất độc da cam - trách nhiệm không của riêng ai

Thứ ba - 10/08/2021 16:00 115 0

​  Năm 2004, Ban Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý lấy ngày 10/8 hàng năm là “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" để ghi nhớ tội ác chiến tranh và thể hiện trách nhiệm, lương tâm của cộng đồng xã hội với những nạn nhân chất độc da cam. Họ là nạn nhân của chiến tranh.


Bà Võ Thị Đẹp - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc dacam/dioxin tỉnh (thứ tư từ trái sang) nhận cờ thi đua do Trung ương Hội nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam tặng.

Ngày 10/8/1961, chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học dọc theo quốc lộ 14 nằm ở phía Bắc thị xã Kon Tum do máy bay trực thăng H34 của Mỹ thực hiện, mở đầu cho chiến dịch khai quang, được đặt dưới mật danh “Ranch Hand". Thảm họa da cam ở Việt Nam bắt đầu từ đây.

Đã sáu thập kỷ trôi qua, kể từ khi quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của chất độc hóa học da cam đối với môi trường và con người Việt Nam vẫn còn rất nặng nề.

Để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng một biệt danh là Ranch Hand (Operation Ranch Hand) và phổ biến trong quân đội và nhân dân Mỹ rằng, các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường; mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ và đồng minh; các chất này không độc hại đối với sinh vật, tác động không đáng kể đến sức khỏe con người.

Thế nhưng, khoảng 15 loại hóa chất được sử dụng với khối lượng lớn, nồng độ cao đã biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc. Quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều phương tiện, chủ yếu là máy bay C-123, UH-1 để phun rải trên các cánh rừng, các tuyến đường, các vùng đất canh tác và dùng các phương tiện cơ giới trên bộ, các loại lựu đạn, mìn, các máy bơm áp lực cao để phun rải xung quanh các căn cứ, các khu vực đóng quân của quân Mỹ và đồng minh, phun vào các hầm trú ẩn, địa đạo của quân giải phóng…

Trong 10 năm liên tục từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã thực hiện việc phun rải chất độc hóa học dioxin xuống gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Tây Ninh là tỉnh thứ 5 trong 10 tỉnh bị phun rải chất khai quang nhiều nhất, với khối lượng chất diệt cỏ là 1.280.257 ga-lông, trong đó chất da cam (OR) là 557.914 ga-lông (mỗi ga-lông bằng 4,546 lít), không chỉ có người tham gia kháng chiến mà còn có dân thường và ảnh hưởng đến con cháu các đời sau của họ.


Trao nhà đại đoàn kết cho nạn nhân dacam/dioxin

Chất độc da cam dioxin là độc tố độc nhất trong các độc tố gây hại đến sức khỏe con người và hệ sinh thái thực vật, với liều lượng một phần tỷ gram đã có thể gây nên bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người và di chứng đến đời con cháu nạn nhân. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, hàng trăm ngàn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.

Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản.

Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba. Qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả chất độc da cam đã di nhiễm sang thế hệ thứ tư.

Tây Ninh qua khảo sát có hơn 10.000 người dân (chiếm khoảng 1% dân số) bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 4.682 nạn nhân dị dạng, dị tật bẩm sinh, phải sống cuộc đời thực vật, tàn tật, đi lại, học hành khó khăn.

Tổng số hộ gia đình có người bị hậu quả chất độc hóa học là 7.602 hộ, chiếm 2,5% so với tổng số hộ trong tỉnh. Có 13 gia đình có 5 nạn nhân, 4 gia đình có 6 nạn nhân. Đau xót hơn, đã có nhiều gia đình mất đi sự nối dõi gia tộc.


Trao quà cho nạn nhân tại Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc dacam/dioxin

Bà Võ Thị Đẹp - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Tuy đã được hỗ trợ, giúp đỡ, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện đáng kể nhưng hiện nay nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ có nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ nghèo (tỷ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50-60%, ở vùng sâu, vùng xa chiếm khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam sau chiến tranh, trong những năm qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tây Ninh đã luôn nỗ lực hết mình, không quản ngày đêm để vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam hoà nhập cộng đồng; tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của công dân.

Từ ngày thành lập đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội được giao, chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân chất độc da cam, đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế và cùng các tổ chức, địa phương đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.

Riêng các cấp Hội trong tỉnh đã vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ được hơn 63 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến tháng 6/2020, tổng số tiền và hiện vật vận động được 33,2 tỷ đồng, đã thực hiện các chương trình chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân với tổng số tiền 58.994.827.000 đồng.

Trong đó xây tặng 373 căn nhà tình thương với tổng số tiền 9.307.000.000 đồng; thăm tặng 94.758 suất quà trị giá 32.260.232.000 đồng; trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho 1.935 nạn nhân trị giá  hơn 6 tỷ đồng; tổ chức đưa 155 nạn nhân đi xông hơi giải độc, trong đó có 130 nạn nhân thuộc diện chính sách, với tổng số tiền hơn 700.000.000 đồng; hỗ trợ vốn sinh kế, chăn nuôi, sản xuất, mua bán nhỏ 265.000.000 đồng; xây dựng Trung tâm và cấp kinh phí hoạt động hơn 3,7 tỷ đồng đồng, các khoản trợ cấp khác hơn 6 tỷ đồng.

Tháng 6/2013, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động xây dựng, thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tây Ninh tại ấp Bàu Lùn, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh.

Trung tâm đang nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 25 cháu bằng nguồn kinh phí tự trang trải. Duy trì hoạt động của trung tâm này trong giai đoạn nhiều khó khăn như hiện nay là sự nỗ lực lớn của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, trong đó không thể không nói đến vai trò của bà Võ Thị Đẹp - Chủ tịch Hội. Bà Đẹp luôn đau đáu không chỉ chăm lo từng bữa cơm cho nạn nhân ở Trung tâm mà còn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hàng ngàn bệnh nhân khác trong tỉnh không chỉ vì trách nhiệm mà bằng cả nghĩa tình và tấm lòng nhân ái.

Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III; Chính phủ, Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua. Năm 2020, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng cờ dẫn đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội.

Có thể nói: “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ". Chúng ta hãy cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân trong tỉnh  vươn lên sống hòa nhập với cộng đồng xã hội, đó không chỉ là đạo lý mà còn là trách nhiệm của những người còn sống hôm nay.

Hương Giang

Nguồn BTNO

 


  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay12,189
  • Tháng hiện tại218,482
  • Tổng lượt truy cập8,227,187
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây