Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt nhiều kết quả tích cực

Chủ nhật - 24/11/2024 20:55 79 0
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đạt nhiều kết quả tích cực.

* Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 169-CTr/TU ngày 10/4/2019 thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân và cụ thể hoá thực hiện phù hợp ở từng cấp, ngành.

Cụ thể hoá thực hiện Chương trình hành động số 169-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá thực hiện, phân công cán bộ chuyên trách về công tác này, đưa Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư đi vào cuộc sống với các văn bản cụ thể hoá thực hiện tiêu biểu như:

- Kế hoạch số 1289/KH-UBND ngày 21/6/2019 thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Tây Ninh về việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Kế hoạch số 3179/KH-UBND ngày 17/12/2020 thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

- Kế hoạch số 2902/KH-UBND ngày 26/8/2021 tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

- Quyết định số 2070/QĐ-UBND ngày 07/10/2022 ban hành Quy định về tiêu chí, thang điểm đánh giá, xếp loại công tác thực hiện hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, qua đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị số 30-CT/TW.

Qua việc kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của cơ quan, địa phương, đơn vị về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; phát huy trách nhiệm của các ngành, địa phương trong thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Tổ chức quảng bá, giới thiệu hàng hoá chất lượng đến người tiêu dùng.

* Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng

Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật, các văn bản của Trung ương, địa phương liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ; Chương trình hành động số 169- CTr/TU ngày 10/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 1289/KH-UBND ngày 21/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, người lao động và các doanh nghiệp biết thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hoạt động hội thảo, hội nghị, toạ đàm, truyền thông trên các phương tiện truyền hình, truyền thanh, báo điện tử, phóng sự, tờ rơi, bài viết trên cổng thông tin điện tử, treo băng rôn, trao đổi thông tin trên Hệ thống văn bản điện tử Egov, trên trang mạng xã hội Zalo, lồng ghép họp giao ban định kỳ, Ngày Pháp luật; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” (15/3)… Qua các hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú trên đã góp phần nâng cao ý thức, khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng trước các thủ đoạn lừa đảo, gian lận; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể sản xuất, kinh doanh.

* Nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Tây Ninh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 15/7/2021 ban hành Quy chế phối hợp thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc của người tiêu dùng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tây Ninh và tổ chức Đại hội lần thứ I vào ngày 29/3/2013, nhiệm kỳ 2013-2018. Sau thời gian hoạt động, để phù hợp với tình hình thực tế gắn với chức năng quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải thể, thay vào đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương phân công 01 công chức thực hiện việc trao đổi xử lý thông tin, tổng hợp báo cáo, tham mưu triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Lực lượng này được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do địa phương, Trung ương tổ chức nhằm nâng cao năng lực, trình độ công tác quản lý, thực thi pháp luật liên quan công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã có quy định việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo hướng thủ tục đơn giản, thuận tiện để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng, hòa giải hoặc khiếu kiện; công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện truyền thông, để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người tiêu dùng. Thực hiện nghiêm túc công bố công khai, minh bạch và thông tin đầy đủ rộng rãi danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong các đợt kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, chuyên đề trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh nhằm giúp người tiêu dùng an tâm lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, hàng hóa chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ từ các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu.

Các lực lượng chức năng đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đã kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát về công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Trong 05 năm qua, các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm trên nhiều lĩnh vực như:

- Ngành Công Thương: chủ trì 30 đợt thanh tra (Lĩnh vực: Điện lực, thuốc lá, ATTP, VLN, Khí, Hóa chất …), kết quả: các đơn vị được thanh tra đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật; công tác phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, kết quả: xử phạt 106 đơn vị với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là 991.000.500 đồng.

- Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, xử lý tổng số 2.120 vụ vi phạm. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là: 24.937.757.087 đồng (trong đó: phạt hành chính 21.630.028.087 đồng, bán hàng hóa bị tịch thu 3.307.729.000 đồng) đối với các hành vi vi phạm như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các hành vi gian lận thương mại khác.

- Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện 28 cuộc thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 383 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; lấy 389 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu về hoá lý, vi sinh. Kết quả 52 cơ sở vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm; 40 mẫu không đạt; xử phạt vi phạm hành chính 46 trường hợp với tổng số tiền 1.351,17 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì test nhanh mẫu thực phẩm tại Trung tâm thương mại Long Hoa (thị xã Hoà Thành).

Cơ quan chức năng kiểm tra mẫu thực phẩm tại một cơ sở sản xuất chả lụa chay trên địa bàn tỉnh.

Qua tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi pháp luật đã góp phần giáo dục, răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chuyển biến theo hướng tích cực; quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cơ bản được bảo vệ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

* Tiếp tục phát huy vai trò công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là công tác phối hợp xử lý sự vụ, sự việc giữa các cấp, các ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thực sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên nền tảng số, thương mại điện tử,…còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng nhái được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, Facebook, tik tok,.. khó kiểm soát. Một số trường hợp người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ngại khiếu kiện khi phát hiện bị xâm phạm quyền lợi.

Có thể nói, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp uỷ, chính quyền cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị số 30-CT/TW, Chương trình hành động số 169-CTr/TU  và các quy định của pháp luật, tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực và tâm huyết với nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là tập trung vào việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng và hỗ trợ người tiêu dùng một cách chuyên nghiệp.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm, khả năng tự bảo vệ của người dân. Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, phát huy các kênh thông tin báo chí, Internet, mạng xã hội, chú trọng tiếp cận sâu hơn với từng nhóm đối tượng đặc thù như người cao tuổi, nông dân, hay người tiêu dùng trực tuyến.

Tăng cường giám sát thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề, đột xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời kịp thời khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích nổi bật trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hoàng An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập512
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm491
  • Hôm nay13,658
  • Tháng hiện tại219,951
  • Tổng lượt truy cập8,228,656
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây