Chiến thắng Tua Hai - mốc son rực rỡ của phong trào Đồng khởi vũ trang miền Nam

Thứ sáu - 03/01/2025 16:51 263 0
Ngày 26/01/2025 đánh dấu kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Tua Hai (26/01/1960 - 26/01/2025), một sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng Tua Hai không chỉ là một chiến thắng quân sự vang dội mà còn là ngọn cờ đầu cho phong trào Đồng khởi của cách mạng miền Nam, đặt nền móng cho những thắng lợi to lớn sau này.

Sau Hiệp định Geneve năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Trong khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, thì ở miền Nam, Mỹ thay chân Pháp dựng lên ngụy quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng tiến hành chính sách "tố cộng, diệt cộng", dùng Luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam, giết hại cán bộ, đảng viên cách mạng. Tây Ninh, một căn cứ địa kháng chiến quan trọng, cũng không nằm ngoài vòng vây khủng bố tàn bạo của nguỵ quyền Sài Gòn.

Trước tình hình đó, tháng 01/1959, Trung ương Đảng mở Hội nghị lần thứ 15, đề ra đường lối, nhiệm vụ, phương hướng của cách mạng ở miền Nam là: “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của Nhân dân”. Quyết tâm này được hiện thực hóa qua chiến thắng Tua Hai, mở đầu cho phong trào Đồng khởi tại miền Nam.

* Công tác chuẩn bị và trận đánh lịch sử

Tua Hai (Tour 2) là một căn cứ quân sự lớn của địch nằm ở huyện Châu Thành, Tây Ninh, nơi đồn trú của Trung đoàn 39 thuộc Sư đoàn 13 quân chủ lực ngụy. Đây là trung tâm huấn luyện quân sự với kho vũ khí lớn, được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hàng rào kẽm gai, lô cốt và lực lượng canh phòng thường trực.

Để chuẩn bị cho trận đánh, Ban Quân sự miền Đông Nam bộ đã chỉ huy và tổ chức lực lượng vũ trang từ các đơn vị đặc công, bộ binh phối hợp cùng lực lượng nội tuyến trong căn cứ địch. Chiến thuật được đặt ra là đánh nhanh, bí mật và bất ngờ nhằm vô hiệu hóa hoàn toàn khả năng kháng cự của địch. Mọi chi tiết từ trinh sát, chuẩn bị lực lượng, đến bố trí trận địa đều được thực hiện kỹ lưỡng. Trận đánh Tua Hai do Ban Quân sự miền Đông Nam bộ tổ chức và trực tiếp chỉ huy, song sự chuẩn bị về lực lượng hậu tuyến do Tây Ninh đảm nhiệm. Khi trận Tua Hai diễn ra, tỉnh đã huy động cùng một lúc 300 dân công, chủ yếu là của huyện Châu Thành và một bộ phận hơn 42 người của huyện Dương Minh Châu với đa phần là đảng viên, đoàn viên thanh niên và quần chúng cách mạng trung kiên.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, sau khi cung cấp đầy đủ tình hình và sơ đồ của căn cứ Tua Hai theo yêu cầu của Ban Binh vận tỉnh, 4 cơ sở nội tuyến vận động gần 400 binh sĩ trung đoàn 32, sư đoàn 21 về quê ăn tết nguyên đán. Trong đó, có một số binh sĩ được bọn chỉ huy cho phép, còn một số không được cho phép nhưng vẫn xé rào về nhà. Hầu hết cơ sở nội tuyến của ta cũng phải đi, mục đích là khi lực lượng vũ trang tấn công tiêu diệt căn cứ Tua Hai, các cơ sở nội tuyến không bị lộ thân phận, tạo thế hợp pháp để tiếp tục hoạt động sau này.

Đúng 0 giờ 30 phút, ngày 26/01/1960, lệnh tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu. Được nội tuyến và trinh sát - đặc công dẫn đường, quân giải phóng chia làm 3 mũi: một mũi tập kích vào sở chỉ huy trung đoàn 32 nguỵ; một mũi tấn công vào khu vực phòng ngủ của bọn sĩ quan địch, với 100 quả bộc phá, thủ pháo cực mạnh đã làm tê liệt ngay từ đầu bộ phận đầu não chỉ huy của chúng; mũi thứ ba chiếm lĩnh kho vũ khí, lấy súng đối phương đánh lại đối phương.

Chỉ trong vòng 03 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Lực lượng dân công theo sát các đơn vị chiến đấu đã có mặt kịp thời mang vác súng đạn, ai cũng đem hết sức mình để mang được nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm chuyển ra vùng căn cứ. Các chiến sĩ ta được lệnh đổi súng cũ lấy súng mới để tự trang bị cho mình. Đồng chí Lê Thanh, chỉ huy phó trận đánh, ra lệnh dùng ba xe vận tải của địch vận chuyển súng đạn, sử dụng lái xe của ta và lái xe là hàng binh địch chở vũ khí từ Tua Hai theo lộ 22 hướng lên Trại Bí về căn cứ.

Sau khi thu vũ khí, giải quyết chính sách đối với tù binh, đến 3 giờ 30 ngày 26/01/1960, lực lượng vũ trang của ta rút khỏi trận địa. Trận tiến công Tua Hai diễn ra đúng như dự kiến, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, “ta diệt 76 tên địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên, thu gần 1.500 khẩu súng các loại”. Lực lượng ta bị thương 12 đồng chí, 7 đồng chí hy sinh, gồm: Đồng chí Năm Nhỏ, Tư Đen, Sáu Tươi, đồng chí Song, đồng chí Nghị, đồng chí Hoàng Anh và đồng chí Ngô Minh Trị (tức đồng chí Ba Bảy).

Tua Hai là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, đạt được yêu cầu về chính trị và quân sự do Xứ uỷ Nam bộ đề ra. Với chiến thắng vang dội này, đã cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân Tây Ninh, miền Đông Nam bộ và cả miền Nam vùng lên mạnh mẽ, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ. “Tây Ninh là loại hình đồng khởi khác, bắt đầu từ tiến công về quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng.

* Chiến thắng Tua Hai mãi là mốc son rực rỡ của phong trào Đồng khởi vũ trang miền Nam

Chiến thắng Tua Hai có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, đánh dấu bước chuyển chiến lược của cách mạng miền Nam từ thế phòng ngự sang thế tiến công, khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương chủ trương chỉ đạo chuyển hướng chiến lược của Đảng, là cơ sở để Đảng ta củng cố đường lối, phương châm đấu tranh cách mạng hai chân, ba mũi, trong đó xác định đấu tranh vũ trang ngày càng quan trọng, có tính chất quyết định cho thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam.

Chiến thắng Tua Hai đã mở đầu cho cao trào Đồng khởi ở Nam bộ, trước hết là miền Đông Nam bộ. Chiến thắng này là phát súng lệnh cho cao trào Đồng khởi của đồng bào và các lực lượng vũ trang cách mạng trên toàn miền Nam, chính thức phát động, cổ vũ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam của quân dân cả nước; mở ra thời cơ to lớn, vô cùng thuận lợi cho Tây Ninh và toàn Nam bộ vùng dậy, kết hợp giữa phong trào nổi dậy của quần chúng với tiến công của các lực lượng vũ trang.

Chiến thắng Tua Hai là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, là thắng lợi của cả một quá trình chuẩn bị mọi mặt, lâu dài, gian khổ của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung. Ý nghĩa của chiến thắng Tua Hai không chỉ giới hạn trong một trận đánh mà vượt qua không gian và thời gian, đi vào lịch sử dân tộc như là một chiến công quân sự và chính trị sáng chói của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Là một hình mẫu sáng tạo về phương pháp cách mạng của Xứ uỷ Nam bộ; báo hiệu giai đoạn ổn định tạm thời vốn được thực hiện bằng súng đạn, lưỡi lê, máy chém và thủ đoạn chính trị mị dân, lừa bịp của chế độ nguỵ quyền tay sai đã hết, bước đường sụp đổ của chế độ này đã bắt đầu.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần Tua Hai tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, thể hiện qua những thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Tây Ninh nói riêng và đất nước nói chung. Nhất là từ sau Đại hội VI, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XI) tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo khoa học, sâu sát cơ sở; đẩy mạnh triển khai học tập, quán triệt đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong 2024 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, 9, 10 (khoá XIII), Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng…

Trong năm 2024, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết thống nhất, nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì tăng trưởng tích cực, với 15/17 chỉ tiêu ước thực hiện đạt và vượt, 2/17 chỉ tiêu ước thực hiện không đạt. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 7,5%, GRDP bình quân đầu người đạt 4.550 USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.249,8 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 36% GRDP; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 0,07%, tương ứng 237 hộ; số lao động có việc làm tăng thêm là 17.150 lao động; toàn tỉnh có 68/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 01 đơn vị cấp huyện (thị xã Hòa Thành) hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Tua Hai là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống cách mạng, để thêm tự hào về ý chí kiên cường, bất khuất và trí tuệ chiến lược của quân dân Việt Nam, xứng đáng là một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử dân tộc. 65 năm đã trôi qua, nhưng hào khí chiến thắng Tua Hai vẫn mãi là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn cho các thế hệ người dân Tây Ninh và cả nước, là mốc son rực rỡ của phong trào Đồng khởi vũ trang miền Nam.

Hoàng An

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay1,384
  • Tháng hiện tại61,877
  • Tổng lượt truy cập8,070,582
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây