* Nhiều chuyển biến tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin
Đây là dòng ý kiến chủ lưu của gần 9.000 lượt tham gia trả lời phiếu điều tra dư luận xã hội do Ban Tyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức. Kết quả điều tra ghi nhận: Hầu hết người tham gia khảo sát (90,6%) biết đến Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá XI) về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” thông qua các kênh thông tin chủ yếu là các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, mạng xã hội và qua sinh hoạt đảng, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội.
Đa số người được khảo sát cho biết bản thân có tham gia kết nối, liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước qua các ứng dụng hỏi – đáp, cung cấp thông tin trực tuyến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; nắm được các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; thấy được vị trí, vai trò qan trọng của ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đối với sự phát triển của xã hội; cho rằng các cấp uỷ, chính quyền thực hiện đầu tư, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin ở địa phương, cơ quan, đơn vị có hiệu quả rõ nét.
Ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ trực tuyến, phục vụ Nhân dân.
Cuộc điều tra ghi nhận đa số ý kiến người được khảo sát đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chuẩn hoá trình độ công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả; đồng thời, cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống, nhất là lĩnh vực chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến, giáo dục, y tế, văn hoá - du lịch, giao thông, vận tải…
Đoàn viên thanh niên Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng để tra cứu thông tin, tương tác với chính quyền (Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông).
Tuy nhiên, bên cạnh đa số ý kiến ghi nhận những kết quả tích cực, còn nhiều ý kiến cho rằng việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, bất cập như: Hạ tầng CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, còn phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài; cơ sở dữ liệu được xây dựng còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa đồng bộ, gắn kết, liên thông; an toàn, an ninh mạng chưa được đảm bảo; năng lực, trình độ công nghệ thông tin một số cán bộ, công chức, viên chức còn chưa đảm bảo, đáp ứng; cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng chưa thực sự phát huy tác dụng, hiệu quả…
* Để góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin
Từ kết quả điều tra dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã báo cáo, đề xuất một số giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng triển khai thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
Đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh: Tiếp tục chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 45-Ctr/TU, ngày 31/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (Khoá XI) về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” gắn với thực hiện các văn bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh liên quan ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số[1]; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện. Yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường, đa dạng hoá nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò công nghệ thông tin trong xã hội, ý thức tự bảo vệ trên môi trường mạng, qua đó chủ động tìm hiểu, tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả tốt hơn.
Sử dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, lan toả, phủ xanh thông tin tích cực trên mạng xã hội.
Kiến nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh: lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp: Thường xuyên rà soát, bám sát, triển khai thực hiện đầy đủ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các phần việc, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo các văn bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã đề ra. Rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin của tỉnh đồng bộ với quốc gia, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chính trị, trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, nhất là các ngành kinh tế, kỹ thuật có liên quan nhiều đến tổ chức, công dân để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là một số ngành: Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp, Lao động, thương binh và xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thuế, Ngân hàng, Bảo hiểm,...
Tăng cường tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số cho người dân, đưa nội dung đào tạo về kiến thức, kỹ năng số vào chương trình các cấp học; quan tâm đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức nhằm bảo đảm nhân lực cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham mưu, giúp việc cho cấp uỷ, chính quyền. Tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, có cơ chế ưu tiên thu hút nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; hình thành đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin. Quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh; kịp thời xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Hoàng Trần
[1] Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 16/6/2022 về ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính trong hoạt động của đảng bộ giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch số 86-KH/TU, ngày 08/7/2022 về ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022 trong các cơ quan đảng tỉnh Tây Ninh, Kế hoạch số 146-KH/TU, ngày 30/3/3023 về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh năm 2023, Kế hoạch số 202-KH/TU, ngày 15/3/2024 về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh năm 2024.
- Kế hoạch số 2383/KH-UBND, ngày 28/7/2022 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Tác giả: Trần Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc