Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hội nghị trực tuyến triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Thứ sáu - 05/11/2021 04:00 53 0

  ​Ngày 03/11, Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương cùng chủ trì hội nghị.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Tại điểm cầu Tây Ninh tham dự có ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, bà Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, các đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện sở, ngành liên quan.

 Tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện khi triển khai Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó yêu cầu quá trình xây dựng, ban hành pháp luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ, tổ chức, cá nhân nào.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, tổ chức tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, không được lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật mà thiếu đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp.

Tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản luật có tính dự báo yếu, thiếu ổn định, “luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, không được để xảy ra tình trạng luật mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn…

Chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc khi tham gia xây dựng pháp luật.

Báo cáo tổng quan về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Đề án xác định mục tiêu công tác lập pháp là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khuôn khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, gắn với 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tập trung thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ chủ trương, đường lối được xác định tại các văn kiện Đại hội XIII để hoàn thiện hệ thống pháp luật; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước nhanh, bền vững.  

Đề án xác định định hướng tổng thể công tác lập pháp là tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Căn cứ vào định hướng tổng thể, Đề án xác định 8 nhóm định hướng lớn để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến

Trên cơ sở 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, gồm 12 nhiệm vụ đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 và 2022; 88 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các văn bản luật hiện hành; 37 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản mới.

Đến nay, các cơ quan đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát đối với 16 nhiệm vụ, trong đó có 13 dự án được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022; 3 dự án luật đang được đề nghị xem xét, bổ sung vào Chương trình năm 2022.

Để bảo đảm thực hiện định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đề án đề ra 3 nhóm giải pháp cụ thể, gồm tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia quy trình lập pháp; tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp, trong xây dựng pháp luật cần ưu tiên cao chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục những tồn tại, bất cập.

Tiếp tục tìm tòi, đổi mới, cải thiện quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết, các cơ quan, tổ chức cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình luật định, nhất là khâu chuẩn bị hồ sơ.

Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc không hoàn thành nhiệm vụ để báo cáo cấp có thẩm quyền, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là căn cứ xem xét đánh giá mức độ tín nhiệm khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Quan tâm việc triển khai, nghiên cứu thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, đặc biệt năm 2022 được coi là năm bản lề để triển khai Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và 95 nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Đề án cần được thực hiện và hoàn thành trong năm.

Thiên Di

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay16,474
  • Tháng hiện tại222,767
  • Tổng lượt truy cập8,231,472
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây