Đoàn kết “chống dịch như chống giặc”, theo tinh thần Cách mạng Tháng Tám

Thứ sáu - 20/08/2021 05:00 290 0

​  “Chống dịch như chống giặc!". Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính… thúc giục cả hệ thống chính trị bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19, không tiếng súng nhưng nhiều hy sinh, mất mát.


Dù các y, bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng nhiều bệnh nhân đã ra đi mãi mãi trong sự đau đớn của người thân và xã hội. Thương tâm làm sao khi những chuyến xe đưa người bệnh rời gia đình đến bệnh viện điều trị, nhưng không thể đưa họ quay trở lại nhà.

Cả nước đã có hơn 6.770 ca tử vong, chiếm 2,2% ca tử vong so với tổng số ca mắc, ngang với tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 trên thế giới. Đó là tổn thất lớn mà xã hội cần chia sẻ, động viên mỗi gia đình.

Ở một góc độ khác, các y, bác sĩ đã cứu chữa, giành giật mạng sống cho 115.059 người trên tổng số 301.957 ca nhiễm. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có số ca nhiễm đứng thứ 73/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.073 ca nhiễm).

Hiện có một số tỉnh, thành đã có 14 ngày không có ca nhiễm thứ phát hoặc nhiễm mới, trong đó Bắc Giang là điểm sáng, vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương về thành tích phòng, chống COVID-19.

Nhớ lại, cách đây 76 năm, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên, chỉ trong vòng 15 ngày đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền cách mạng non trẻ ra đời.

Đứng trước những khó khăn, thách thức như “ngàn cân treo sợi tóc", nhưng với sức mạnh đoàn kết, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trường kỳ kháng chiến giành thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975.

Nhìn lại Cách Mạng Tháng Tám để thấy rằng, sở dĩ Việt Nam vượt qua ba lần đại dịch một cách ngoạn mục là nhờ truyền thống đoàn kết của Nhân dân Việt Nam. Trừ những kẻ cố tình vi phạm pháp luật, xuyên tạc, tung tin giả… làm nhụt chí những người ở tuyến đầu chống dịch, gây rối loạn lòng dân vì những động cơ cá nhân không trong sáng; còn lại tất cả già, trẻ, gái, trai, người góp của, người góp công, góp sức và trình độ chuyên môn, tuỳ theo sức của mình, chung tay phòng, chống dịch.

Chúng ta thật sự xúc động khi chứng kiến từng đoàn xe ở miền Nam ra miền Trung, miền Bắc để cứu trợ đồng bào khi bão lũ. Để rồi hôm nay, những chuyến xe ngược vào Nam chở bao yêu thương của miền Bắc, miền Trung dành cho đồng bào miền Nam. Những chuyến xe nghĩa tình đưa hàng vạn y, bác sĩ, hàng ngàn sinh viên y khoa vào Nam sát cánh cùng đồng đội.

Hàng ngàn bác sĩ, y sĩ đã về hưu sẵn sàng rời xa gia đình, tình nguyện lên tuyến đầu xét nghiệm, sàng lọc, cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19. Không biết bao nhiêu người tình nguyện, ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà" rà soát, khoanh vùng dập dịch ở các khu dân cư.

Hàng trăm khách sạn, trường học, doanh trại bộ đội nhường chỗ làm khu cách ly tập trung. Các chiến sĩ Biên phòng gần 2 năm qua chưa được về thăm nhà. Các chốt chống dịch, chốt dân quân trải qua bao mưa, gió…

Tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tỏa sáng qua từng việc làm, từng hành động cụ thể mang đầy giá trị nhân văn. Đại dịch là một thách thức, đe dọa cuộc sống, sự an toàn, sức khỏe và cả tính mạng con người.

Nhưng càng hoạn nạn càng tỏa sáng tình người, tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Thật xúc động và ấm lòng khi trên cả nước xuất hiện hàng loạt bếp cơm nghĩa tình, bữa ăn miễn phí, chuyến xe tình nguyện; nhiều cửa hàng, siêu thị, phiên chợ, phiếu mua hàng không đồng giúp người nghèo, người không may mắn và yếu thế trong xã hội.

Chính phủ với quyết tâm chính trị là giành tất cả nguồn lực tập trung cho việc giành lại sức khoẻ của Nhân dân. Tính mạng của Nhân dân là trên hết. Những ngày qua Thủ tướng Chính phủ tận dụng tất cả mối quan hệ để trao đổi, vận động, mua cho bằng được vaccine phòng COVID-19. Thủ tướng nhắc đi, nhắc lại: “Tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân, nhất định là như vậy!"

Việc người dân nghiêm túc thục hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng chính là sự chung tay, cùng với Đảng, Chính phủ vượt qua đại dịch. COVID-19 chỉ được khống chế, đẩy lùi khi mỗi người dân biết “phòng bệnh", tự giác chấp hành giãn cách xã hội.

Mỗi người phải nhận thức đầy đủ rằng: Trong lúc này, Chính phủ đưa ra những quy định nghiêm ngặt, chính quyền các cấp kiểm soát, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm cũng là vì Dân; tự chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình cũng là hành động thiết thực góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

Những ngày qua đại dịch COVID-19 ở Việt Nam có vẻ đã chững lại. Ở thành phố Hồ Chí Minh - ổ dịch lớn nhất nước không xuất hiện những ổ dịch mới, biểu đồ số ca mắc đang đi ngang. Nhiều tỉnh thành xét nghiệm tổng sàng lọc, số ca nhiễm không đáng kể, đó là tín hiệu đáng mừng.

Để có thể vượt qua đại dịch “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm hơn nữa… nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, khống chế dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng" - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

Một lần nữa, tinh thần đoàn kết của Cách Mạng Tháng Tám đi lên từ gian khó sẽ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta tái hiện lại trong cuộc chiến chống dịch. Lúc này, chỉ có tinh thần đoàn kết mới tạo nên sức mạnh. Như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Có đoàn kết mới vượt qua được mọi khó khăn", “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Việt Nam nhất định sớm chiến thắng đại dịch COVID-19!


Thu Cúc (Phó BTGTU)

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập385
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm352
  • Hôm nay17,488
  • Tháng hiện tại223,781
  • Tổng lượt truy cập8,232,486
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây