Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thị xã Hoà Thành

Thứ sáu - 29/11/2024 14:00 145 0
Thị xã Hòa Thành nằm ở trung tâm của tỉnh Tây Ninh, có diện tích tự nhiên 82,92 km2, dân số 140.610 người (năm 2023), có 08 đơn vị hành chính cấp xã (04 phường và 04 xã). Theo kết quả điều tra, rà soát, năm 2023 thị xã Hòa Thành có 38.583 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,25% (96 hộ), hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 0,38% (145 hộ). Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Nhìn chung, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điểm giao dịch của NHCSXH thị xã đặt tại xã Trường Đông

Trong những năm qua, nguồn vốn cân đối từ ngân sách Nhà nước chuyển sang NHCSXH để uỷ thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đã được Thị uỷ, HĐND, UBND thị xã đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Trong giai đoạn 2014 – 2024, ngân sách thị xã đã cấp bổ sung 15,8 tỷ đồng vốn uỷ thác qua NHCSXH, nâng tổng nguồn vốn uỷ thác lên 16,8 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho hơn 58.049 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền 808,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tín dụng được quan tâm đầu tư trang thiết bị, xây dựng các phần mềm có tính bảo mật cao, như chương trình Intellect Online, Intellect Offline và dịch vụ Mobile Banking “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động thông minh”.

Để vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, NHCSXH thị xã đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có uỷ thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị-xã hội của địa phương và uỷ nhiệm một số nội dung công việc cho Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) thực hiện giao dịch trực tiếp tại xã, phường. Với phương thức này đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của thị xã để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách kịp thời, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tính đến hết tháng 4/2024, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện uỷ thác 9 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ là 422,7 tỷ đồng (tăng 294,3 tỷ đồng so năm 2014, tăng 168,3 tỷ đồng so năm 2019), với 12.643 hộ vay, chiếm 99,83% tổng dư nợ (với 282 Tổ TK&VV đang còn dư nợ).

Quang cảnh phiên họp định kỳ hằng quý Ban Đại diện NHCSXH thị xã

Chị Diệp Trần Tố Hân, Tổ trưởng Tổ TK&VV khu phố Long Đại, phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành cho biết: Tổ TK&VV khu phố Long Đại hiện có 60 hộ thành viên, với dư nợ 3.536 triệu đồng, tăng 3.026 triệu đồng so năm 2014 và không có phát sinh nợ quá hạn, tổng số tiền gửi tiết kiệm trong Tổ là 162 triệu đồng, tăng 162 triệu đồng so năm 2014. Trong thời gian qua, từ nguồn vốn của NHCSXH đã tạo điều kiện cho 3 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn sản xuất; tạo việc làm mới cho 41 lao động nông thôn; 33 em học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng, sửa chữa 32 công trình vệ sinh, nước sạch và 1 hộ gia đình được vay vốn xây dựng nhà ở xã hội. Vừa qua, chị Hân và Tổ TK&VV khu phố Long Đại vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, để thuận tiện trong việc phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, NHCSXH thị xã đã tổ chức hoạt động nghiệp vụ tại 8 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, phường. Thông qua hoạt động của Điểm giao dịch xã đã tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với các dịch vụ ngân hàng, đồng thời hạn chế tình trạng ”tín dụng đen”. Việc tổ chức giao dịch tại xã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhiệt tình ủng hộ, qua đó tạo được lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH; đồng thời chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân ngay tại cơ sở.

Mô hình vườn nho của chị Đặng Thị Ngọc Hà

Năm 2022, chị Đặng Thị Ngọc Hà, ngụ tại ấp Trường Phú, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành được Tổ TK&VV Nguyễn Thị Xuân Huệ và Hội LHPN xã Trường Đông giới thiệu cho vay vốn với số tiền 100 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng 2000 m2 vườn nho kết hợp quán ăn. Qua thực hiện, mô hình quán ăn kết hợp tham quan, hái nho tại vườn cho khách của chị Hà mang lại hiệu quả, giải quyết việc làm cho bản thân và 2 lao động nhàn rổi tại địa phương; thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ định kỳ và nộp lãi hằng tháng, tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV đều đặn, tổng số dư hiện nay là 3 triệu đồng.

Đồng chí Lê Hồng Vân – Uỷ viên Ban Thường vụ Thị uỷ, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã cho biết: “Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thị uỷ quan tâm lãnh đạo UBND thị xã chỉ đạo Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã tập trung thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; thực hiện đảm bảo các thủ tục, quy trình nghiệp vụ; nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch xã, phường và hoạt động của Tổ TK&VV; đôn đốc xử lý kịp thời nợ đến hạn, nợ quá hạn và thực hiện xử lý theo đúng quy định”.

Ban Đại diện NHCSXH thị xã gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các hộ vay vốn

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH thực sự đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là nền tảng kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Anh Kiệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập317
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm102
  • Khách viếng thăm214
  • Hôm nay22,804
  • Tháng hiện tại248,170
  • Tổng lượt truy cập8,256,875
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây