* Công tác tuyên truyền, quán triệt được chú trọng
Nhằm đưa Nghị quyết số 03-NQ/TU thiết thực đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành trên 80 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC. Đồng thời các cấp, ngành tổ chức đang dạng, phong phú các hoạt động tuyên truyền, như: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ biên soạn tài liệu tuyên truyền PCTNTC, lãng phí, phát động Cuộc thi trắc nghiệm trên Interner “Tìm hiểu về công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh năm 2024”, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền đậm nét trên mạng xã hội với hơn 1.500 tin, bài. Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị, Trung tâm chính trị huyện, thị, thành phố lồng ghép nội dung PCTNTC vào hoạt động giảng dạy. Hội đồng phổ biến giáo dục và pháp luật tỉnh, huyện phối hợp với Công an tuyên truyền, phổ biến các luật, trong đó có Luật Phòng chống tham nhũng vào các buổi sinh hoạt chào cờ, các buổi tuyên truyền tập trung cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Mặt trận các cấp tổ chức tuyên truyền lồng ghép được 1.245 cuộc với 56.025 người dự. Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh thực hiện 2.437 tin, bài, media tuyên truyền liên quan công tác PCTNTC... Qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục này đã góp phần nêu cao tính tự giác của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và Nhân dân trong PCTNTC.
Cuộc thi tìm hiểu về công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh năm 2024
* Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai, minh bạch các hoạt động quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính; mở rộng kênh tiếp nhận thông tin PCTNTC
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, liên thông, tích hợp dữ liệu các ngành trực tuyến lên Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế - xã hội tập trung của tỉnh, nhất là dữ liệu tài chính, ngân sách, đầu tư công; triển khai có hiệu quả hệ thống “Giám sát quy trình tiếp nhận và xử lý yêu cầu, thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh” nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Tỉnh cũng mở rộng, đang dạng hoá các kênh tiếp nhận để người dân phản hồi, cung cấp thông tin về PCTNTC. Hiện nay, thông qua các thiết bị điện tử (điện thoại thông minh, laptop, macbook), người dân có thể nhanh chóng phản ánh, cung cấp thông tin PCTNTC trên Hệ thống 1022 Tây Ninh (444 phản ánh) và Trang thông tin điện tử “Hỏi đáp trực tuyến” của tỉnh (11.342 câu hỏi) đến các cơ quan thẩm quyền. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cung cấp dịch vụ công đã công khai các thủ tục, người chịu trách nhiệm và thời hạn giải quyết gắn với trách nhiệm giải trình để người dân nắm rõ. Các địa điểm tiếp công dân, bộ phận một cửa trên địa bàn tỉnh đều bố trí hệ thống camera ghi âm, ghi hình giám sát việc chấp hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức đối với Nhân dân; duy trì tiếp nhận phản ánh từ người dân, doanh nghiệp qua đường dây nóng, hộp thư điện tử… Qua đó tăng cường tính công khai, minh bạch các hoạt động quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tầng lớp Nhân dân tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trang thông tin điện tử “Hỏi đáp trực tuyến” của tỉnh.
* Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định về PCTNTC; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, các quy định của Ban Bí thư về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Công tác thanh tra về PCTNTC được đẩy mạnh, trong đó Thanh tra tỉnh tiến hành 241 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực (trong đó trọng tâm là lĩnh vực tài chính, quản lý sử dụng đất); qua kết quả thanh tra đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 07 vụ/20 người, trong đó có 04 vụ/16 người có dấu hiệu tham nhũng.
Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 03 tổ chức đảng và 12 đảng viên có liên quan đến việc mua sắm, mượn/tạm ứng Kít xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á; các dự án, gói thầu liên quan Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện trên địa bàn tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An. Qua kết quả kiểm tra đã xác định có 02 tổ chức đảng và 08 đảng viên có vi phạm phải xử lý kỷ luật (có 04 cán bộ bị xử lý hình sự).
Trong 03 năm qua, Ban Thanh tra nhân dân tổ chức giám sát 1.920 cuộc về công tác PCTNTC, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác cải cách hành chính, việc triển khai thực hiện một số công trình trên địa bàn xã...; qua đó, đã kiến nghị 1.030 vấn đề, được các cơ quan tiếp thu, khắc phục 1.020 vấn đề, đạt tỷ lệ 99%.
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân được duy trì hằng năm, kịp thời tiếp thu, giải quyết những vấn đề Nhân dân bức xúc, phản ánh.
Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân được các cấp uỷ, tổ chức đảng nghiêm túc thực hiện. Kết quả, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ tiếp dân 40 kỳ/07 lượt công dân (38 kỳ theo quy định, 02 kỳ đột xuất); tiếp nhận và xử lý 1.557 đơn (354 đơn khiếu nại, 311 đơn tố cáo, 697 đơn phản ánh kiến nghị và 195 đơn có nội dung khác); không phát sinh vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện qua công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, đối thoại trên đã phát huy vai trò các cơ quan thanh tra, kiểm tra, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và vai trò giám sát của các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa công tác PCTNTC đi vào chiều sâu, thực chất, kịp thời phát hiện, xử lý khi có sai phạm.
* Xử lý nghiêm sai phạm; thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả
Trong thời gian qua, thông qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoạt động thanh tra, kiểm toán; thông qua hoạt động giám sát, phản ánh, tố cáo... Các cơ quan thẩm quyền trong tỉnh đã tiến hành làm việc, xử lý kỷ luật hành chính 06 vụ/10 lãnh đạo, xử lý hình sự 06 vụ/08 lãnh đạo; đồng thời, trên cơ sở kết quả bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thẩm quyền đã tiến hành xử lý kỷ luật 16 vụ/34 người do có hành vi tham nhũng hoặc vi phạm liên quan đến quy định pháp luật về PCTNTC.
Qua xử lý các vụ việc liên quan tham nhũng, tiêu cực, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng với tổng số tiền, tài sản là gần 18 nghìn tỷ đồng. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng là gần 16 nghìn tỷ đồng; hiện đang tiếp tục thu hồi gần 2 nghìn tỷ đồng.
* Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - trách nhiệm không của riêng ai
Sau 03 năm thực hiện Nghị 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2021-2025 bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: Còn có cấp uỷ, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU có nội dung chưa cụ thể, một số nhiệm vụ giải pháp chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thực hiện nhưng kết quả chưa cụ thể. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng có lúc chưa chặt chẽ; tiến độ giải quyết án tham nhũng có vụ còn chậm, trả hồ sơ điều tra bổ sung, án bị kháng nghị, án bị huỷ, sửa.
Có thể nói, tham nhũng, tiêu cực tác động xấu đối với nhiều lĩnh vực của đời sống đất nước, của tỉnh, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, kỷ cương, kỷ luật. PCTNTC được xem như một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng” , Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng xác định “Đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đấu tranh không ngừng nghỉ, lấy phòng ngừa là chính, là cơ bản”.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp định kỳ, kịp thời tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác PCTNTC trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, các kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các quy định của Ban Bí thư về kiểm soát quyền lực PCTNTC trên các lĩnh vực; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục tình trạng sợ sai không dám làm, làm việc cầm chừng, phòng thủ trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyển đổi vị trí, kê khai, công khai tài sản, thu nhập, hoạt động tự kiểm tra nội bộ về quản lý tài chính, tài sản công để phòng ngừa từ sớm, từ xa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm sai phạm được phát hiện.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU; kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên đề tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, có chuyên môn sâu, khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dư luận bức xúc, báo chí phản ánh; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án tham nhũng, tiêu cực... để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản tham nhũng.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan thanh tra, kiểm tra trong PCTNTC; cơ chế phối hợp trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, chú trọng áp dụng kịp thời biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của pháp luật.
Phát huy vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí và các tầng lớp nhân dân trong tham gia hoạt động PCTNTC.
Hoàng Trần
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
Ý kiến bạn đọc