Nhân tố quyết định thành công trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Thứ ba - 07/02/2023 21:00 562 0

​  Nhân dịp 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố. Cuốn sách là sự kết tinh những tư tưởng chỉ đạo của người đứng đầu Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng là nhân tố quyết định thành công của nhiệm vụ chính trị quan trọng này.


PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG - CUỘC CHIẾN KHÔNG NGỪNG, KHÔNG NGHỈ

Ngay từ mở đầu cuốn sách, để trả lời cho câu hỏi “Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?", Tổng Bí thư đã chỉ rõ những bước tiến trong nhận thức của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 35 năm đổi mới.

Tổng Bí thư nêu rõ, những năm đầu đổi mới, Đảng ta xác định “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay"(1); góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Qua 20 năm đổi mới, nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng ngày càng rõ rét hơn. Đảng ta chỉ rõ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời đề ra yêu cầu phải gắn chống tham nhũng với chống lãng phí. Sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta càng nhận rõ đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc"(2).

Biểu hiện của những chuyển biến lớn về nhận thức là Đảng ta có nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng như Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay"; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa IX về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí"; Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII… Đúng như Tổng Bí thư khẳng định, “Việc Trung ương ban hành Nghị quyết quan trọng này cho thấy quyết tâm cao của Đảng trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng"(3).

Trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cũng ban hành cả hệ thống các văn bản pháp luật để chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý những vụ việc tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương được thành lập và hoạt động ngày càng có hiệu quả, thực chất. Nhà nước cũng ban hành Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí… Đúng như đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, cho đến nay, nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống; khắc phục được một bước những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng..., các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta cơ bản đã tương đối đầy đủ. Nhờ đó, “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ"(4). Vì vậy, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: “Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người", kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính"(5). Quan điểm này của Tổng Bí thư là sự lý giải rõ nhất, thuyết phục nhất tại sao Đảng ta luôn coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một cuộc chiến không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bấm nút phát hành sách điện tử cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

SỰ LÃNH ĐẠO TRỰC TIẾP, CHẶT CHẼ, TOÀN DIỆN, THƯỜNG XUYÊN CỦA ĐẢNG - NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

Khi bàn đến những chủ thể tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng"(6). Lời nhận định này chính là tổng kết ngắn gọn, súc tích về vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Đó cũng chính là sự cụ thể hóa và phát triển hơn nữa tư tưởng mà Đảng ta và Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định. Đó là: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định hàng đầu mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thật vậy! Nhờ có sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ của Đảng mà công cuộc đổi mới đất nước nói chung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng được triển khai đồng bộ, có nhiều bước tiến lớn. Trên cơ sở của những quan điểm chỉ đạo, Đảng ta đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước, từ tuyên truyền, giáo dục; hoàn thiện thể chế; công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập; cải cách hành chính đến phát hiện, xử lý, xây dựng cơ quan, đơn vị và cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng nhằm bảo đảm được “bốn không". Đó là: “không thể", “không dám", “không muốn", “không cần" tham nhũng.

Do vậy, như đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Những thành quả đó là một bằng chứng thuyết phục để phản bác những hoài nghi, mọi sự xuyên tạc của các phần tử phản động, cơ hội chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam khi cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam ... Ngoài ra, cũng có những người do nhận thức mơ hồ hoặc có biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" mà cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí", “chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm hay làm “chậm" sự phát triển đất nước. Về điều này, người đứng đầu Đảng ta đã khẳng định: “Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm", không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh" hay “đấu đá nội bộ", như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu"(7).


​Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có thể khẳng định, việc công bố cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư trong thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt nó cho thấy rõ quyết tâm lớn của Đảng ta và người đứng đầu Đảng ta trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng song đồng thời nó cũng tiếp tục cổ vũ, khích lệ toàn Đảng, toàn dân ta tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

TS Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, t.55, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.237

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.193

(3) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.19

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.206

(5) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.24

(6) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.21

 (7) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.14

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập125
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay18,164
  • Tháng hiện tại243,530
  • Tổng lượt truy cập8,252,235
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây