Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ tư - 04/09/2024 16:12 293 0
Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích “đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Trãi qua lịch sử 69 năm hình thành, phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiền thân là Hội Phản đế đồng minh, thành lập ngày 18/11/1930. Đến năm 1941 bắt đầu hình thành một Mặt trận mới, đó là Mặt trận Việt Minh. Đây là hình thức tổ chức và quy tụ lực lượng giai cấp nông dân, công nhân, trí thức và tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, từ đó đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc diễn ra từ ngày 5-1091955 tại Hà Nội, quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội. nguồn ảnh Internet.

Trong bối cảnh sau năm 1954, Mỹ nhảy vào miền Nam Việt nam, hất cẳng thực dân Pháp và phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ âm mưu chiếm đóng miền Nam chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc họp từ ngày 05/9 đến 10/9/1955 tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai. Phát biểu trong buổi lễ bế mạc thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cương lĩnh này là một cương lĩnh đại đoàn kết, mục đích của nó là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước…”.

Tiếp đó, ngày 20/12/1960, trong cao trào đồng khởi của đồng bào miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời nhằm đoàn kết toàn dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam không ngừng củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao.

Cao trào tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt nam ra đời. Đây là sự kết tụ từ các phong trào đấu tranh yêu nước của các giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các thành thị miền Nam và cả phong trào ở ngoài nước.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, thể theo nguyện vọng của Nhân dân, 3 tổ chức gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, đã họp từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất 3 tổ chức này thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân tại Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp tỉnh.

Trên quê hương Tây Ninh, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tổ chức nhiều phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng có hiệu quả, cao trào là Đồng khởi Tua 2 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tự lực giải phóng Tây Ninh. Khi chưa giành được chính quyền, có lúc, có nơi Mặt trận các cấp còn làm một phần chức năng của chính quyền cách mạng. Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh là tổ chức giữ mối quan hệ mật thiết giữa các cấp uỷ Đảng với nhân dân, là cơ sở chính trị và là chỗ dựa của chính quyền nhân dân, đồng thời, là tổ chức đóng vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với chính quyền, vận động nhân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong thời kỳ đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh tiếp tục mở rộng, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo đồng tâm, hiệp lực vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh dù với nhiều tên gọi, hình thức tổ chức và hoạt động khác nhau, nhưng đều có một mục đích chung là góp phần tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc tỉnh nhà.

Trong nhiệm kỳ qua, hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; vận động nhân sĩ, trí thức tham gia đóng góp tích cực công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; quan tâm đến công tác tập hợp ý kiến Nhân dân, chủ động nắm bắt và phản ánh kịp thời tình hình Nhân dân đến các cơ quan thẩm quyền.

Thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", ở mỗi cấp đều chọn điểm chỉ đạo để quán triệt thực hiện, xây dựng và duy trì thực hiện hiệu quả 45 mô hình mới và 87 mô hình nhân rộng; vận động Nhân dân ủng hộ nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; đã vận động giúp đỡ 19.613 hộ gia đình khó khăn, hộ chính sách; vận động nhân dân hiến trên 75.134m2 đất làm đường; nâng cấp, sửa chữa 2.014km đường giao thông nông thôn; đóng góp trên 35.600 ngày công lao động.

Xác định công tác chăm lo cho người nghèo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trong 5 năm qua, thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận động đạt 174,37%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (đạt 156.97 tỷ đồng /90 tỷ đồng). Từ các nguồn lực vận động đã tập trung xây mới 1.577 căn nhà đại đoàn kết, sửa 239 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn về nhà ở; hỗ trợ người nghèo khám và chữa bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học; đặc biệt là hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho 19.613 hộ thông qua các Đề án hỗ trợ giảm nghèo. Từ những kết quả đạt được góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 từ 1,81% xuống còn 0,65% (năm 2023).

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận động tiền mặt và hiện vật quy đổi ra tiền là 114,2 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là 92 tỷ và hàng hóa tương đương 22,2 tỷ đồng; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả để chăm lo cho người nghèo, người bị tác động bởi dịch, bệnh covid-19 như: Trụ ATM gạo,  “Siêu thị online 0 đồng”, Chương trình “10.000 bánh tét, bánh ú, bánh ít - Chia sẻ yêu thương”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Chuyến xe thực phẩm 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Trao thực phẩm cho bà con vùng phong tỏa tạm thời”...; đồng thời hỗ trợ lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng chống, dịch.

Đồng chí Đặng Minh Luỹ - Phó Chủ tịch thường trực (áo dài xanh) thay mặt Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhận cờ thi đua xuất sắc do Mặt trận Trung ương trao tặng

Kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024), với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực, phấn đấu của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới công tác Mặt trận, nâng cao chất lượng các hoạt động hướng về cơ sở, xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm để thực hiện một cách thiết thực, đem lại lợi ích cho Nhân dân, góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện thành công 7 đột phá phát triển của tỉnh: phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ, để đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Tiến Hưng

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Tiến Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập302
  • Máy chủ tìm kiếm91
  • Khách viếng thăm211
  • Hôm nay22,905
  • Tháng hiện tại248,271
  • Tổng lượt truy cập8,256,976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây