Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Tây Ninh chủ trì Hội nghị. Tham dự có đồng chí Võ Đức Trong- Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động; đồng chí Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo.
Năm 2024, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai sâu rộng trong Nhân dân, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, quảng bá hàng Việt bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong mua sắm, sử dụng hàng Việt và đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng; đại đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhận thức được vai trò, ý nghĩa Cuộc vận động, chủ động hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa có chất lượng, giá thành cạnh tranh.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân được gần 35.000 cuộc với hơn 1,5 triệu lượt người tham dự; treo 366 băng rôn; tổ chức 01 cuộc mít tinh; 01 buổi xe loa cổ động; cấp phát 16 loại tài liệu, trên 7.300 tờ rơi về an toàn thực phẩm trong các buổi tuyên truyền và tại các điểm chợ.
Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động có kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để tăng giá bất hợp lý.
Công tác kiểm tra, giám sát chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng quan tâm thực hiện tốt. Trong năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 765 lượt, phát hiện 445 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 5,7 tỷ đồng.
Cuộc vận động đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng; đa số các doanh nghiệp ý thức, trách nhiệm cao hơn trong việc phối hợp với các ngành liên quan để nắm bắt tâm lý, hành vi mua sắm của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã đối với hàng hóa được sản xuất; đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng Việt Nam. Nhiều sản phẩm hàng Việt của địa phương tham gia các hội chợ thương mại tại các tỉnh và nước bạn Campuchia; được bày bán tại các siêu thị, được người tiêu dùng cả nước tin dùng.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ hơn những kết quả đạt được trong thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh; chỉ ra những khó khăn, thách thức, nguyên nhân của những thuận lợi, hạn chế... và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Đồng thời đề nghị, Ban Chỉ đạo cần có cuộc khảo sát để nắm thực chất hiệu quả của Cuộc vận động; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với tần suất nhiều hơn, hướng đến từng nhóm đối tượng để vận động, tuyên truyền; cần xây dựng những cửa hàng thương hiệu Việt với những sản phẩm trong nước và trong tỉnh; có đánh giá sức ảnh hưởng của hàng nước ngoài tác động đến thị trường sản phẩm trong nước; cần công khai, minh bạch hạn sử dụng sản phẩm; đặt mục tiêu 5 năm tới mỗi xã sẽ có một sản phẩm OCOP riêng...
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị trong thời gian tới các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền các sản phẩm hàng Việt trên nền tảng số. Các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng sàn thương mại điện tử để mọi người có thể biết rõ từng sản phẩm đặc trưng của tỉnh; tham mưu đề ra chỉ tiêu thực hiện trong thời gian 5 năm tới với những cột mốc cụ thể. Yêu cầu Sở Công thương tiếp tục rà soát các chính sách, thủ tục pháp lý, nghiên cứu tham mưu thực hiện các chính sách đặc thù của địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch; tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về hồ sơ pháp lý, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương. Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hết hạng sử dụng; kiểm duyệt chặt chẽ chất lượng hàng hóa đăng ký tham gia hội chợ, điểm bán háng Việt, hàng lưu động về nông thôn... .
Tiến Hưng
Tác giả: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh
Ý kiến bạn đọc