Là địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Ninh có vị trí thuận lợi và lợi thế phát triển cả về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Nông trường mía đường của một tập đoàn đầu tư ở Tây Ninh. |
Với truyền thống cách mạng bất khuất, kiên cường, không lùi bước trước mọi khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh đang nỗ lực đánh thức mọi tiềm năng phát triển, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra là đến năm 2030, trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Chủ động kết nối liên vùng phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút giới doanh nhân, mời gọi doanh nghiệp về địa phương là cách mà tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực thực hiện để đánh thức các tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2022, Tây Ninh xếp thứ 15 trong số 63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh có tổng vốn thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài ước đạt 9.252 tỷ đồng và hơn 515 triệu USD; trong đó thu hút đầu tư nước ngoài tăng 130% so với cùng kỳ. Các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh như: KCN Phước Đông, KCN Chà Là, KCN Bến Củi, KCN Hiệp Thạnh có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư mới cũng như tăng thêm vốn.
Theo Giám đốc Sở Công thương Lê Anh Tuấn, một sự kiện quan trọng mà UBND tỉnh Tây Ninh chủ động thực hiện, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đó là Diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023".
Tại đây, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cùng lãnh đạo tỉnh xác định 4 đột phá chiến lược, trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, là một trong những đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư trong nông nghiệp công nghệ cao.
Tại diễn đàn, UBND tỉnh Tây Ninh ký kết ghi nhớ hợp tác với 4 đơn vị: Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam; Công ty CP Sữa Việt Nam; Công ty CP Tập đoàn Hùng Nhơn-Công ty TNHH De Heus; Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam-VIDA. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, tạo cơ hội mở rộng hợp tác tại Tây Ninh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.
Qua các hoạt động của địa phương, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã thấy rõ hơn cơ hội và đến đầu tư tại Tây Ninh. Thí dụ như Tập đoàn De Heus (Hà Lan thuộc EuroCham) đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất 58 triệu con gà giống, 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.
Công ty cổ phần Hương Giang đặt mục tiêu sản xuất 120 tấn tinh bột khô/ngày. Công ty cổ phần Tây An Khánh sản xuất 30.000 con heo thịt và 30.000 con heo cai sữa (hai lứa) mỗi năm. Công ty TNHH một thành viên Ong mật Bảo An Tây Ninh sản xuất 50.000 con gà/lứa (5 lứa/năm). Công ty TNHH Vinapan chế biến 400.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm…
Theo ý kiến của nhiều nhà đầu tư, sở dĩ họ chọn đến Tây Ninh vì môi trường đầu tư thông thoáng và được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện. Bên cạnh đó, Tây Ninh còn là vùng đất nông nghiệp giàu tiềm năng, nếu được khai phá sẽ mang lại nhiều thành quả không chỉ tính bằng “số tiền đầu tư". Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức chia sẻ:
Từ sự chủ động, thiện chí mời gọi của tỉnh, bắt đầu từ năm 2011 đến nay, Saigon Co.op đã quan tâm tìm hiểu và tiến hành đầu tư 9 siêu thị tại Tây Ninh (cao nhất cả nước). Đến cuối năm 2022, tổng doanh số các Co.opmart tại đây đã vượt 1.000 tỷ đồng. So sánh cho thấy, doanh số các siêu thị Co.opmart tại Tây Ninh đóng góp 30% trong tổng doanh số các siêu thị toàn vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng giải quyết việc làm cho 1.000 lao động địa phương với thu nhập 20 triệu đồng/người/tháng. Nhận thấy tiềm năng còn nhiều dư địa, chúng tôi đặt ra mục tiêu phát triển thêm hệ thống tại Tây Ninh; đồng thời xin nâng quy mô thu mua hàng hóa tỉnh Tây Ninh lên 1.000 tấn, giá trị 100 tỷ đồng vào năm 2023 (đến năm 2025 là 1.300 tấn với 250 tỷ đồng).
Nhờ nỗ lực của các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân, tỉnh Tây Ninh vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, đạt những kết quả đáng ghi nhận về phát triển kinh tế-xã hội. Theo thống kê của UBND tỉnh Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 4,07%, đứng thứ 2 ở Đông Nam Bộ. Về đầu tư phát triển, tổng số vốn ước thực hiện hơn 18.000 tỷ đồng, đạt hơn 42% so với kế hoạch, tăng 9% so với cùng kỳ. Về đầu tư công, tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn được giao.
Tây Ninh đang trong quá trình thực hiện liên kết vùng mạnh mẽ, toàn diện hơn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững của địa phương, nhất là sau khi có Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để phát huy những kết quả đạt được, tạo đà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh chủ động nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách nhanh, tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư, trong đó có đầu tư công. Cùng với đó, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền vào lưu thông, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần tăng trưởng tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dương Minh Anh
Nguồn Báo Nhân dân điện tử
Ý kiến bạn đọc