Người Nghệ An từ bao đời nay có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, hiếu học và yêu nước, văn hóa và cách mạng. Điều đáng trân trọng nhất ấy đã trở thành “tài sản" tinh thần vô giá của người xứ Nghệ; dù cho vật đổi sao dời, phẩm chất ấy vẫn trường tồn. Và chính mảnh đất ấy đã sinh ra một người con tên là Nguyễn Trung Cấp vào năm 1950. Dù chiến tranh khốc liệt đã lấy đi đôi tai của ông nhưng bằng sự hiếu học và chăm chỉ làm việc,đồng chí đã vượt qua những khó khăn, tích cực chủ động phát triển kinh tế, nuôi dạy các con thành tài và có nhiều đóng góp cho xã hội.
Phút thư giãn của người thương binh Nguyễn Trung Cấp
Năm 1968, đồng chí Nguyễn Trung Cấp tham gia du kích xã vận chuyển hàng hóa từ biển Cửa Lò. Đến tháng 5/1972, đồng chí đi bộ đội và gia nhập vào Trung đoàn 271 di chuyển vào Đông Nam Bộ, tham gia trận đánh cửa khẩu Xa Mát, giải phóng cửa khẩu Mộc Bài. Ngày 30/4/1975, đơn vị tiến quân về Sài Gòn. Năm 1976-1977, đồng chí tham gia trận đánh biên giới Tây Nam và bị thương ở tai. Năm 1979-1984, đồng chí học đại học nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh; sau khi hoàn thành khoá học được chuyển về làm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Nông trường Thạnh Bình, huyện Tân Châu. Năm 1990, vết thương tái phát dẫn đến điếc cả hai tai nên không tham gia công tác quản lý mà về làm cán bộ kỹ thuật ở nông trường Thạnh Bình. Năm 2001, ông nghỉ hưu và tham gia các phong trào ở ấp Tân Thanh, xã Tân Phú, huyện Tân Châu.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh tàn nhưng không phế", từ sáng sớm đến chiều tối không lúc nào rời cái cuốc, cái liềm và bộ quần áo màu lính cũ. Nhớ lại những lúc khó khăn, đồng chí tâm sự: “Có những lúc định từ bỏ nhưng rồi cuộc sống của gia đình thôi thúc khiến tôi không thể ngồi yên, lại lao vào làm việc".
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, biết khắc phục khó khăn, tạo dựng nên cơ nghiệp vững chắc từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình đồng chí đã có 20 ha đất sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm cho rất nhiều bà con trong ấp, giúp họ có mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng. Không chỉ chuyên tâm làm giàu, lập thân lập nghiệp, đồng chí còn là tấm gương về chăm lo sự học vấn, chú ý giáo dục con cái thành đạt. Đồng chí có 3 người con đều chuyên cần, siêng năng, chăm ngoan học tập, có trình độ đại học trở lên và đang có việc làm ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí là mạnh thường quân của rất nhiều chương trình không chỉ riêng ấp Tân Thanh mà còn xã Tân Phú. Tính từ năm 2010 đến nay, sự đóng góp ủng hộ về tiền mặt của đồng chí cho các hoạt động từ thiện đã lên đến khoảng 1 tỷ đồng. Điển hình năm 2017, đồng chí đã giúp đỡ cho 01 hộ nghèo của ấp Tân Thanh 01 con bò trị giá 13 triệu đồng; xây sân cho văn phòng ấp Tân Thanh 21 triệu đồng; vừa góp công, vừa góp của xây dựng khu vui chơi trẻ em của ấp 8 triệu đồng; ủng hộ Hội CCB xã 5 triệu đồng và Hội CCB huyện 5 triệu đồng; ủng hộ bão lụt ở quê hương 30 triệu đồng. Ngoài đóng góp vật chất, đồng chí còn mua giống và tự tay trồng 300 cây gỗ dầu, sao, sưa quanh khu vực văn phòng và nghĩa trang ấp Tân Thanh. Đến nay, các cây này đã được 10 năm tuổi, giá trị tạm tính khoảng 600 triệu đồng.
Thương binh Nguyễn Trung Cấp (bìa trái) thăm tặng quà các gia đình neo đơn có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương
Đồng chí Cấp chia sẻ: “Bản thân là một công dân Việt Nam cần phải làm tốt và học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ một cách thấm nhuần và sâu sắc. Tuy tuổi cao sức yếu, bản thân vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ trên bất kỳ lĩnh vực nào như: sản xuất tốt, gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Đất nước ta đang phát triển và hội nhập, không lý do gì bản thân không đem sức mình ra cống hiến dù chỉ là những việc nhỏ nhất".
Trải qua những tháng ngày tham gia chiến tranh khốc liệt và nỗ lực vươn lên của bản thân, đồng chí đã đạt được vô số thành tích đáng khen ngợi như: Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Huy chương Cựu chiến binh, Huy chương Hội nông dân sản xuất giỏi, bằng khen của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh và được Chủ tịch tỉnh tặng 12 Bằng khen về thành tích tham gia tốt các hội, đoàn thể như: Hội CCB, Hội nông dân, MTTQ, Hội Người cao tuổi. Ngoài ra, đồng chí còn được tặng nhiều giấy khen của Huyện và xã.
Với những thành tích to lớn trong chiến đấu cũng như vượt khó vươn lên để lập thân lập nghiệp, đồng chí Nguyễn Trung Cấp xứng đáng là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Quốc Tuấn (BTG HU Tân Châu)
Ý kiến bạn đọc