Là một cô giáo mầm non yêu nghề mến trẻ, luôn tận tụy vì công việc, có tinh thần trách nhiệm, có thâm niên trong nghề sư phạm mầm non, tốt nghiệp Đại học sư phạm, chị Nguyễn Thị Nhạn, sinh năm 1982, ngụ tổ 10, ấp Tân Trường, Xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu. Ngoài công việc dạy học ở trường, tận dụng thời gian gia đình chị đã làm kinh tế tăng thu nhập từ mô hình trồng nấm bào ngư.
Chị là người phụ nữ thật thà, chịu thương chịu khó, tuy mới “39 cái xuân xanh" nhưng chị luôn có những suy nghĩ sáng tạo trong dạy học và làm kinh tế gia đình, những cách làm mới, những mô hình nông nghiệp mới tuy chưa làm giàu nhưng cũng tăng thêm thu nhập cho gia đình. Từ những mô hình thí điểm trồng gừng, trồng nghệ đến “đầu tư" vườn thiên lý và hiện nay gia đình anh, chị quyết định “Tìm vốn" để đầu tư trồng nấm bào ngư.
Nghĩ là làm, anh, chị quyết tâm xây dựng một trại nuôi trồng nấm, kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu đồng với đầy đủ công đoạn như nghiền bột, lên men, ủ phôi, vô meo, và dựng trại trồng nấm. Qua trao đổi, chúng tôi trực tiếp đi thăm trại nấm và cùng trò chuyện về các công đoạn làm nấm, chị Nhạn vui vẻ chia sẻ: “Điều quan trọng với người làm nghề này là phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nếu làm sạch, làm chuẩn thì bà con trong ấp sử dụng nấm an toàn, hiệu quả, tránh ngộ độc. Trong đó có gia đình em cũng dùng. Vì sức khỏe của bà con trong ấp là chính, chứ em không chạy theo lợi nhuận".
Lương tâm nghề nghiệp là vậy, đồng thời với những kiến thức, kỹ thuật sưu tầm trên mạng Internet, tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng nấm tại thị trấn Tân Châu. Để đảm bảo chất lượng phôi, anh, chị tự mình kiểm tra tất cả các khâu sản xuất. Đầu tiên là khử phôi, diệt khuẩn, khâu chọn bột gỗ, từ mạc cưa của cây cao su trộn bột bắp và đường khô, cám gạo trộn đều đóng vào bịch ni lông. Tưới ẩm, hấp diệt khuẩn 12 tiếng lấy ra để nguội, cấy phôi. Tiếp tục bịt kín phôi sau 2 tháng nấm sẽ mọc ra. Bắt đầu mở nắp sau 3-5 ngày thu hoạch nấm. Chị chia sẻ “ Riêng bột trồng nấm bào ngư là mùn cưa của cây cao su thì rất tốt", vì theo kinh nghiệm của chị Nhạn, nấm bào ngư rất thích hợp với loại mùn cưa này.
Chị Nhạn cho biết, loại nấm này tuyệt đối sạch nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế của thị trường. Để trại nấm có độ ẩm tốt, anh, chị đã lắp đặt dàn phun sương tưới nước tự động. Với hệ thống này, trại nấm của Chị luôn đáp ứng đủ độ ẩm để nấm phát triển. Tưới phun sương 1 ngày 3 lần, mỗi lần 25-30 phút (giàn tưới có máy lọc phèn vì quy trình nấm phải sạch). Quy trình của một phôi nấm kéo dài 5-6 tháng. Mỗi đợt trung bình thu được từ 25 kg nấm tươi. Quy trình từ khi cấy phôi nấm vào bịch đến thu hoạch phụ thuộc vào kỹ thuật của từng người trồng. Chính vì vậy, khi bán nấm ra thị trường, chị Nhạn còn chia sẻ cho người tiêu dùng trong ấp, các hội viên phụ nữ, khuyến khích những gia đình có điều kiện quy hoạch trồng nấm bào ngư vềquy trình cách dựng trại, vô phôi, diệt khuẩn, tạo độ ẩm cho phôi.
Mô hình kinh tế gia đình - Trồng nấm Bào Ngư của gia đình chị Nguyễn Thị Nhạn
ấp Tân Trường - Xã Tân Hiệp - huyện Tân Châu
Nấm bào ngư xám là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, chị Nhạn nhận thấy nấm dễ bị nhiễm các bệnh mốc xanh, nấm hồng và côn trùng tấn công... Ngoài ra quá trình chạy tơi và thu hoạch có thể dài hơn hoặc ngắn hơn là phụ thuộc vào thời tiết, nhiệt độ trại nấm và kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và chăm sóc sẽ cho kết quả khác nhau giữa các nhà trồng nấm. Nhìn chúng tôi chị cười “Ngoài kỹ thuật phôi, tưới ẩm điều quan trọng nữa là vườn nấm phải kín, tránh gió, côn trùng, nhiệt độ cao thì nấm mới có hiệu quả".
Hiện trại trồng nấm của chị Nhạn cung cấp ra thị trường (nhận hợp đồng bán nấm cho các quán chay ở thị Trấn Tân Châu, chị còn bỏ sỉ, bán lẽ cho các quán, người dân địa phương trong ấp làm thức ăn mỗi ngày hoặc khi gia đình có đám tiệc… Nấm bào ngư của gia đình chị có đặc trưng riêng, vị ngọt, không có mùi hôi khai, vị không đắng. Mỗi ngày mức bán trung bình từ 3-5 kg. giá bán từ 35,000 - 50,000 đồng. Thu nhập kinh tế gia đình tăng khoảng 3 - 5 triệu đồng/ tháng.
Gắn với việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" Người phụ nữ ấy luôn cần cù, chịu thương, chịu khó vươn lên trong cuộc sống. Chị đã có “Những thành tựu nhỏ" trong kinh tế hộ gia đình mà chị đã từng được nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" do Chủ tịch UBND huyện Tân Châu khen tặng trong ngành giáo dục nhiều năm liền. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt nam, là hội viên phụ nữ ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu. Chị luôn tích cực tham gia các hoạt động do địa phương và chi hội tổ chức.
Định hướng về tương lai, chị Nhạn cho biết bản thân sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn là dạy học ở trường, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mở rộng mô hình khép kín trồng nấm bào ngư, tiếp tục trồng thử nghiệm nhiều loại nấm khác như nấm linh chi và đồng thời tạo sự lan tỏa, nhân rộng mô hình kinh tế gia đình đến các hộ gia đình cùng tìm hiểu, chia sẽ, học tập kinh nghiệm, cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình trong thời gian tới.
Trà Giang
Ý kiến bạn đọc