Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy" nhưng người đàn ông ấy vẫn mang trong mình ý chí của người lính cụ Hồ. Tuổi cao, ý chí càng cao, ông luôn năng nổ với các hoạt động của địa phương. Đến xã Tân Bình, một xã biên giới của huyện Tân Biên, nhắc tới “chú Hai Đáng" hay “ông Hai xe đạp", có lẽ không ai không biết ông Lê Văn Đáng, năm nay đã 69 tuổi nhưng người ta bảo vui với nhau rằng: “chưa bao giờ thấy ông biết mệt".
Qua chiếc đài radio cũ của gia đình, thường hay nghe thông tin về vận mệnh đất nước lúc bấy giờ, nhận thức được thế nào chiến tranh, nước mất, nhà tang, cuộc sống cùng đinh cơ cực đồng bào mình, với sức trẻ và lòng yêu nước, căm thù giặc, ông cùng thanh niên trong làng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc cầm súng góp sức mình bảo vệ non sông. Năm 1970, khi ấy là cậu thanh niên tròn 19 tuổi bắt đầu tham gia vào quân ngũ, thuộc Đại đội 21, Đoàn 500, trực thuộc Quân khu 7.
Sau khi nhập ngũ, ông hoạt động cách mạng ở tỉnh Kam Pông Chhnăng, Campuchia, thực hiện nhiệm vụ tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm cho quân cách mạng miền Nam. Ông không quên được những tháng ngày sát cánh bên đồng đội trên những chuyến tàu “tiếp lương tải đạn" cho quân giải phóng hay ngâm mình dưới nước để yểm trợ cho tàu chở hàng qua các chốt địch. Mỗi chuyến hàng là mỗi lần sẵn sàng đối mặt với cái chết, có những lần bị quân chính quyền Ngụy hay Khmer đỏ phát hiện, ông và đồng đội phải liều mình chiến đấu bảo vệ tàu, không ít lần Mỹ cho máy bay ném bom càn quét, cày nát cánh rừng mà Đại đội trú đóng. Năm tháng ấy, ông đau lòng chứng kiến bao đồng đội anh dũng hi sinh.
Mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục đóng quân tại Đoàn 235, Củ Chi, sau đó xuất ngũ và về sinh sống tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Năm 2004, ông cùng gia đình chuyển đến xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh sinh sống cho đến nay. Về với đời thường, ông được công nhận là thương binh loại A hạng 4/4, bệnh binh loại B, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương do chiến tranh để lại khiến ông không thể quên được những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội, những năm tháng hào hùng, quả cảm nhưng cũng biết bao mất mát, hy sinh.
Cống hiến thời bình
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người lính Cụ Hồ luôn sống một cuộc đời giản dị mà cao đẹp. Năm 2009, ông bắt đầu tham gia vào hoạt động của các Hội đặc thù tại địa phương. Ngoài những giờ tham gia công tác Hội, ông Đáng còn làm thêm công việc sửa xe đạp tại nhà để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, bởi thế mà dân địa phương hay gọi ông với cái tên thân quen -“ông Hai xe đạp".
Ông Đáng làm thêm công việc sửa xe đạp tại nhà để kiếm thêm thu nhập cho gia đình
Sức khỏe đã kém, mang trong mình nhiều thương tích chiến tranh và bệnh tật của tuổi già, nhưng ông Đáng vẫn luôn là người tiên phong vận động hội viên các Hội làm công tác an sinh xã hội tại địa phương, vận động mạnh thường quân khắp nơi cùng chia sẻ giúp bà con thoát nghèo, vượt qua bệnh tật, khó khăn và vươn lên trong cuộc sống. Hiện ông Đáng vừa là Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, vừa là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi, Chi hội phó Hội Cựu chiến binh, Ủy viên BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam, đồng thời là Tổ trưởng Tổ dân cư tổ tự quản số 10. Với vai trò nòng cốt trong các Hội đặc thù của xã, ông còn tham gia công tác phối hợp với các đoàn thể tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động của địa phương, nhất là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới; vận động hội viên duy trì và phát triển các hình thức gây quỹ Hội để tạo điều kiện giúp đỡ cho hội viên có vốn làm kinh tế gia đình, số tiền từ các quỹ này còn dành để thăm hỏi ốm đau, tang tế, hỗ trợ đột xuất cho các hoàn cảnh khó khăn...
Ông chở gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm trên chiếc xe máy cũ kỹ đến thăm hỏi và trao cho hộ nạn nhân chất độc da cam
Người dân địa phương khi nhắc đến ông Đáng là nghĩ ngay đến hình ảnh một người đàn ông tuổi đã cao, lúc nào cũng mang theo một túi nilon đựng đầy thuốc Tây, thế mà cứ mãi rong rủi từng nhà để vận động các nguồn quỹ hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người dân các tỉnh gặp thiên tai, bão lụt… Hay hình ảnh ông chở vài bao gạo, thùng mì tôm, nhu yếu phẩm trên chiếc xe máy cũ kỹ đến thăm hỏi và trao cho từng hộ nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo của xã. Đó còn là hình ảnh một ông lão luôn tiên phong tham gia công tác dân vận của địa phương, phần việc gì ông cũng bắt tay vào làm, dù đó là những công việc vất vả nhất…
Không chỉ nhiệt huyết trong các hoạt động của địa phương. Đối với gia đình, ông là một người con hiếu thảo với mẹ già, một người ông, người cha mẫu mực, là tấm gương cho con cháu về nhân cách sống đạo đức, biết sống thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh bất hạnh hơn mình. Bởi thế, ông luôn nhận được sự tín nhiệm của bà con trong xóm, ấp. Gia đình ông nhiều năm liền được chính quyền địa phương công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa", “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền".
Bà Trần Thị Mai – Chủ tịch UBND xã Tân Bình -cho biết, ông Lê Văn Đáng là người rất có uy tín ở địa phương. Ở bất cứ vị trí công tác nào, ông luôn là người mẫu mực, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm. Ông là tấm gương chiến đấu anh dũng trong thời chiến, cống hiến hết mình khi hòa bình, rất đáng để mọi người noi theo.
Với những cống hiến cùng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi. Ông Lê Văn Đáng nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng: Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương chiến sĩ giải phóng liên hạng Nhất, Nhì, Ba trong kháng chiến. Cùng nhiều giấy khen của các cấp Hội đặc thù và địa phương qua các năm. Năm 2019, ông vinh dự được chủ tịch UBND huyện Tân Biên trao tặng giấy khen về thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong các Hồ Chí Minh.
Đình Nhân - Tân Bình
(Tân Biên)
Ý kiến bạn đọc