Hiện nay, trên địa bàn huyện Gò Dầu đã có 8/8 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó xã Phước Thạnh đạt xã nông thôn mới vào năm 2019. Từ khi đạt chuẩn xã nông thôn mới đến nay, các cấp lãnh đạo cùng Nhân dân trên địa bàn xã không ngừng nỗ lực thực hiện những cách làm hay, mô hình mới nhằm nâng cao chất lượng và giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới.
Từ khi Phước Thạnh đạt chuẩn xã nông thôn mới, đời sống của người dân ngày càng cải thiện hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có bước phát triển mạnh góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân, xóa đói, giảm nghèo. Các cơ sở thương mại - dịch vụ phát triển nhanh chóng, nhà cửa của người dân được xây dựng khang trang. Đảng bộ và chính quyền xã Phước Thạnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội tập trung mọi nguồn lực nhằm giữ vững xã nông thôn mới.
Bà Phan Thị Ngọc Dung - Chủ tịch UBND xã Phước Thạnh cho biết: “Hiểu được việc giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới là việc làm hết sức khó khăn, cần sự hỗ trợ rất lớn từ người dân, lãnh đạo xã đã triển khai chỉ đạo các ban, ngành xã thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể, mà đặc biệt là đeo bám, tuyên truyền đến từng hộ dân cư để người dân hiểu và cùng đồng hành chính quyền trong việc nâng chất, giữ vững xã nông thôn mới. Qua đó, người dân trên địa xã luôn đồng hành và tích cực hưởng ứng thực hiện những chủ trương, chính sách mà xã đề ra. Đặc biệt, là các hội viên nông dân đã đóng góp công sức, tiền của, đất đai để góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng của xã ngày càng khang trang, sạch đẹp".
Tuyến đường xã xanh, sạch, đẹp
Điển hình là hội viên Nguyễn Văn Son, ngụ ấp Phước Đông đã hiến hơn 800 m2 đất, trị giá 120 triệu đồng để mở rộng tuyến đường giao thông nội đồng có chiều dài 500 mét, ngang 3,5 mét trên địa bàn ấp Phước Đông. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Son đã vận động các hộ dân 2 bên tuyến đường hỗ trợ kinh phí trải đá 04 đoạn đường này, với tổng kinh phí 210 triệu đồng, riêng gia đình ông bỏ ra 110 triệu đồng. Tuyến đường này phục vụ cho khoảng 10 hộ dân vận chuyển nông sản trên địa bàn ấp Phước Đông được dễ dàng, phát triển kinh tế hộ gia đình và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Ngoài việc đóng góp làm đường giao thông nông thôn để người dân vận chuyển nông sản dễ dàng, các hội viên nông dân còn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng những vùng đất trước đây trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu… cho giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Chúa - Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: “ Phước Thạnh có đại đa số người dân sống bằng nghề nông, với hơn 2.100 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa là khoản 80%. Kể từ khi đạt xã nông thôn mới vào cuối năm 2019, Phước Thạnh luôn chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị nông sản. Tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư và đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện xen canh, đa canh, gối vụ các loại cây ngắn ngày và dài ngày, tăng vòng quay của đất. Nhờ đó, thu nhập của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt".
Ông Võ Văn Có, sinh năm 1964, hiện ngụ tổ 14, ấp Phước Đông, xã Phước Thạnh là hội hiện nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Vào năm 2020, ông Võ Văn Có đã chuyển đổi 1,4 ha đất tồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng Ri 6. Theo ông Có, vốn đầu tư ban đầu như móc mương, lên liếp, cây giống, hệ thống tưới tự động cho 01 ha trồng cây sầu riêng là khoảng 100 triệu đồng. Vườn sầu riêng nhà ông trồng 180 gốc trên diện tích đất 1,4 ha cho kết quả khả quan, cây phát triển rất tốt, khoảng 3,5 năm tuổi là có thể thu hoạch vụ trái đầu tiên, và nếu giá bán từ 30.000 đồng/kg trở lên thì nhà ông sẽ thu lại toàn bộ số vốn đã bỏ ra, kể từ vụ trái thứ 2 sẽ thu về lợi nhuận.
Gia đình anh Nguyễn Minh Triết, ngụ ấp Phước Đông, xã Phước Thạnh là một trong những hộ nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, kinh tế gia đình ổn định. Gia đình anh Triết đã chuyển đổi một hecta đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng, đến nay vườn sầu riêng nhà anh Triết đã cho đợt trái thứ 2, năng suất hơn 8 tấn, thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí.
Ông Nguyễn Văn Chúa - Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Thạnh cho biết thêm: “Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất. Đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao đời sống cho nông dân".
Hội viên nông dân xã
Phước Thạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói, khi Phước Thạnh đạt chuẩn xã nông thôn mới, cuộc sống người dân đã thay đổi ngày một tốt hơn từ vật chất lẫn tinh thần. Hiệu quả mang lại từ chương trình xây dựng nông thôn mới là rất thiết thực. Đây là niềm vui và là nền tảng để Đảng bộ, Chính quyền cùng Nhân dân xã Phước Thạnh tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới trong thời gian tới.
Trọng Cầu
Ý kiến bạn đọc