Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, mỗi cán bộ, y, bác sĩ của tỉnh vẫn ngày đêm làm việc, lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Nữ hộ sinh Đặng Thụy Ngọc An, công tác tại Trạm Y tế xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu là một trong những gương điển hình như thế.
Nữ hộ sinh Đặng Thụy Ngọc An lấy mẫu xét nghiệm cho bà con Nhân dân
Thực hiện phương châm “Chống dịch như chống giặc. Tất cả vì sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết…", trong những ngày dịch bệnh “nóng bỏng" cùng với cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Phước Ninh, chị Ngọc An sẵn sàng “gác xếp" mọi công việc gia đình cho người thân để làm nhiệm vụ chống dịch. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 có rất nhiều khó khăn thử thách, nguy hiểm chồng chất. Nó đặt con người vào ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng trên tất cả, những người chiến sĩ áo trắng đã đứng vững trên tuyến đầu chống dịch vì sức khỏe, tính mạng của người dân. Tại trạm Y tế xã Phước Ninh, toàn thể cán bộ, nhân viên của trạm luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Họ luôn coi Trạm y tế là ngôi nhà chung. Và trong những ngày tháng gian khổ ấy, tình đồng đội, đồng chí chưa bao giờ được thể hiện rõ nét và được đề cao đến thế. Và tại ngôi nhà chung này, chị Ngọc An, trên mọi mặt trận đều thể hiện rõ vai trò của “chị cả". Vai trò “chị cả" ở đây không phải là vai trò của người lãnh đạo mà vai trò của người chị trong đại gia đình, vai trò của người nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm sống.
Những ngày tháng 7, bầu trời xanh ngắt không một gợn mây, nhiệt độ bên ngoài có lúc lên tới hơn 37 độ C. Thế nhưng chị An luôn cùng đồng đội khoác lên mình bộ đồ bảo hộ dày cộp, kín mít, đậm mùi hóa chất kháng khuẩn. Có những ngày, chị cùng đồng đội phải đứng nhiều giờ liên tiếp để lấy mẫu xét nghiệm cho bà con Nhân dân. Đôi vai chùng hẳn xuống, bàn tay lằn lên những vết hằn và trắng bệch, héo quắt vì đeo găng tay y tế quá lâu; máu dồn xuống chân sưng phù,... Những lúc như thế chị An luôn thể hiện vai trò của người chị. Chị lúc nào cũng là người kết thúc công việc sau cùng, nhường cho đồng đội được nghỉ ngơi trước, dù chỉ là trước vài phút ít ỏi. Chưa bao giờ chị nề hà với công việc, từ dọn dẹp, vệ sinh nơi ăn chốn ở cho người cách ly đến đón người về cách ly, hướng dẫn công tác phòng dịch; thăm hỏi, động viên những người làm nhiệm vụ hàng ngày và kể cả việc xử lý rác thải y tế đều có bàn tay của chị.
Chị cùng đồng đội luôn ghi nhớ những mệnh lệnh thiêng liêng truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch thật nhanh và phải luôn bảo đảm sức khỏe, an toàn cho chính bản thân và cho cả đội. Chị Ngọc An chính là người đã tập huấn, hướng dẫn các bạn tình nguyện viên trong đội phản ứng nhanh từ nghiệp vụ và các công đoạn test sàng lọc đến những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho cả đội.
Với chị An, để hoàn thành nhiệm vụ cao cả ấy, chị cùng đồng đội đã phải trải qua những tháng ngày khắc nghiệt nhất trong cuộc đời, quên đi sức khỏe của chính bản thân mình cùng đồng đội lao vào vùng dịch. Đó là những ngày làm việc xuyên ngày trắng đêm, ăn không đúng bữa, ngủ tính từng giây, toàn cơ thể rã rời và ướt sũng trong bộ đồ bảo hộ, da sạm đi, mắt thâm quầng,… Và đằng sau sự cứng rắn, kiên cường ấy là cả một bầu trời tâm sự thầm kín, là những phút yếu lòng rơi lệ, là những hy sinh không lời nào diễn tả. Bởi chị cũng như tất cả mọi người đâu chỉ mang trên vai nhiệm vụ chống dịch! Chị còn thiên chức và vai trò thiêng liêng của người mẹ, người vợ nơi tổ ấm bé xinh của mình. Ngay từ khi xã Phước Ninh xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, chị quyết định bàn với chồng gửi con về nhà ngoại để chị yên tâm công tác. Thấu hiểu tính chất công việc của chị, chồng và con chị hoàn toàn ủng hộ quyết định của chị. Chồng chị ở nhà lo chu toàn công việc gia đình. Hai con chị rất hiểu chuyện. Mặc dù xa mẹ là điều thiệt thòi nhưng hai chị em bảo ban nhau học để mẹ yên tâm chống dịch. Tụi nhỏ rất hiểu chuyện, không hề mè nheo, nhớ mẹ đến mấy cũng chỉ xuýt xoa qua mỗi lần video call. Mẹ con động viên nhau cùng cố gắng. Chị bảo, có hôm đi lấy mẫu về khuya, mưa như trút nước, nằm ở trạm Y tế mà thèm được ôm con, được hít hà hơi ấm của con quá chừng.
Chị cười vui, hồi tưởng lại: “Ở thời điểm ấy, nhiều đêm, do công việc trong ngày vất vả, phải kéo dài đến quá khuya hoặc có khi gần sáng mới xong, mấy anh chị em lăn ra chợp mắt mà không kịp thay đồ bảo hộ. Có lúc ngủ say quên cả dậy ăn sáng,… Đồng nghiệp thương quá cũng không nỡ gọi, đến khi tỉnh dậy được thì lại đến anh em trong đội đã sẵn sàng cho công việc ngày mới rồi, lại cùng bên nhau lao vào “chiến đấu". Nghe chị kể trong nụ cười mà mắt tôi cay xè,…
Rồi chị lại bảo, hơn 10 năm tham gia công tác trong ngành y tế nhưng chưa khi nào chị cùng đồng đội lại phải chứng kiến cảnh dịch bệnh càn quét, hoành hành và diễn biến phức tạp, khó lường như dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Nhưng với vai trò, trách nhiệm của người cán bộ y tế cơ sở, chị cùng đồng đội không cho phép mình chùn bước mà phải thật sự tỉnh táo trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương đạt hiệu quả cao nhất.
COVID-19 vẫn đang rất cam go, đầy khó khăn thử thách. Những hình ảnh đẹp của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch nói chung và chị Đặng Thụy Ngọc An – nữ hộ sinh trạm Y tế xã Phước Ninh nói riêng đã làm sáng đẹp thêm truyền thống “lương y phải như từ mẫu", dũng cảm, hy sinh vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Với những nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, năm 2021, chị Đặng Thụy Ngọc An được đánh giá là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị Ngọc An là gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải ở những gì lớn lao, to tát mà học Bác từ những việc nhỏ nhất, học theo Người để chỉnh mình, răn dạy mình.
Mai Phạm
Ý kiến bạn đọc