Nữ Chi hội trưởng góp sinh kế, đồng hành cùng người nghèo, người khó khăn ở một xã biên giới

Thứ tư - 31/07/2024 22:25 55 0
Khởi nghiệp với nghề đan lát sản phẩm thủ công từ nhựa giả mây. Chị Lê Thị Kim Thúy, sinh năm 1972, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thành Đông, xã Thành Long, huyện Châu Thành đã nhân rộng, mang sinh kế, đồng hành cùng nhiều chị em phụ nữ trong và ngoài địa bàn xã Thành Long vươn lên thoát nghèo.

Nụ cười niềm nở để bắt đầu câu chuyện của chính mình, chị Thúy kể, khoảng năm 2020, nhờ tính cần cù, chịu học hỏi, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long kết nối, tạo điều kiện giúp đỡ tham gia lớp học nghề đan lát sản phẩm thủ công từ một công ty đến từ Tiền Giang thông qua chi nhánh của anh Nguyễn Khắc Tùng ngụ thành phố Tây Ninh. Nhanh nhẹn, khéo tay nên sau một, hai buổi học, chị Thúy bắt đầu làm được một số sản phẩm. Trở về nhà, chị vừa học, vừa làm nâng cao tay nghề để mỗi sản phẩm đều đạt chất lượng theo đơn đặt hàng của công ty. Thấy công việc có thu nhập ổn định, ban đầu có 3-4 chị trong xóm đến học nghề, chị Thúy tận tình hướng dẫn. Chị em chưa biết làm thì ở lại nhà chị Thúy vài buổi để nghe hướng dẫn, thực hành. Những chị em đã thành thạo thì mang nguyên liệu về nhà làm thêm.“Ở vùng biên giới, để tìm được công việc vừa sức, vừa ổn định, vừa tận dụng được thời gian rỗi làm việc nhà, việc cho người lớn tuổi…rất khó. Bản thân tôi từng lâm vào tình cảnh này nên khi thấy mình có thu nhập ổn định đã mở rộng việc làm để có thêm nhiều chị em có thêm thu nhập. Tùy thuộc vào tay nghề, thời gian làm việc, trung bình mỗi ngày các chị kiếm thêm thu nhập từ 80.000 – 150.000 đồng”, chị Thúy chia sẻ.

Tay nghề được nâng cao, thu nhập tăng, chị em rỉ tai, giới thiệu việc cho nhau. Số chị em địa phương tăng dần từ 10 rồi lên 20, 30 người. Mô hình kinh tế ở cơ sở đan lát của chị Thúy tiếp tục lan tỏa xa hơn. Nhờ đó, không chỉ chị em ở địa phương tìm đến cơ sở mà nhiều chị em ở các xã lân cận cũng đến tham gia. Tính đến nay, cơ sở của chị Thuý giải quyết được việc làm cho gần 100 lao động nữ nông thôn.

Chị Thúy (đứng) tận tình hướng dẫn, truyền nghề cho các chị em phụ nữ ở vùng biên giới.

Theo chị Trịnh Thị Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Long thông tin, địa phương hiện hơn 2.514 hội viên sinh hoạt tại 8 chi hội và 50 tổ hội chủ yếu gắn với nghề nông. Phần lớn cuộc sống của chị em vùng biên giới làm nghề buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê làm mướn nên rất bấp bênh. “Từ khi mô hình khởi nghiệp chị Thúy phát triển, có thu nhập khá, chị đã mạnh dạn giới thiệu, hướng dẫn và tạo điều kiện để nhiều chị em phụ nữ trong xã có thêm việc làm. Đặc biệt, mô hình đã giúp các chị em tận dụng tối đa thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập, giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình. Chị Thúy còn là một Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp năng động, nhiệt huyết ở địa phương, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế ở một xã vùng biên giới”, chị Thoa nói.

Nhờ nghề đan lát này, hơn 2 năm nay, chị Trần Thị Trúc Linh (46 tuổi, ngụ ấp Thành Đông) vừa có thời gian đưa rước con cái đi học, vừa phụ giúp nhiều việc của gia đình, vừa có thêm thu nhập mỗi tháng từ 2,5 triệu đến 3 – 4 triệu đồng. Chị Linh cho biết, công việc này không khó, không quá nặng nhọc, trong khi chị em chỉ cần chịu khó chuyên tâm thì ai cũng làm được. Những tháng được chị Thúy đặt hàng nhiều, chị dành thêm buổi tối để làm. Trong gia đình, ai rảnh cũng có thể làm được. Cũng nhờ đó cuộc sống gia đình chị Linh giờ bớt khó khăn, dần ổn định hơn.

Ngụ cùng địa phương, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (50 tuổi) kể, trước đó chị bất ngờ bị tai biến nhẹ nên chỉ có thể ở tại nhà phụ giúp gia đình. Cuộc sống ở vùng biên vốn khó khăn lại khó khăn chồng chất hơn với gia đình chị. Khi được chị Thúy hướng dẫn nghề đan lát, giờ chị đã có thêm thu nhập, đủ chi các khoản phí điện, nước trong gia đình hằng tháng và không phải lo nghĩ ngày mai sẽ làm gì để sống. 

Nói về mô hình, đồng chí Võ Minh Nhật, Chủ tịch UBND xã Thành Long nhấn mạnh: “Chị Thúy là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Từ việc khởi nghiệp với nghề đan lát đến việc mạnh dạn lan tỏa, giúp đỡ phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân ở vùng biên giới, đóng góp chung vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương”.

Sản phẩm đan lát thủ công từ nhựa giả mây được chị Thuý khởi nghiệp thành công

Song song với phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ chị em phụ nữ tại địa phương. Chị Thuý là một người cán bộ Hội tích cực tham gia công tác Hội, chịu khó học tập nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt, góp phần xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh, đoàn kết giúp nhau trong công tác, học tập, lao động và tổ chức cuộc sống gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; thường xuyên tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội như “Phụ nữ Thành Long tự tin, trách nhiệm, tiến bộ” bằng việc tham gia học tập qua sách báo, truyền hình để nâng cao kiến thức kinh nghiệm trong cuộc sống,  xây dựng gia đình hạnh phúc…góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”.

Theo chị Thuý, để gìn giữ và không ngừng phát huy những giá trị, phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, thì mỗi một cán bộ, hội viên, phụ nữ hãy tích cực học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, đồng thời là nòng cốt trong việc tuyên truyền để làm sao cho các giá trị, phẩm chất đạo đức tốt đẹp ấy có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội.

Hơn 8 năm gắn bó và dành nhiều tâm huyết trong công tác Hội, chị Lê Thị Kim Thúy luôn được hội viên, phụ nữ yêu mến, quý trọng. Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó trong công việc, biết tìm tòi, học hỏi cách làm hay, mô hình hiệu quả để đồng hành hỗ trợ chị em phụ nữ còn khó khăn trong cuộc sống. Bản thân chị đã được ghi nhận bằng nhiều giấy khen của các cấp, các ngành vì có nhiều thành tích đóng góp cho hoạt động phong trào Hội phụ nữ ở cơ sở. 

Và thật vinh dự vào tháng 8/2023 vừa qua, chị Thuý là một trong những cá nhân đại diện tỉnh nhà tham dự Hội thảo “Chia sẻ kết quả đánh giá và tham vấn giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình sinh kế hiệu quả khu vực dân tộc thiểu số, biên giới” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức./.

Trần Khang – Dương Phan

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Trần Khang - Dương Phan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập161
  • Máy chủ tìm kiếm62
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay27,263
  • Tháng hiện tại252,629
  • Tổng lượt truy cập8,261,334
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây