Huyện uỷ Châu Thành: Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ hai - 26/07/2021 19:00 131 0

​  Châu Thành là huyện nông thôn, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Tây Ninh; có đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài khoảng 48 km. Huyện có 14 xã (69 ấp), 01 thị trấn (4 khu phố). Có 06 xã biên giới với 31 ấp đang thụ hưởng Chương trình 135. Trong đó, xã Biên Giới thuộc khu vực II và ấp Rạch Tre, xã Biên Giới thuộc diện đặc biệt khó khăn. 

Huyện Châu Thành có diện tích đất tự nhiên 58.095,47 ha, đất nông nghiệp 51.684,10 ha chiếm 88,96% tổng diện tích đất tự nhiên. Dân số của huyện là 141.822 người, quy mô dân số ở khu vực nông thôn 132.234 người, chiếm 93,24% dân số toàn huyện. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 70% tổng số lao động.

Hệ thống kênh dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Huyện ủy Châu Thành xây dựng Kế hoạch số 84-KH/HU, ngày 21/11/2008 để triển khai, tổ chức thực hiện. Sau gần 13 năm thực hiện Nghị quyết, huyện đã đạt được những kết quả tích cực trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp được đầu tư và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân hằng năm 3,72%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt là 92,1 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất cây nông nghiệp, hoa màu theo chuẩn VietGAP-VietGAHP, mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên ăn trái như cây bưởi, xoài… được quan tâm; 100% diện tích lúa được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch, đa số diện tích lúa được xuống giống bằng máy xạ hàng, máy phun hạt; 100% diện tích mì, mía được cơ giới hóa trong khâu làm đất; cây mía ở các công ty, nông trường được trồng, chăm sóc và thu hoạch cơ bản bằng máy; mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được quan tâm đã góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, trang trại khép kín hình thành và phát triển. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt 23 trang trại (02 trang trại bò, 15 trang trại heo, 07 trang trại gà). Đến nay đã có 01 trang trại bò 100 con, 07 trang trại heo lạnh qui mô 3.000 con đến 18.000 con /lứa, 4 trang trại gia cầm lạnh qui mô từ 40.000 đến 100.000 con/lứa đã đi vào hoạt động.

Song song đó, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện 361 doanh nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với 12.780 lao động và các doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư (tăng 185 doanh nghiệp so với năm 2010), từ đó tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo đạt kết quả tích cực (2010 hộ nghèo 12,62%, hiện nay không còn hộ nghèo Trung ương). Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới với 100% nhà dân được lầu, tôn, ngói hóa; đường giao thông đến các xã, thị trấn và trục đường chính của các xã Nông thôn mới được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống lưới điện quốc gia đến từng xã với 100% hộ sử dụng điện. Đặc biệt, giai đoạn 2015-2020, nhiều công trình trọng điểm được triển khai: đường tuần tra biên giới; dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ; cầu Phước Trung, cầu Tân Định 1, Tân Định 2, cầu Rạch Tre, cầu bến Cây Ổi; đường đi bến Cây Ổi... Ngành điện đã đầu tư 26 công trình, hoàn thành 294 km đường điện trung thế, 114,6 km đường điện hạ thế, Trạm điện 110KV và công trình đường dây 110KV Tây Ninh - Châu Thành.

Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân ngày càng nâng cao.Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện nay có 7/14 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 99,4% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, vị thế của giai cấp nông dân được nâng cao, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Huyện ủy đề ra mục tiêu cho giai đoạn kế tiếp đó là: phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đáp ứng kịp thời cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tập trung công tác duy tu, bảo dưỡng công trình đã đầu tư; phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp. Đầu tư trạm y tế đầy đủ trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn.

Tin chắc với sự quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, huyện Châu Thành sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X); đời sống Nhân dân sẽ không ngừng được nâng cao. Châu Thành tiếp tục phát triển xứng danh vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng.


Lê Bá Quế

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập150
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm84
  • Hôm nay31,195
  • Tháng hiện tại256,561
  • Tổng lượt truy cập8,265,266
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây