HÀNH TRÌNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA NGƯỜI THANH NIÊN YÊU NƯỚC NGUYỄN TẤT THÀNH (1911 - 1920)

Thứ ba - 06/06/2023 18:00 1.007 0

Cách đây 112 năm, vào ngày 05/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, với khát vọng giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Đây một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước phát triển mới đối với tiến trình giải phóng dân tộc Việt Nam, đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam. Hành trình đó đã diễn ra trong 30 năm (1911 - 1941) với biết bao biến cố thăng trầm của cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người và của lịch sử dân tộc Việt Nam. 


Tàu Admiral Latouche-Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (Ảnh tư liệu)

Từ khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược đất nước ta, đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức và khuynh hướng khác nhau như: Phong trào Cần Vương, phong trào nông dân Yên Thế, phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào chống sưu thuế của nông dân ở Trung Kỳ, vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội, cuộc khởi nghĩa Yên Bái…, nhưng tất cả các phong trào đều bị thất bại. Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo. Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào? Đó là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Câu hỏi đó ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước lúc bấy giờ, trong đó có người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, phụ thân là ông Nguyễn Sinh Sắc, một vị Phó bảng, một nhà nho yêu nước, thương dân, có ý chí và nghị lực kiên cường. Mẫu thân là bà Hoàng Thị Loan, một người phụ nữ đảm đang, hiền lành, chịu thương chịu khó và giàu lòng nhân ái. Quê ngoại và quê nội đều ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - một mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học và truyền thống yêu nước. Nguyễn Tất Thành đã được kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương, lại tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột của người dân ngay trên mảnh đất quê hương mình. Điều đó càng làm cho tinh thần yêu nước, thương dân của Nguyễn Tất Thành ngày một lớn mạnh, càng hun đúc đúc thêm chí hướng cách mạng và thúc anh phải ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Ngày 05/6/1911, từ bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu hành trình ra đi tìm đư­ờng cứu nước của mình. Người đã đi qua nhiều quốc gia của các châu lục và làm nhiều nghề lao động cực nhọc để sống và hoạt động. Người hòa mình vào cuộc sống lao động và đấu tranh của vô sản ở chính quốc, khảo sát các thuộc địa của đế quốc Anh, Pháp - từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ la tinh nên có hiểu biết về bản chất chung và màu sắc riêng của mỗi nước đế quốc cũng như trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau giữa các nước thuộc địa.

Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu có một cái nhìn khái quát về xã hội phương Tây và ý thức được một số vấn đề lớn của thời đại mình đang sống. Người đã nhận thức được rẳng: Mặc dù cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng tiến bộ nhưng lại là cuộc cách mạng không triệt để, bởi vì nó không thực sự giải phóng cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Đây là cơ sở để Nguyễn Tất Thành khẳng định một cách dứt khoát rằng: Con đường cách mạng tư sản không thể đưa lại độc lập và hạnh phúc thực sự cho nhân dân các nước nói chung, Nhân dân Việt Nam nói riêng. Từ đó, Người đi đến kết luận: chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này.

Khoảng cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời Mỹ sang Anh. Năm 1914, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Nguyễn Tất Thành đã có sự phân tích và sự nhận định sơ bộ về cuộc chiến tranh, dự đoán về khả năng và chiều hướng phát triển của chiến tranh. Nguyễn Tất Thành đã đoán trước sự mở rộng chiến tranh ở châu Âu và sự tham chiến của Nhật ở châu Á. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành vội vã trở lại Pháp để kịp thời quan sát nước Pháp trong điều kiện có chiến tranh, bởi sự thắng trận hay bại trận của nước Pháp sẽ có những hệ quả cực kỳ nghiêm trọng đối với các nước thuộc địa Pháp, trong đó có ba nước Đông Dương.

Năm 1917, tin thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của chính quyền Xô Viết đã tạo nên một cục diện chính trị vô cùng phức tạp. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng dậy đấu tranh cách mạng. Nó mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên nắm chính quyền, làm chủ đất nước. Cách mạng Tháng Mười đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, Người hướng về cách mạng Tháng Mười.

Tháng 6/1919, thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước ở pháp, Nguyễn Tất Thành đã gởi tới hội nghị Vecxay bản Yêu sách của nhân dân An Nam và ký tên dưới bản yêu sách với cái tên mới là Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, các nước đế quốc đã không để mắt đến và không giải quyết bất cứ yêu cầu nào trong bản Yêu sách. Từ đó, Người rút ra một kết luận quan trọng: “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn". Mặc dù không được chấp nhận nhưng bản yêu sách đã có tiếng vang rất lớn, nó là một đòn tấn công trực diện đầu tiên của Nhân dân Việt Nam vào bọn trùm đế quốc, có ảnh hưởng rất lớn đối với Nhân dân Pháp và nhân dân các nước thuộc địa. Với bản yêu sách, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện hiện trên vũ đài chính trị thế giới.

Vào tháng 7/1920, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L' Humanité) của Pháp, số ra ngày 16 và 17/7/1920. Luận cương của Lênin đã chỉ ra những vấn đề cơ bản và chỉ dẫn hướng phát triển của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, đã giải đáp trúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở, tìm kiếm từ bấy lâu nay, nó giống  như cái cẩm nang thần kỳ cho dân tộc Việt Nam. Luận cương của Lênin giúp cho Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Đó chính là con đường mà Cách mạng tháng Mười Nga đã đi qua, con đường mà Quốc tế cộng sản - Quốc tế thứ III đã chỉ dẫn, con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tháng 12/ 1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế thứ III và tham gia sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã đến với chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa cộng sản. Từ một chiến sĩ yêu nước, đấu tranh cho độc lập, tự do, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sĩ cộng sản, một chiến sĩ quốc tế vô sản. Đây không chỉ là bước ngoặt đối với bản thân cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc mà còn là bước ngoặt mở đường cho cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa Nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Khi Nguyễn Tất Thành bước chân ra đi, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc vẫn còn mù mịt, chưa tìm được đường ra; bản thân Nguyễn Tất Thành chưa có một khái niệm rõ ràng về giai cấp, đấu tranh giai cấp, đảng chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin. Hành trang của Người mang theo khi rời Tổ quốc đó chính là lòng yêu nước và thương dân sâu sắc, với ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, với khát vọng lớn lao là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Trải qua gần 10 năm (1911 - 1920) nghiên cứu, khảo nghiệm, học tập, tìm tòi, hoạt động không ngừng ở nhiều quốc gia, ở hầu khắp các châu lục, hướng đi đúng đắn của sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được xác định, đó chính là đi theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Nguyễn Tất Thành đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng lâu dài, sâu sắc về đường lối của cách mạng Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX.

Sau khi tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, Người đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Dưới sự lãnh đạo của Bác và đường lối cách mạng do Người tìm ra, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

                                                       ThS. Phạm Thị Cẩm Lài

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập219
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm178
  • Hôm nay16,618
  • Tháng hiện tại222,911
  • Tổng lượt truy cập8,231,616
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây