Tây Ninh tích cực xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Thứ tư - 16/08/2023 15:00 708 0

Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, được coi là nội dung quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo yêu cầu phát triển của xã hội.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, các cấp uỷ, tổ chức đảng đã quán triệt đến cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phương hướng, giải pháp của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sát với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị theo tinh thần Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Quyết định số 1373/QĐ-TTg, Quyết định số 387/QĐ-TTg và Quyết định số 677/QĐ-TTg về xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 12/12/2022 về nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hoá ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết này, các trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng được quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn, định hướng các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, đội ngũ báo cáo viên các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhiều bài viết trên báo Tây Ninh, bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tạo sự lan toả sâu rộng, giới thiệu những tấm gương sáng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt các công tác về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc học tập suốt đời để các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị hành chính không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, coi đó là nội dung quan trọng trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Các tổ chức khuyến học phát huy vai trò nòng cốt, tăng cường phối hợp thực hiện các chương trình đã ký kết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành giáo dục và đào tạo, Hội Cựu giáo chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, ngành lao động, thương binh và xã hội, Bộ đội Biên phòng, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyên truyền và triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021 - 2030", Đề án “Xây dựng mô hình Công dân học giai đoạn 2021 - 2030" và Chương trình của Chính phủ; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra đánh giá, xếp loại “Đơn vị học tập". Ngành giáo dục quan tâm hỗ trợ hoạt động tại các trung tâm văn hoá, thể thao, học tập cộng đồng; cử giáo viên tham gia quản lý trung tâm, thường xuyên mở các lớp chuyên đề học tập cho người dân thuộc các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, lao động nghề nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, giúp mọi người nâng cao nhận thức và áp dụng trong đời sống thực tiễn.

       Quán triệt tinh thần Kết luận số 49-KL/TW, các tổ chức đảng và đảng viên đã lồng ghép việc gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài vào đánh giá năng lực, phẩm chất cuối năm. Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, có 31.670/33.482 đảng viên tham gia hội khuyến học, đạt tỷ lệ 94,6% (không tính lực lượng vũ trang). Tổng số hội viên hiện nay: 603.558 hội viên/1.158.150 dân, đạt tỷ lệ 52,1%; tổng số hội khuyến học cơ sở (xã, phường, thị trấn): 94/94, tỷ lệ 100%; tổng số chi hội khuyến học trên toàn địa bàn: 1.160 chi hội; tổng số ban khuyến học hiện nay: 7.686 ban. Các trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề đã thành lập các chi hội khuyến học. Các tổ chức đảng và đảng viên đang phấn đấu xây dựng “tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập làm nòng cốt trong xây dựng các mô hình học tập trong Nhân dân". Các cơ sở giáo dục đào tạo và các trung tâm chính trị trên địa bàn tỉnh lồng ghép một số chuyên đề về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào các bài học.

        Trong năm 2023, đăng ký các danh hiệu: Gia đình học tập: 261.293/270.071 tổng số gia đình, tỷ lệ 96,75%; Dòng họ học tập: 431/432 tổng số dòng họ, tỷ lệ 99,77%; Cộng đồng học tập: 482/482 tổng số cộng đồng, tỷ lệ 100%; Đơn vị học tập: 486/486 tổng số đơn vị, tỷ lệ 100%.

Thực hiện Quyết định số 677/QĐ-TTg, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức tập huấn phần mềm đánh giá công nhận danh hiệu “Công dân học tập" cho 9/9 huyện, thị, thành phố mở rộng đến cấp xã. Sau Hội nghị tập huấn, các cấp hội tích cực triển khai tại địa phương, tuy bước đầu có lúng túng, khó khăn nhưng đến nay đã dần đi vào ổn định, mỗi ngày đều có số liệu cập nhật trên hệ thống dữ liệu của tỉnh. Kết quả, có 26.283 người tham gia; số người đạt danh hiệu Công dân học tập là 12.114, đạt tỷ lệ 46,09%.

 

Ông Lê Văn Gót, ngụ khu phố An Phú, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng hướng dẫn cháu học bài (Ảnh: Quốc Huy)

Công dân học tập là hạt nhân nòng cốt để xây dựng xã hội học tập, là yếu tố quyết định của các mô hình gia đình học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập. Thực hiện phong trào xây dựng xã hội học tập, tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, mô hình “Gia đình tôi học tập và làm theo Bác" đã tạo sự lan toả, có hiệu ứng tích cực và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện. Toàn huyện có 100% cơ quan, đơn vị và hơn 90% đảng viên và hơn 40% hộ dân treo ảnh Bác hoặc câu nói của Bác trong nhà. Mỗi nhà sưu tầm, treo, dán hoặc trưng bày ít nhất một tấm hình, hay một câu nói hoặc một bức tranh về Bác được đặt ở nơi trang trọng, tôn nghiêm trong gia đình nhằm giáo dục cho mọi thành viên trong gia đình ý thức được việc tự tu dưỡng, rèn luyện theo gương Bác, xây dựng nên văn hoá học tập trong mỗi gia đình và bản thân.

Nhiều cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện một phần việc cụ thể, thiết thực như Túi gạo 10.000 đồng, Tiết kiệm thường xuyên hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hội Cựu chiến binh huyện phát động thực hiện mô hình trong hội viên và đưa vào thang điểm thi đua của hội; Hội LHPN phát động việc thực hiện mô hình bằng việc thành lập các câu lạc bộ; Hội nông dân huyện phát động mô hình gắn với phong trào “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"; Liên đoàn Lao động huyện phát động trong hệ thống công đoàn trên địa bàn huyện; Đoàn thanh niên thực hiện mô hình gắn với các phong trào “Tuổi trẻ Tân Châu làm theo lời Bác", “Ngôi nhà nhân ái". Các hoạt động triển khai thực hiện mô hình đã góp phần lan toả nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, người dân tự ý thức việc học tập theo gương Bác, từ đó trang bị cho bản thân những nền tảng văn hoá đạo đức tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và làm theo Bác, cũng là giải pháp để thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".

Có thể khẳng định, mô hình “ Gia đình tôi học tập và làm theo Bác" là sự cụ thể hoá, nâng cao chất lượng mô hình Công dân học tập. Đó là đề cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi về các phẩm chất, năng lực của công dân; là lòng yêu nước, yêu thương con người, yêu Nhân dân; có đạo đức cách mạng, tiền phong, gương mẫu, lối sống lành mạnh, trung thực, tiết kiệm; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, chấp hành pháp luật; có tư duy đổi mới, sáng tạo, đoàn kết; lan toả tinh thần tự học hỏi và thúc đẩy mọi người cùng nhau nêu cao ý thức tự học, tự trang bị kiến thức cho bản thân, qua đó, cùng xây dựng xã hội học tập.

Tại Tây Ninh, có rất nhiều tấm gương sáng về ý chí tự học, tự làm chủ kiến thức không qua trường lớp; tự học, tự nghiên cứu, chế tạo, sáng kiến ra công cụ, phương tiện phục vụ dân sinh…

Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã chọn ra nghiên cứu khoa học sáng tạo lĩnh vực nông nghiệp, dự thi Giải thưởng “Tự học thành tài" năm 2023 với mô hình Máy gắp mía thuỷ lực của tác giả  Thi Khánh An, hội viên Hội Nông dân xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Máy gắp mía thủy lực xoay dễ sử dụng, xoay 360 độ theo thân máy, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí trong khi thu hoạch mía và các loại cây khác như tràm, keo,… thay thế sức lao động trong lúc khan hiếm nhân công lao động như hiện nay.

 

Nhà nghiên cứu văn hoá Phí Thành Phát trong buổi điền dã (Ảnh: Phí Thành Phát)

Hay như tấm gương đồng chí Phí Thành Phát - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã tích cực phát huy tinh thần tự học và say mê nghiên cứu khoa học. Dù không được đào tạo chuyên ngành về văn hoá, nhưng với niềm đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian được hun đúc từ nhỏ, cùng với niềm đam mê và ý thức trách nhiệm của văn nghệ sĩ trẻ trước nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà, từ trên mảnh đất Trảng Bàng giàu trầm tích văn hóa, đồng chí đã có những thành công bước đầu trong nghiên cứu văn hóa dân gian. Và từ năm 2018 đến nay, bằng phương pháp đọc sách, nghiên cứu tài liệu kết hợp cùng đi điền dã, đồng chí đã có 5 bài tham luận công bố tại hội thảo khoa học Quốc tế; 12 bài tham luận công bố tại Hội thảo khoa học Quốc gia, cấp Bộ; 3 bài tham luận công bố tại tọa đàm khoa học cấp thành phố. Nhiều bài nghiên cứu khoa học công bố trên các sách, tạp chí, tập san ngành uy tín. Đồng chí cũng là người có công đầu trong nghiên cứu nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi, giới thiệu nghệ thuật này đến công chúng và cùng các bạn đoàn viên thanh niên tổ chức các hoạt động nhằm góp phần nâng cao ý thức về trách nhiệm của cộng đồng và người trẻ trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể nói, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở tỉnh Tây Ninh trong những năm qua đã có bước chuyển biến rõ nét, tích cực, hiệu quả. Tiếp theo Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", các cấp uỷ đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong việc góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, khơi dậy truyền thống hiếu học, đáp ứng nguyện vọng thiết tha, lòng mong mỏi học tập của Nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Để tiếp tục phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phát huy giá trị truyền thống văn hoá và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong tình hình mới, cần tập trung một số giải pháp sau:

Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X và Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII và Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tập trung vào xây dựng các mô hình học tập, trong đó, mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong Nhân dân; gắn kết các tiêu chí công nhận mô hình học tập, công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập… với việc công nhận các mô hình văn hóa, với các danh hiệu thi đua.

Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tham mưu, triển khai chỉ đạo phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, thôn bản, tổ dân phố, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang… không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, coi đó là nội dung quan trọng trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập, chú trọng đào tạo từ xa, xây dựng một xã hội “học tập suốt đời" theo hướng hiện đại, tiên tiến, ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán của các cấp hội khuyến học với chất lượng cao. Tiếp tục phát triển hội viên và tổ chức hội theo hướng nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác hội và trình độ vận động Nhân dân tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài của tổ chức hội.

Gắn kết các nội dung của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa vào việc xây dựng các mô hình học tập, làm nền tảng vững chắc cho xây dựng xã hội học tập.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hướng dẫn công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đồng thời tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời và có nhiều hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể và các mô hình thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập./.

Thanh Thanh


  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập540
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm509
  • Hôm nay14,608
  • Tháng hiện tại220,901
  • Tổng lượt truy cập8,229,606
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây