Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ, đây là chủ trương nhất quán trong đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta. Tín dụng chính sách xã hội góp phần cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, có vai trò to lớn trong việc vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
* Hoạt động tín dụng chính sách xã hội là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách an sinh, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cánh giàu nghèo giữa các vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Thực tiễn hoạt động triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và ngày càng có hiệu quả của kênh tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Phương thức uỷ thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà NHCSXH và các tổ chức CT-XH đang thực hiện là cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương nên đã phát huy tích cực hiệu quả sử dụng vốn. Các chương trình tín dụng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần sang sản xuất hàng hóa, tập trung; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống dần sang ứng dụng khoa học công nghệ; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Các cấp hội nông dân tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với ngành nông nghiệp, khuyến nông, các công ty, doanh nghiệp đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tổ chức hội thảo cho gần 180 nghìn lượt hội viên nông dân nhằm giúp các hộ nông dân vay vốn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế. 100% hội nông dân cấp huyện ký văn bản liên tịch với NHCSXH cùng cấp; 100% hội nông dân cấp xã đã ký hợp đồng uỷ thác với phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách uỷ thác qua tổ chức hội nông dân đạt 1.908 tỷ đồng/55.443 hộ vay, chiếm tỷ trọng 45,76% trên tổng dư nợ uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác cho vay; tăng 1.175 tỷ đồng so với năm 2014 (tương đương tăng 160,13%).
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 34.220 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn từ NHCSXH. Qua đó, đã thu hút, tạo việc làm cho 11.291 lao động; tạo điều kiện cho 2.819 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 37 nghìn công trình cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng 27 căn nhà ở xã hội.
Hộ vay vốn từ ngân hàng CSXH phát triển chăn nuôi bò thoát nghèo (hình minh hoạ).
Vốn tín dụng chính sách có vai trò quan trọng và góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 2011-2015 giảm từ 4,27% xuống 0,82%; giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 2,10% xuống 0% (cuối năm 2020); giai đoạn 2022-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 0,65% xuống còn 0,1% (hết năm 2024 toàn tỉnh còn 335 hộ nghèo). Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời.
Nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội và sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương, UBND các cấp và hoạt động có hiệu quả của ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp.
Đến ngày 31/12/2024, tổng nguồn vốn nhận uỷ thác địa phương 625.221 triệu đồng (vốn ngân sách tỉnh đạt 510.866 triệu đồng, chiếm 81,71%/tổng nguồn vốn uỷ thác địa phương; vốn ngân sách cấp huyện đạt 114.355 triệu đồng, chiếm 18,29%/tổng nguồn vốn uỷ thác địa phương), tăng 230.849 triệu đồng so với đầu năm (tăng 58,5%), hoàn thành 419,7% kế hoạch tăng trưởng năm 2024.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thị xã Hòa Thành giải ngân vốn vay tại phường Long Thành Trung.
* Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới
Trong bối cảnh tình hình mới, nhất là những tác động phức tạp, khó lường của các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cùng với quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045 đang đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Ngày 30/10/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, tiếp tục khẳng định quan điểm tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW, cần tập trung các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội.
Nâng cao vai trò của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội theo hướng bao trùm, bền vững.
Ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hoá các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Phát triển NHCSXH là định chế tài chính công, có khả năng tự chủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.
Nghiên cứu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mạnh mẽ mô hình tín dụng chính sách, nhất là sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách, kiểm soát tín dụng đen một cách hiệu quả.
Thanh An
Tác giả: tttthao
Ý kiến bạn đọc