Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hoá văn hoá ở cơ sở

Thứ tư - 08/01/2025 19:47 71 0
Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở đã được các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành quan tâm chỉ đạo và đầu tư nhiều nguồn lực đã phát huy được công năng sử dụng, là nơi tổ chức các hoạt động phục vụ các buổi sinh hoạt, hội họp, các hoạt động chính trị, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương; góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, là động lực thúc đẩy học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

*  Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hoá văn hoá ở cơ sở

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 12/12/2022 về nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong đó khẳng định quan điểm: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo nền móng vững chắc cho việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cấp cơ sở; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Các cấp uỷ, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa, đồng thời tham gia giám sát hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 424 thiết chế văn hóa, thể thao công lập (Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Nhà thi đấu thể thao, trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao; Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên tỉnh; 02 trung tâm văn hóa thiếu nhi huyện; 09 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện; 94/94 Trung tâm VHTT&HTCĐ xã, phường, thị trấn; 307 Nhà văn hóa ấp, liên ấp và 13 Nhà văn hóa dân tộc) với 578 câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa văn nghệ quần chúng và hơn 300 câu lạc bộ, đội, nhóm thể thao được thành lập, hoạt động thường xuyên. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở cơ bản được đầu tư, xây dựng, tạo môi trường, điều kiện để Nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, bồi dưỡng phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người. Hoạt động của các trung tâm, nhà văn hoá ấp từng bước thu hút người dân đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí, luyện tập thể dục, thể thao, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, tác động tích cực đến đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.

Các cấp uỷ, chính quyền quan tâm đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Hằng năm, các địa phương đã vận động nguồn tài trợ kinh phí từ 50 đến 100 triệu đồng/năm/01 trung tâm đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ cấp huyện và từ 20 đến 50 triệu đồng/năm/01 trung tâm đối với cấp xã, phường, thị trấn.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ khảo sát Nhà văn hoá ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên.

Trong năm 2024, huyện Dương Minh Châu đầu tư cho các thiết chế văn hóa năm 2023-2024 gồm: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng (VHTTHTCĐ) xã Bàu Năng, các nhà văn hóa trên địa bàn xã Bàu Năng, Nhà Văn hóa dân tộc người Tà Mun - xã Suối Đá, Trung tâm VHTTHTCĐ xã Phước Minh và các nhà văn hóa ấp trên địa bàn, cải tạo Trung tâm VHTTHTCĐ xã Bến Củi,… với số vốn khoảng 24,67 tỷ đồng. Thị xã Trảng Bàng đầu tư xây dựng Nhà thi đấu đa năng thị xã; xây mới 02 Nhà Văn hóa ấp Phước Long và Phước Thuận, xã Phước Chỉ khoảng 29,47 tỷ đồng và xã hội hóa lắp đặt các dụng cụ luyện tập thể thao ngoài trời với số tiền 12 triệu đồng. Huyện Tân Châu đầu tư sửa chữa, cải tạo 03 Trung tâm VHTTHTCĐ xã gồm: Tân Hội, Tân Đông, Tân Hiệp; sửa mới 03 Nhà văn hóa ấp; sửa chữa, cải tạo 04 thiết chế văn hóa khác với số vốn khoảng 2,497 tỷ đồng,…

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND, ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ kiêm nhiệm cho người quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn và nhà văn hoá ấp, nhà văn hoá liên ấp, nhà văn hoá dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ quy định “khung cứng” (quy định mức kinh phí duy trì và tổ chức hoạt động đối với VHTTHTCĐ là 40.000.000 đồng/trung tâm/năm; nhà văn hoá ấp, liên ấp là 20.000.000 đồng/thiết chế/năm), cho nên việc phân bổ kinh phí của các địa phương thiếu tính linh hoạt, chủ động (đối với các địa phương đủ khả năng bố trí mức hỗ trợ cao hơn nhưng không thể thực hiện). Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh phí còn hạn chế (bình quân mức chi chỉ từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng cho một hoạt động), các thiết chế văn hoá cấp xã, ấp phải thực hiện khối lượng công việc khá lớn, bình quân hàng năm mỗi trung tâm VHTTHTCĐ tổ chức từ 24 đến 26 hoạt động văn hoá, thể thao, ngoài ra còn tổ chức 24 chuyên đề thuộc lĩnh vực học tập cộng đồng, đồng thời phải duy trì hoạt động từ 05 câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ trở lên và 05 đến 06 câu lạc bộ thể thao, … do đó, chất lượng hoạt động không cao, chưa thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt.

* Ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hoá ở cơ sở

Từ tình hình và nhu cầu thực tiễn của từng thiết chế để có mức phân bổ kinh phí phù hợp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 92/2024/NQ-HĐND, ngày 06/12/2024 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND, ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh, theo đó, giữ nguyên mức cũ, không quy định theo “mức khung cứng” mà quy định mức “tối thiểu” nhằm đảm bảo tính chủ động của địa phương trong việc phân bổ ngân sách một cách phù hợp, nâng cao được vai trò, trách nhiệm của địa phương trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết chế trên địa bàn quản lý.

* Định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hoá ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 12/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đưa mục tiêu xây dựng nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vào Nghị quyết của các cấp uỷ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của chính quyền các cấp nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong hoạt động quản lý đối với từng đối tượng, lĩnh vực và đặc điểm ở từng địa phương. Phấn đấu xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng mang tính xã hội cao với vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, đặt dưới sự quản lý, định hướng, hỗ trợ của Nhà nước. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được xây dựng đạt chuẩn và hoạt động chất lượng, hiệu quả nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân; tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển; là nền tảng vững chắc trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới. Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; giá trị văn hóa của địa phương Tây Ninh.

Quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức đi đôi với công tác đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao cơ sở có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương; quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, các trang thiết bị được đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa ở cơ sở, không áp đặt, rập khuôn. Huy động, phát huy tối đa sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể và tư nhân trong quản lý, khai thác, tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa; phát huy tính chủ động, sáng tạo và vai trò tự quản của cộng đồng đối với việc phát triển văn hóa của địa phương.

Thanh Thanh

Tác giả: tttthao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập334
  • Máy chủ tìm kiếm93
  • Khách viếng thăm241
  • Hôm nay23,162
  • Tháng hiện tại248,528
  • Tổng lượt truy cập8,257,233
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây