SEA Games 31 là một Đại hội thể thao khác biệt so với các kỳ Đại hội trước khi trong tổng số 40 môn thể thao với 523 nội dung thi đấu được tổ chức ở Việt Nam có tới 25 môn Olympic, 12 môn ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á) và 3 môn Thể thao Đông Nam Á. Các con số ấn tượng như 1.341 vận động viên tham dự, 30 kỷ lục mới được xác lập, 2,970 tình nguyện viên phục vụ...
Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ chính thức diễn ra tối 12/5.
“Việt Nam tổ chức tất cả các môn theo đúng quy định của Ủy ban Olympic quốc tế và không hạn chế nội dung thi đấu theo thế mạnh của mình, hạn chế thế mạnh của đối thủ. Điều này cho thấy, Việt Nam đã tổ chức được một kỳ Đại hội thể thao sòng phẳng và công bằng", đây là nhận xét của ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.
Kết thúc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, Đoàn Thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 446 huy chương, trong đó có 205 HCV, vượt chỉ tiêu đề ra (140 HCV); đồng thời phá vỡ siêu kỷ lục nhiều HCV nhất trong một kỳ Đại hội mà Indonesia lập được năm 1997 (194 HCV). SEA Games 31 đã trở thành cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam kể từ khi tham gia tranh tài ở “đấu trường" Đông Nam Á.
Không chỉ thiết lập cột mốc lịch sử mới, tại kỳ Đại hội này, Thể thao Việt Nam cũng mang về chiến tích lừng lẫy khi 2 nhà đương kim vô địch - Đội tuyển U23 quốc gia và Đội tuyển nữ quốc gia - đã bảo vệ thành công ngôi vô địch bóng đá SEA Games.
VƯỢT QUA THÁCH THỨC CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ
Còn nhớ gần 1 năm trước, tháng 7/2021, trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch COVID-19, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cho biết, SEA Games 31, ban đầu dự kiến diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào tháng 11/2021 sẽ bị hoãn sang năm 2022. Lần đầu tiên một kỳ SEA Games bị hoãn vì lý do dịch bệnh.
Cuối tháng 7 năm đó, thủ đô Hà Nội buộc phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, giãn cách xã hội toàn thành phố, mọi hoạt động bị ngưng trệ, ưu tiên cao nhất được dành cho công tác chống dịch COVID-19. Những người yêu thể thao thấp thỏm, lo lắng không biết SEA Games có thể quay trở lại và người hâm mộ liệu có thể đến sân theo dõi trực tiếp các vận động viên thi đấu.
Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị đã dồn sức cho công tác phòng chống dịch bệnh, quyết tâm đưa cuộc sống trở lại bình thường, không để lỡ nhịp phát triển kinh tế. Đồng thời, không bỏ lỡ cơ hội tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam như việc đăng cai tổ chức SEA Games 31.
Nỗi lo về một kỳ SEA Games không khán giả cũng luôn hiện hữu khi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào và rất khó dự báo. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cả nước phải gồng mình chống dịch, chi phí dành cho việc tổ chức SEA Games cũng phải được tiết kiệm tối đa.
Dẫu vậy, hầu hết các công việc vẫn được triển khai có hiệu quả như công tác vận động tài trợ, bố trí phương án ăn ở, đi lại cho các đoàn thể thao. Ban Tổ chức cũng đã cố gắng cân đối, phát huy tính tự chủ của địa phương đăng cai, đồng thời, nhiều nội dung được triển khai bằng hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Cuối cùng, vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức, tối 12/5, hàng nghìn vận động viên, người hâm mộ trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình cùng hàng triệu khán giả Đông Nam Á đã được chứng kiến một Lễ khai mạc SEA Games hoành tráng, ấn tượng với bản sắc văn hóa Việt Nam đậm đà, hòa quyện cùng tinh thần thể thao cao thượng và hiệu ứng công nghệ tuyệt vời.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, khi Olympic Tokyo 2020 (được tổ chức năm 2021) diễn ra không khán giả, ASIAD 2022 tại Trung Quốc bị hoãn vô thời hạn vì dịch bệnh, thì hình ảnh các khán đài chật kín khán giả ở SEA Games 31 là minh chứng rõ ràng cho một Việt Nam an toàn, vượt qua bệnh dịch và cuộc sống bình thường đã trở lại.
TINH THẦN "VÌ MỘT ĐÔNG NAM Á MẠNH MẼ HƠN"
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Lễ bế mạc SEA Games 31: “Hình ảnh về một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển, một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn, một Đông Nam Á đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, một Đông Nam Á cùng nhau tỏa sáng đã được khắc họa xuyên suốt 17 ngày diễn ra Đại hội". Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đều cảm thấy vui và phấn khởi khi các địa điểm thi đấu đều đầy ắp khán giả vì một nền thể thao lành mạnh, mà cao trào là sự cuồng nhiệt, hết mình của hơn 40 nghìn cổ động viên cổ vũ vô tư, trong sáng cho trận chung kết bóng đá nam trên sân vận động Mỹ Đình. Điều đó như thông điệp của Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung gửi đến thế giới là chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh và cuộc sống an toàn đã dần trở lại bình thường.
“Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" (For a stronger Southeast Asia) là khẩu hiệu của SEA Games 31 mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Để đại hội thể thao thành công thì quốc gia chủ nhà không chỉ thể hiện sự hiếu khách, chu đáo mà còn cần có thái độ công tâm khi lựa chọn các môn thi đấu.
SEA Games 31 là một Đại hội khác biệt với các kỳ đại hội trước ở chỗ Việt Nam tổ chức hầu hết các môn thể thao Olympic, ASIAD.
Trong tổng số hơn 40 môn thể thao được tổ chức có 25 môn Olympic, 12 môn ASIAD và 3 môn thể thao Đông Nam Á. Việt Nam tổ chức tất cả các môn theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế và không hạn chế nội dung thi đấu nào. Có nghĩa là Việt Nam không đưa thế mạnh vào và hạn chế thế mạnh của các quốc gia khác. Vấn đề này được các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ và đánh giá cao.
Việt Nam là quốc gia đi tiên phong tổ chức Đại hội thể thao khu vực theo hình thức này và đây là bước đi quan trọng góp phần thay đổi cách thức, định hướng tổ chức các đại hội thể thao tiếp theo của khu vực, nhằm nâng cao thành tích, chất lượng của thể thao ASEAN, dần rút ngắn khoảng cách với châu lục, thế giới.
SEA Games 31 được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mục tiêu cao nhất là để Đại hội lần này diễn ra an toàn, suôn sẻ, để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. “Đây cũng là dịp để nước chủ nhà vinh dự, tự hào quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam với du khách quốc tế" như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi đến thăm, động viên vận động viên, huấn luyện viên và kiểm tra công tác tổ chức SEA Games 31 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, Cung Điền kinh trong nhà Mỹ Đình, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
Riêng thành phố Hà Nội đã dành hơn 600 tỷ đồng cho việc nâng cấp, sửa chữa, trang hoàng cơ sở vật chất tại các địa điểm thi đấu trên toàn địa bàn Thủ đô, cải tạo các công trình do địa phương quản lý. Là địa phương đăng cai 18 môn thể thao và lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31, Hà Nội xác định đây là cơ hội để Thủ đô giới thiệu về nét đẹp con người và danh lam thắng cảnh tới bạn bè quốc tế.
Hàng ngàn người là thành viên Ban Tổ chức, trọng tài, vận động viên và huấn luyện viên của các nước tham dự SEA Games 31 tại Quảng Ninh được miễn phí tham quan các điểm du lịch lớn trên địa bàn tỉnh. Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan, đơn vị phục vụ SEA Games của tỉnh cần nghiên cứu, tổ chức chương trình tham quan, trải nghiệm cho các đoàn thể thao xen kẽ giữa những ngày thi đấu để vận động viên, huấn luyện viên có cảm nhận tốt nhất về Quảng Ninh.
Là địa điểm tổ chức bảng A môn bóng đá nam có đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu cùng một trận bán kết, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
Tỉnh đã đầu tư hơn 44 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp mặt sân thi đấu và hệ thống một số sân tập phục vụ các đội tuyển. Sân vận động Việt Trì hiện là một trong những sân vận động khá hiện đại của khu vực phía Bắc với mặt sân được trồng cỏ có tiêu chuẩn tốt với sức chứa khoảng 18.000 chỗ ngồi.
Thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) đăng cai tổ chức các trận đấu vòng bảng B môn Bóng đá nam từ ngày 7 đến 22/5. Trong thời gian diễn ra các trận đấu, để tạo điều kiện cho người hâm mộ bóng đá vào sân vận động Thiên Trường cổ vũ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho khán giả được xem miễn phí, đồng thời tổ chức phương án bảo đảm an ninh, an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Nghi thức rước đuốc thắp |
SỰ LAN TỎA TINH THẦN THỂ THAO
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trong suốt thời gian diễn ra SEA Games 31, chúng ta chứng kiến hình ảnh của một Việt Nam đã kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, một Việt Nam thân thiện với những khán đài dậy sóng khán giả, “những người tình nguyện hát bè trầm để bản nhạc thể thao thành tích cao được vút cao; của sự điều hành khách quan, công tâm của các trọng tài; của những bàn tay siết chặt bàn tay, nụ cười tỏa nắng của vận động viên và gia đình giành cho nhau đã rút ngắn khoảng cách của sự xếp hạng vì tất cả đều là người chiến thắng; đến những giọt nước mắt đong đầy hạnh phúc của vận động viên khi bước lên bục danh dự mang vinh quang về cho Tổ quốc".
Lễ khai mạc SEA Games 31. Ảnh: TTXVN |
Thành công của SEA Games 31 không chỉ thể hiện ở sự nỗ lực, cố gắng của nước chủ nhà Việt Nam, sự ủng hộ nhiệt thành của các quốc gia trong khu vực, của những tấm huy chương, những kỷ lục mới được xác lập mà còn là bài ca về tính trung thực, cao thượng, là minh chứng cho một tương lai phát triển tốt đẹp của thể thao khu vực đang từng bước tiếp cận trình độ của châu lục và thế giới.
SEA Games 31 đã thực sự trở thành ngày hội của tình đoàn kết, hữu nghị. Chủ đề của Đại hội “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" đã được tỏa sáng và thành công rất tốt đẹp.
Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 Trần Đức Phấn đã khẳng định: SEA Games 31 là một kỳ Đại hội có sự cạnh tranh khốc liệt của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các nước đứng đầu khu vực trong lĩnh vực thể thao. SEA Games không chỉ là sự kiện thể thao đơn thuần mà còn là một sự kiện văn hóa, khơi dậy niềm tin, niềm tự hào dân tộc, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam. Trưởng đoàn các quốc gia tham dự đánh giá, SEA Games lần này tạo ấn tượng rất lớn với các quốc gia Đông Nam Á. Về mặt thông tin, truyền hình, Việt Nam đã làm rất tốt; ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội cũng thông tin nhiều về sự kiện này. Minh chứng rõ rệt nhất thể hiện sự cuốn hút của một giải đấu lớn, fair-play chính là sự quan tâm của khán giả. Hiếm có sự kiện nào mà khán đài của hầu hết các địa điểm thi đấu đều đầy ắp khán giả, thậm chí nhiều nơi, người hâm mộ phải đứng cả buổi để theo dõi, cổ vũ cho các vận động viên vì... hết ghế ngồi.
Sự ủng hộ, tiếp sức của người hâm mộ chính là liều thuốc tinh thần có giá trị nhất để giúp các các vận động viên vượt qua thử thách, vượt qua chính mình, đạt được những mục tiêu cao hơn, xa hơn, mạnh hơn. Phó Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 Trần Đức Phấn chia sẻ, điều mà Ban Tổ chức ấn tượng chính là sự ủng hộ, cổ động rất lớn của người hâm mộ, nhân dân ở những nơi diễn ra các cuộc thi đấu. Tất cả các nhà thi đấu, sân vận động đều đầy ắp khán giả, có nhiều nơi quá tải. Với mong muốn mọi người dân đều có thể tới cổ vũ và dự khán, Ban Tổ chức đã có văn bản đề nghị, khuyến khích các địa phương nơi diễn ra các môn thi đấu của SEA Games 31 không tổ chức bán vé để người dân được thưởng thức thể thao, cổ vũ trọn vẹn cho các vận động viên.
Thành công của SEA Games 31 không thể không kể đến sự hỗ trợ nhiệt thành của gần 3.000 tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Các em đã tham gia vào công tác tình nguyện, tạo nhịp cầu kết nối, những đại sứ giúp lan tỏa giá trị tốt đẹp, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
VĐV Thanh Bảo mừng chiến thắng ở nội dung 100m ếch. Ảnh: Đương Phạm |
KỲ SEA GAMES THÀNH CÔNG VƯỢT BẬC VỚI THỂ THAO VIỆT NAM
Thể thao Việt Nam bước vào SEA Games với nhiều nỗi lo. Dịch bệnh phức tạp khiến các VĐV không có nhiều cơ hội tập huấn và thi đấu ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Nhiều cái tên không thể góp mặt vì nhiều lý do như Thạch Kim Tuấn môn Cử tạ, Lê Tú Chinh môn Điền kinh hay như “tiểu tiên cá" Nguyễn Thị Ánh Viên môn Bơi, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu săn vàng của đoàn Việt Nam.
Tuy nhiên, các vận động viên Việt Nam đã cống hiến mồ hôi và nước mắt, thi đấu với hơn 100% sức lực để giúp Việt Nam nhất toàn đoàn với thành tích 205 HCV - kỷ lục SEA Games. Bên cạnh đó, các tuyển thủ Việt Nam cũng đã phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung. Kỳ SEA Games thành công với thể thao Việt Nam kết thúc với tấm HCV môn bóng đá nam trong ngày thi đấu cuối cùng.
Theo thống kê, đoàn thể thao Việt Nam giành được 116 HCV các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024, chiếm 56% tổng số HCV đã đạt được tại SEA Games 31. Cụ thể, môn điền kinh giành được nhiều nhất với 22 HCV, cân bằng kỷ lục của điền kinh Thái Lan. Ngoài ra, các môn nằm trong hệ thống của Olympic giành được HCV lần lượt là: Bơi (11), Boxing (3), Canoeing (8), Xe đạp (4), Đấu kiếm (5), Bóng đá (2), Thể dục dụng cụ (4), Bóng ném (2), Judo (9), Bắn súng (7), Bóng bàn (1), Taekwondo (9), Tennis (1), Cử tạ (3), Vật (17).
Đội tuyển U23 Việt Nam nâng cao chiếc cúp vô địch giải U23 Đông Nam Á. (Ảnh: VFF) |
Nguyễn Linh Na để lại ấn tượng với tấm HCV đầu tiên của Điền kinh Việt Nam sau 17 năm ở nội dung 7 môn phối hợp. Quách Thị Lan cũng vượt đàn chị Nguyễn Thị Huyền giành tấm HCV cá nhân đầu tiên ở nội dung 400m rào nữ SEA Games. Hoàng Nguyên Thanh cũng mang về HCV marathon nam đầu tiên của Thể thao Việt Nam với màn bứt tốc khó tin ở những km cuối cùng. Chân chạy Nguyễn Thị Oanh cũng mang về đến 3 HCV, phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.
Ở môn Bơi, Huy Hoàng mang về 5 HCV, vượt qua thành tích của nhà vô địch Olympic Schooling. Anh thiết lập 3 kỉ lục SEA Games mới ở nội dung 400m bơi tự do với thời gian 3 phút 48 giây 06 (phá luôn kỉ lục quốc gia), 800m tự do (7 phút 50 giây 20) và bơi tiếp sức đồng đội 4x200m tự do (7 phút 16 giây 31). Những “kình ngư" khác như Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo hay Nguyễn Quang Thuấn cũng để lại nhiều ấn tượng về thế hệ kế cận của Bơi Việt Nam.
Sự tiến bộ của Thể thao Việt Nam ở những môn Olympic sẽ là động lực giúp các vận động viên hướng đến những mục tiêu xa hơn như ASIAD hay Olympic Paris 2024. SEA Games 31 cũng đã chỉ ra tiềm năng phát triển rất lớn của Thể thao Việt Nam thông qua hình ảnh người hâm mộ đổ về các nhà thi đấu. Sự quan tâm của người dân cả nước phần nào đó sẽ giúp các bộ môn thu hút thêm các nhà tài trợ, đẩy mạnh xã hội hóa thể thao.
Thống kê còn cho thấy, trung bình mỗi môn thể thao tại Đại hội, đoàn Việt Nam giành 5 HCV và 5 HCB (hoặc HCĐ). Theo một góc nhìn khác, cứ hơn 2 vận động viên Việt Nam tham gia thì có 1 người giành huy chương (965 VĐV và 446 huy chương các loại), tỉ lệ chưa từng có của Thể thao Việt Nam.
Việc giành đến 205 HCV được xem là hoàn thành vượt mức kế hoạch khi đoàn Thể thao Việt Nam chỉ đưa ra định mức phấn đấu trước giờ xuất trận là từ 140-170 HCV. Việc vượt rất xa chỉ tiêu, dù vậy, lại rất dễ được lý giải thay vì nghĩ ngay đến công tác dự báo chuyên môn của Thể thao Việt Nam có sai số quá lớn. Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn cho rằng, trong 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, Thể thao Đông Nam Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có lẽ trong khó khăn chung, nhiều quốc gia đã không thể cử lực lượng mạnh nhất tham dự SEA Games 31.
Việc giành được số HCV đạt mức kỷ lục, dù vậy, chưa phải đã phản ánh đúng thực chất sự tiến bộ của Thể thao Việt Nam. Cần nhớ tại Olympic Tokyo diễn ra vào mùa Hè 2021, Thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào và thành tích tốt nhất chỉ là vị trí thứ 5 hạng 59 kg nữ của lực sĩ cử tạ Hoàng Thị Duyên. Olympic là đấu trường quá lớn, Asian Games có thể là sân chơi vừa tầm và đó là lý do để ngành thể thao tự tin nghĩ đến việc giành 5-7 HCV ở đại hội cấp châu lục này. Chỉ tiếc là kỳ Asian Games Hàng Châu 2022 đã bị hoãn vô thời hạn, chưa rõ khi nào trở lại.
Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 đã giành tổng cộng 119 HCV ở 17 bộ môn sẽ có mặt tại Olympic Paris 2024, chiếm 58% thành tích “vàng" của cả đoàn, cho thấy chúng ta đã và đang đi đúng hướng trên hành trình phát triển. Cử hơn 900 vận động viên tranh tài ở 40 môn, đoàn Thể thao Việt Nam có 16 lượt phá kỷ lục, khẳng định phần nào sức mạnh của thể thao chủ nhà.
Hải Trần
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Ý kiến bạn đọc