Thực hiện phương châm “lý luận gắn với thực tiễn" trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngày 26/4/2022, Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh đã ban hành và thực hiện Đề án số 139 về việc cử giảng viên đi thực tế có kỳ hạn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương giai đoạn 2022 - 2027. Đề án được triển khai nhằm giúp giảng viên thâm nhập thực tế để tích lũy, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường.
Hiện nay, Trường Chính trị có 42 biên chế, trong đó số lượng giảng viên là 22 người, chiếm tỷ lệ hơn 62%, chưa đạt cơ cấu tối thiểu theo Quy định 09-QĐ/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện để phát triển. Đội ngũ giảng viên của trường đã có bước trưởng thành về nhiều mặt, góp phần tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ giảng viên của trường còn một số tồn tại cần sớm khắc phục. Một trong số đó là nội dung giảng dạy chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn mà nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ giảng viên của trường thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, một trong những giải pháp quan trọng là cử giảng viên đi thực tế có kỳ hạn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng chí Trương Văn Thành - UV. BCH Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị cho biết: “Đề án cử giảng viên đi thực tế của Trường Chính trị tiến hành xây dựng từ năm 2021 và đến tháng 4/2022 được Tỉnh ủy phê duyệt cho triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Trường quán triệt trong cán bộ viên chức của trường để thực hiện và đến đầu tháng 7/2022 trường bắt đầu cử giảng viên đi thực tế theo đề án. Tính đến nay có 02 giảng viên được cử đi thực tế tại Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bước đầu cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ theo sự phân công của cơ quan nơi được cử đi thực tế. Theo quy định của đề án, khi được cử đi thực tế ở cơ sở, giảng viên phải thường xuyên liên hệ với nhà trường, tham gia hội họp và hàng tháng phải báo cáo tình hình, có xác nhận của cơ quan nơi giảng viên được cử đi thực tế để nhà trường nắm tình hình".
Đề án đề ra chỉ tiêu giai đoạn 2022 - 2027, mỗi năm cử từ 01 đến 02 đảng viên đi thực tế. Thời gian đi thực tế có kỳ hạn từ 6 tháng đến 01 năm. Ngoài ra, căn cứ yêu cầu của Trường và được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, thời gian đi thực tế của giảng viên có thể kéo dài hơn nhưng không quá 02 năm.
Giảng viên Phạm Thị Cẩm Lài, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị thực hiện nhiệm vụ tại Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Là một trong 02 giảng viên đầu tiên của Trường Chính trị được cử đi thực tế theo đề án, giảng viên Phạm Thị Cẩm Lài, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị vừa phải sắp xếp thời gian, công việc bảo đảm vừa thực hiện tốt nhiệm vụ ở Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đồng chí chia sẻ: “Thông qua hoạt động đi thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị, giảng viên được củng cố, bổ sung và nâng cao những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, từ đó góp phần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong công tác giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn và góp phần đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của Trường Chính trị Tây Ninh. Đặc biệt việc cử giảng viên đi thực tế có kỳ hạn ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới xây dựng Trường Chính trị Tây Ninh đạt chuẩn theo quy định Trường Chính trị chuẩn của Ban Bí thư. Ngoài ra thông qua hoạt động đi thực tế, giảng viên có điều kiện học hỏi và rèn luyện kỹ năng cần thiết để trưởng thành hơn trong công tác và trong cuộc sống".
Qua được cử đi thực tế, giảng viên tích lũy được kinh nghiệm thực tế đánh giá sự phù hợp của chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở để đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển. Đồng thời, thông qua hoạt động thục tế có kỳ hạn, giảng viên có thể phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong tổ chức và hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và các vấn đề phát triển kinh tế xã hội ở địa phương để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ dung, ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý và thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Còn theo đồng chí Mai Tuấn Kiệt - Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật - Trường Chính trị được cử đi thực tế tại Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy thì: “Việc đi thực tế này giúp cho mình có thêm một số kỹ năng trong công tác nghiên cứu cũng như tham mưu, đề xuất một số chính sách trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Thông qua công việc này giúp cho bản thân có thêm những thông tin thực tiễn từ những đề án cũng như những công việc, hoạch định những chính sách. Ngoài ra trong quá trình đi thực tế, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy cũng tạo điều kiện được tham dự vào các cuộc họp, từ đó có thêm những thông tin mang tính chất gắn liền với lại các sở, ban, ngành và thông qua những thông tin này sẽ đúc kết lại để trở thành những kiến thức thực tiễn sau này sẽ vận dụng vào trong bài giảng cũng như công việc ở Trường Chính trị sẽ thuận lợi hơn".
Quá trình triển khai thực hiện Đề án, Trường Chính trị nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, đặc biệt là sự thống nhất cao trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ, giảng viên nhà trường, đặc biệt là đối với những giảng viên được cử đi thực tế bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của các giảng viên.
Bên cạnh những thuận lợi nói trên, hiện nay Trường Chính trị đang trong quá trình xây dựng Trường Chính trị chuẩn, đội ngũ giảng viên của trường còn thiếu, do đó việc cử giảng viên đi thực tế cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy của nhà trường…
Đồng chí Trương Văn Thành cho biết thêm: Để Đề án được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, nhà trường sẽ nắm cụ thể việc giảng viên đi thực tế ở cơ sở có thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì, có đề xuất kiến nghị gì để giải quyết. Nếu ngoài phạm vi giải quyết của trường sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hoặc kiến nghị để Tỉnh ủy giải quyết. Qua trình triển khai thực hiện Đề án có sơ kết, rút kinh nghiệm.
Việc tổ chức đưa giảng viên đi thực tế có kỳ hạn tại cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm giúp giảng viên thâm nhập thực tế để tích lũy, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Trên cơ sở kiến thức, kinh nghiệm thực tế giúp giảng viên thực hiện tốt phương châm “lý luận gắn với thực tiễn" trong giảng dạy để nâng cao chất lượng giảng dạy, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường./.
Công Điều
BTG - TH Đảng uỷ Khối
Ý kiến bạn đọc