ĐẢNG BỘ HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU

Thứ hai - 24/10/2022 19:00 331 0

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn

Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch HĐND huyện.

​ Đồng chí Nguyễn Vương Hiếu - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện.

1. Sơ lược lịch sử hình thành

 Huyện Dương Minh Châu là huyện nội địa, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh khoảng 16km theo đường chim bay. Về ranh giới hành chính, phía Bắc giáp huyện Tân Châu, phía Nam giáp huyện Gò Dầu, phía Tây giáp thành phố Tây Ninh, phía Đông giáp huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương). Tổng diện tích tự nhiên là 43.558,6 ha, với tổng dân số toàn huyện 120.042 nhân khẩu. Huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 01 thị trấn Dương Minh Châu và 10 xã (Suối Đá, Phan, Chà Là, Bàu Năng, Cầu Khởi, Truông Mít, Bến Củi, Lộc Ninh, Phước Ninh, Phước Minh), với 57 ấp, khu phố.

Tháng 5 năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn mới, Tỉnh ủy Gia Định Ninh lấy vùng Đông Bắc tỉnh thành lập huyện căn cứ mới mang tên đồng chí Dương Minh Châu - Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến của tỉnh Tây Ninh.

Sau trận lũ lịch sử Nhâm Thìn tháng 10/1952, lợi dụng lúc quân dân căn cứ Dương Minh Châu đang phải gồng mình chống đỡ và khắc phục hậu quả thiên tai, thực dân Pháp huy động 20 tiểu đoàn bộ binh càn vào căn cứ hòng tiêu diệt đầu não chỉ huy cách mạng miền Nam, nhưng đã thất bại.

Mười lăm năm sau, các lực lượng cách mạng trong vùng căn cứ Dương Minh Châu đã kiên cường đập tan những cuộc càn quét của hàng vạn quân Mỹ vào căn cứ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2 (1966 - 1967), đặc biệt là đánh bại cuộc hành quân Attelboro năm 1966. Cùng với cả nước, quân dân Dương Minh Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đóng góp sức người, sức của và góp phần cùng toàn miền đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ" và “Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

Mùa xuân năm 1975, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh uỷ Tây Ninh: huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã, quân dân Dương Minh Châu đồng loạt nổi dậy, tiến công giải phóng quê hương, góp phần giải phóng Tây Ninh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc oanh liệt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trải qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, quân và dân huyện Dương Minh Châu cùng với 06 xã: Phước Ninh, Chà Là, Cầu Khởi, Lộc Ninh, Bến Củi, Suối Đá và Ban An ninh huyện (Công an huyện ngày nay) được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; có 31 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân được phong tặng danh hiệu Anh hùng, Kiện tướng diệt xe tăng, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ. Căn cứ Dương Minh Châu được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia; Căn cứ Láng - Chà Là được Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Từ khi thành lập đến nay, Huyện uỷ Dương Minh Châu đã trải qua 12 kỳ Đại hội. Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 đồng chí; bầu Ban Thường vụ 11 đồng chí. Đảng bộ huyện Dương Minh Châu hiện có 51 cơ sở đảng trực thuộc Huyện uỷ với 3.145 đảng viên.

2. Những thành tựu nổi bật

Ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Dương Minh Châu tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình chính trị, xã hội và phát triển kinh tế, cùng với đồng bào cả tỉnh tham gia bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng góp của cải, công sức với Nhân dân toàn tỉnh thực hiện thành công hồ Dầu Tiếng - Tây Ninh, hồ nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, huyện đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả lĩnh vực:   

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện Dương Minh Châu luôn coi trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nếu năm 1975, cả huyện chỉ có gần 200 đảng viên thì nay Đảng bộ huyện có 51 chi, đảng bộ cơ sở với tổng số trên 3.000 đảng viên. Hàng năm, tỷ lệ tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 95%, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 96%.

Kinh tế huyện giữ được mức tăng trưởng khá. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 6.084,2 tỷ đồng (tăng 22,37% so với cùng kỳ năm 2021). Lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của huyện tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 2.882,3 tỷ đồng (tăng 3,11% so với cùng kỳ năm 2021). Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư kết hợp xây dựng Nông thôn mới. Thương mại, dịch vụ có nhiều khởi sắc, tăng 23,25% so với cùng kỳ năm 2021.

Trên địa bàn huyện hiện có dự án Điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, 2 có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, diện tích 504 ha, công suất lắp đặt 420 MW và hiện nay huyện đang triển khai thực hiện dự án Điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 5.1, 5.2 góp phần đưa Tây Ninh trở thành một trong những “thủ phủ" về điện mặt trời của cả nước.

Ngoài ra, huyện đang tập trung thực hiện các dự án trọng điểm về xây dựng kết cấu hạ tầng như: dự án liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789, đường Trường Hòa - Chà Là, dự án kênh tiêu T12-17 góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn huyện.

Hoạt động văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc; an sinh xã hội được đảm bảo. Chất lượng giáo dục - đào tạo ngày càng được nâng lên, toàn huyện có 27 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ xóa mù chữ mức độ 2 trên địa bàn huyện đạt 86,15%; công tác phổ cập giáo dục được quan tâm thực hiện, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, Trung học cơ sở mức độ 2 và Thị trấn Dương Minh Châu đạt chuẩn phổ cập bậc Trung học. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa năm 2021 đạt 97,1%; toàn huyện có Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, 11 Trung tâm Văn hóa, thể thao và Học tập cộng đồng, 57 nhà Văn hóa ấp và 01 nhà Văn hóa người Tà Mun, trong đó 24 nhà văn hóa ấp được xây dựng đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tiến bộ. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố với 01 Trung tâm Y tế huyện, 11 Trạm Y tế xã và 58 Tổ y tế; 100% Trạm Y tế xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh, kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 đạt 74,24%. Chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo được chú trọng thực hiện, qua kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có 614 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương; 9 tháng đầu năm 2022 giảm được 98 hộ, tỷ lệ 0,29%. Thực hiện chi trả chế độ cho đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội với tổng kinh phí 27.698.800.000 đồng; ngoài ra, vận động xây dựng và trao tặng 28 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, trị giá 2.400.000.000 đồng. Huyện thực hiện tốt việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó: chi trả theo Nghị quyết số 68/NQ-CP lũy kế 71.641 trường hợp, tổng kinh phí 120.420.000.000 đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho công nhân theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg tổng số 1.583.500.000 đồng.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự xảy ra 64 vụ (giảm 17 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Tập trung xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện, tổ chức giao quân năm 2022 đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đảm bảo số lượng, chất lượng và chiếm 1,18% dân số. Thực hiện tốt công tác phối hợp đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh đối với các công trình, địa điểm quan trọng; đặc biệt là Hồ Dầu Tiếng, các khu, điểm công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, huyện triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và thực hiện cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân, đến 30/9/2022 đã cấp được 103.726/109.769 trường hợp đủ điều kiện, đạt 94,49%.

Trên địa bàn huyện, ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ, Huân chương lao động, góp phần vào thành tích chung của huyện, nhiều năm liền huyện dẫn đầu phong trào thi đua trong toàn tỉnh và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba vào năm 2013 và hạng Nhì vào năm 2018.

  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay13,330
  • Tháng hiện tại396,087
  • Tổng lượt truy cập3,480,381
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây