ĐẢNG BỘ HUYỆN BẾN CẦU

Thứ ba - 18/10/2022 19:00 294 0

- Đồng chí Phan Huỳnh Quốc Vinh

Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch HĐND huyện.

        - Đồng chí Nguyễn Quang Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ,

        - Đồng chí Phan Văn Hoà - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện.

 

1. Tổng quan

        Bến Cầu là huyện nông thôn, biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh, với diện tích tự nhiên 237 km2, có đường biên giới dài 31,5 km. Phía Đông giáp huyện Gò Dầu; phía Tây giáp Campuchia; phía Nam giáp thị xã Trảng Bàng, phía Bắc giáp huyện Châu Thành. Dân số toàn huyện có 70.397 người, trong đó người Kinh chiếm đa số với khoảng 99,70%. Bến Cầu hiện có  thị trấn Bến Cầu và 08 xã: Long Chữ, Long Phước, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh.

        Dưới ánh sáng của Đảng, qua thời gian thử thách, ngày 4/3/1931, hai quần chúng Bảy Son và Hai Độ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Ba Ti (Long An) và được Chi bộ phân công hoạt động tại địa bàn 3 xã: Long Chữ, Long Giang và Long Khánh. Đến tháng 12/1931, Bến Cầu đã có 10 đảng viên và được phép thành lập chi bộ, đồng chí Bảy Son làm bí thư. Chi bộ có 2 tổ Đảng, một ở Long Khánh và một ở Long Chữ.

        Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, đảng viên và cán bộ ta trực tiếp tham gia chính quyền hoặc cử người của ta vào chính quyền. Cán bộ, đảng viên từ chỗ hoạt động bí mật chuyển sang hoạt động công khai, đã làm chủ hoàn toàn 8 xã và quản lý toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn. Song song với việc xây dựng các đội tự vệ xã, cán bộ thông tin xã, Chi bộ tập trung tuyên truyền làm cho Nhân dân hiểu rõ mục đích cuộc kháng chiến và nhiệm vụ mỗi người trong cuộc kháng chiến. Từ đó, phong trào tham gia chống Pháp và Cao Đài phản động diễn ra sôi nổi, làm nòng cốt cho Nhân dân đấu tranh chống giặc; tiến hành tạm cấp ruộng đất cho Nhân dân; tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tại các xã phát triển mạnh mẽ, lan rộng ra các vùng địch kiểm soát. 

        Trong thời kỳ 1955 - 1957, Chi bộ tập trung công tác tuyên truyền về thắng lợi của Hiệp định Gieneve, từ đó động viên quần chúng đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định. Các phong trào đấu tranh quần chúng nổi bật như: đưa đơn kiến nghị đến Uỷ ban Quốc tế Sài Gòn đòi thi hành Hiệp định Gieneve, thực hiện dân chủ, dân sinh, bồi thường thiệt hại chiến tranh; đấu tranh chống trưng cầu dân ý; chọn một số cán bộ có thân nhân là đạo hữu Cao Đài để xây dựng chỗ đứng hợp pháp.

        Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (01/1959), đồng bào các xã ở Bến Cầu (Gò Dầu Hạ) đứng lên Đồng khởi rầm rộ. Kết quả, đã giải phóng hoàn toàn xã Long Chữ; kiểm soát 4/5 đất đai; gỡ thế kìm kẹp của địch ở 19/31 ấp, làm chủ ban đêm các ấp còn lại.

        Đầu năm 1962, huyện Bến Cầu được thành lập, gồm 8 xã, có 47 đảng viên. Đảng bộ huyện ra đời; Huyện uỷ lâm thời được Tỉnh uỷ chỉ định gồm 07 đồng chí, đồng Võ Đức Trọng (Ba Trọng) - Tỉnh uỷ viên làm Bí thư Huyện uỷ.

        Từ khi được thành lập đến nay, Đảng bộ huyện Bến Cầu đã trải qua 12 lần đại hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân Bến Cầu đã thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương, đưa huyện Bến Cầu không ngừng phát triển về mọi mặt; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, kinh tế - xã hội liên tục phát triển; quốc phòng - an ninh luôn được bảo đảm; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và phát triển toàn diện. Đảng bộ, quân và dân Huyện Bến Cầu và Đảng bộ, quân và dân 2 xã Lợi Thuận, An Thạnh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

        * Đảng bộ huyện có 46 chi, đảng bộ cơ sở, 108 chi bộ trực thuộc Đảng uỷ cơ sở với tổng số 2.085 đảng viên.

        * Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 40 đồng chí. Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm 11 đồng chí.

2. Thành tựu nổi bật

          Tình hình kinh tế xã hội của huyện từng bước đi vào ổn định và phát triển khá toàn diện. Tổng giá trị sản xuất của một số ngành kinh tế chủ yếu tăng bình quân hằng năm trên 10%.

        Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân hằng năm khoảng 4%Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân khoảng 12%/ năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Các tuyến đường tỉnh, huyện được nhựa hóa đạt 100%; đường đô thị được nhựa hóa đạt trên 60%đường xã, liên xã đầu tư nhựa hoá, bê tông xi măng đạt trên 80%; hệ thống lưới điện được đầu tư xây mới và nâng cấp đưa số hộ dân cư dùng điện sinh hoạt đạt tỷ lệ 99,95%. Hạ tầng viễn thông không ngừng được đầu tư nâng cấp, mạng di động phủ sóng 100% trên toàn địa bàn. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ, lưu trú và ăn uống tăng bình quân 7%. Đến tháng 9/2022, toàn huyện có 7/8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Long Khánh, Long Phước, Long Thuận, Long Chữ, Lợi Thuận, An Thạnh, Tiên Thuận), trong đó có 01 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (Long Thuận).       

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã có bước phát triển đáng kể về hệ thống trường lớp; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý từ huyện đến các điểm trường phát triển không ngừng. Bến Cầu đã có 28/31 trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 90,3%).

Về y tế, đã xây dựng, đưa vào sử dụng 9/9 trạm y tế xã, thị trấn và Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế; chất lượng khám chữa bệnh không ngừng được nâng lên, các chương trình quốc gia về y tế đều được thực hiện tốt. Các lễ hội truyền thống được phục hồi, hình thức sinh hoạt phong phú, khởi sắc. Chính sách an sinh xã hội được đảm bảo thường xuyên, có 100% đối tượng chính sách, đối tượng nghèo được hưởng bảo hiểm y tế; các chính sách ưu đãi tín dụng hộ nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới được giữ vững ổn định, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ, bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ biên giới quốc gia.

        Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được các cấp uỷ quan tâm thường xuyên; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ. Công tác tư tưởng được chú trọng, đổi mới về nội dung và phương thức thực hiện. Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều mô hình mới và cách làm hay; các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác được các cấp biểu dương, khen thưởng, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

        Thường xuyên củng cố, sắp xếp các tổ chức đảng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 20%; trong đó, 73% các xã biên giới đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân đạt 95%. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được thực hiện thường xuyên, toàn diện, chặt chẽ, đúng quy định.

        Hoạt động của chính quyền được củng cố, kiện toàn ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cải cách hành chính đạt kết quả quan trọng.

        Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thường xuyên đa dạng hóa các mô hình, phương thức tập hợp quần chúng và cách thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; quan tâm chăm lo lợi ích thiết thực đi liền với phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên. Công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy. Phong trào thi đua yêu nước đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; thường xuyên quan tâm tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, nâng cao đời sống và tham gia tích cực các hoạt động xã hội, hướng dẫn tạo điều kiện các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật./.​

  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập292
  • Máy chủ tìm kiếm112
  • Khách viếng thăm180
  • Hôm nay9,168
  • Tháng hiện tại391,925
  • Tổng lượt truy cập3,476,219
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây