Tư tưởng Hồ Chí Minh về Phụ nữ với Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Thứ hai - 08/03/2021 15:00 99 0

Trong di sản vô giá tư tưởng Hồ Chí Minh, thì tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ là một nội dung rất quan trọng, rất sâu sắc để động viên, khuyến khích phụ nữ vươn lên, xé bỏ rào cản tư tưởng phong kiến trọng nam, khinh nữ vốn lâu đời của dân tộc Việt Nam đối với người phụ nữ. Từ tư tưởng tiến bộ đối với phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng để làm tốt công tác phụ nữ, giúp phụ nữ Việt Nam tiến bộ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái - đối tượng yếu thế trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Trong các chỉ đạo, bài viết trên báo, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã 745 lần nhắc đến từ “nữ” trong các tác phẩm của mình, trong đó có 440 lần là “phụ nữ”, 20 lần là “thiếu nữ”, 3 lần là “thanh nữ” và để chỉ “cán bộ phụ nữ”, “vấn đề phụ nữ”, “công tác phụ nữ”... Có 726 lần Người nhắc đến từ “bà” trong các khái niệm “bà cụ”, “cụ bà”, “bà mẹ”, “bà già, trẻ em”, “Bà Trưng”, “Bà Triệu” và bà với tư cách là một nhân vật cụ thể. Có 255 lần Người nhắc đến từ “gái” trong các khái niệm“em gái”, “cháu gái”, “bé gái”, “dân quân gái”, “thanh niên gái”, “ý tá gái”... Người cũng có 226 nhắc đến từ “mẹ” và 169 lần nhắc đến từ “vợ”...
5.jpg
Ảnh tư liệu
Ngày 8/3/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nam nữ bình quyền” với những lập luận sâu sắc về bình đẳng giữa nam và nữ:
“Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn nǎm để lại. Vì nó ǎn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu. Vài thí dụ: Sau khi Trung Quốc cách mạng thành công, chia xong ruộng đất; ban bố luật mới về việc lấy vợ gả chồng, thì có nơi 9 phần 10 vụ kiện thuộc về vấn đề vợ chồng. Ở tỉnh Sơn Đông trong 10 tháng nǎm 1950, có 1200 phụ nữ tự sát, 9 huyện ở tỉnh Giang Tô trong 4 tháng có 119 phụ nữ tự sát. ở khu Tân An (huyện Lục An) trong 6 ngày 4 phụ nữ bị đánh chết. Ngày trước những việc thê thảm như thế còn nhiều gấp mấy. Song không ai lo đến. Ngày nay Chính phủ nhân dân đang ra sức giải thích tuyên truyền giáo dục, cải tạo tư tưởng để chống bọn phong kiến đó. Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, vǎn hoá, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công” (Trích từ Sách Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1970, tr.31).
Người có một bài thơ rất nổi tiếng cổ vũ tinh thần chị em phụ nữ phấn đấu vươn lên rất dễ nhớ:
“Phụ nữ
Việt Nam phụ nữ đời đời
Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh.
Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,
Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.
Bà Triệu Ấu thật anh hùng,
Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.
Mấy năm cách mệnh khẩn trương,
Chị em phụ nữ thường thường tham gia.
Mấy phen tranh đấu xông pha,
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?
Kìa như chị Nguyễn Minh Khai
Bị làm án tử đến hai ba lần.
Bây giờ cơ hội đã gần,
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà.
Chị em cả trẻ đến già
Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.
Đua nhau vào hội Việt Minh
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.
Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng.
(Báo Việt Nam độc lập, số 104, ngày 1-9-1941)
Người cho rằng:“Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột càng nặng nề hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”. (Bài Nói chuyện tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm Tốt” vào ngày 30-4-1964). Người căn dặn: “Một điều nữa Bác cần nói là: Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: Từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”. (Trích bài nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966)
11.jpg
Trong dịp gặp gỡ với cán bộ tỉnh Hà Tây vào ngày 10-2-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”.
Tại buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18-1-1967, Người đã nghiêm khắc phê phán những thành kiến hẹp hòi ở một số cán bộ: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...”. Và "Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới giải quyết mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy". (Cẩm Chương ghi theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ một số nhược điểm của phụ nữ ta: “Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái”. Và Người căn dặn: “Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền. Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. Người luôn khuyến khích chị em tự mình cố gắng vươn lên khẳng định mình.
Ngày 10/5/1968, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” . Những lời tâm huyết này của Người là sự đúc kết ngắn gọn tất cả những trăn trở cũng như tư tưởng của cả cuộc đời Người về vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền. Điều đó thể hiện sự quan tâm, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh tụ luôn theo sát, cổ vũ các phong trào của phụ nữ.
Hơn 130 năm, Người đã đi xa, Đảng và Chính phủ đã thực hiện tâm nguyện của Người, luôn quan tâm chăm sóc đặc biệt đến phụ nữ và trẻ em gái, tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc đời mình, phụ nữ Việt Nam đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước; hiện Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ. Sắp hết nhiệm kỳ Quốc hội, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã chứng minh cho đánh giá về phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn chuẩn xác: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”...
24.jpg
Trong lần bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, phụ nữ được cơ cấu ra ứng cử phải bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; Phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND. Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước quan tâm về phụ nữ đã có đầy đủ, phụ nữ phải tự vươn lên và cần có sự ủng hộ nhiều hơn nữa của cả xã hội. Các cử tri đi bầu cử nhớ nghiên cứu kỹ và mạnh dạn chọn bỏ phiếu ủng hộ cho các ứng cử viên nữ xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào bộ máy nhà nước để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho mình.

Nguyễn Thị Thu Cúc

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập283
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm240
  • Hôm nay16,729
  • Tháng hiện tại223,022
  • Tổng lượt truy cập8,231,727
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây