Học Bác để tự soi, tự sửa mình

Thứ hai - 22/06/2020 14:00 315 0

Trong những năm qua, việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII (Chỉ thị 05) tại các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với phòng và chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,  những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ đã tạo sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của mỗi cấp ủy, trong mỗi cán bộ, đảng viên.

http://www.tuyengiao.vn/Uploads/2020/5/12/22/hoc-bac-de-tu-soi-tu-sua-minh.jpg

 

“Cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân"


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp"(1) và “Đảng ta là Đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân"(2). Cũng theo lời Người, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được"(3), cho nên, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng phải thường xuyên rèn luyện và phấn đấu.


Cụ thể, mỗi người cần: 

1) Nỗ lực học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, để có thể phụ trách và giải quyết tốt các vấn đề của thực tiễn.

2) Tu dưỡng, trau dồi và nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, để không bị lợi ích vật cám dỗ làm tha hóa, biến chất. Vì “chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc" và “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm; quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân"(4), nên muốn “một lòng một dạ phục vụ nhân dân", mỗi người hằng ngày phải tự phê bình và phê bình trên tinh thần: đối với mình thì phải “cả quyết sửa lỗi", đối với người thì “có lòng bày vẽ"… 

3) Trong mọi mặt công tác phải công tâm, khách quan, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình gắn với kiểm tra, giám sát theo quy định; luôn gắn bó với nhân dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời tham mưu và tập trung giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân; đồng thời “phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng… phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa… cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình"(5) để công tác lãnh đạo đạt hiệu quả cao nhất.

 

Các đại biểu tham quan triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, Đại sứ hòa bình và hữu nghị của nhân dân thế giới"
Các đại biểu tham quan triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, Đại sứ hòa bình và hữu nghị của nhân dân thế giới"

Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, thấm nhuần lời dạy của Người và nhất là “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII (Chỉ thị 05), trong công tác và cuộc sống đời thường, đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đã gương mẫu phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng, tự soi và sửa chữa, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm. Phát huy vai trò nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên đã xây dựng kế hoạch phấn đấu, đi đầu trong thực thi công vụ, thực hiện chuẩn mực đạo đức gắn với công tác chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác với tinh thần: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh"(6).

Thông qua việc học và làm theo Bác theo chương trình toàn khóa và chuyên đề hằng năm, nhất quán giữa nói và làm, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ, đảng viên đã tự giác học trước, làm trước để nêu gương cho quần chúng nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân.

Tuy nhiên, trên tinh thần nhìn thẳng và đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ" (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII) đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến", “tự chuyển hóa", đồng thời chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước".

Đó chính là một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, hoài nghi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngại học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bộ phận cán bộ, đảng viên này  không chủ động, tự giác, tích cực kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, đôi khi còn phụ họa “té nước theo mưa" cho một số quan điểm sai trái, lệch lạc; thậm chí không thể vượt qua sự cám dỗ của lợi ích vật chất mà vi phạm pháp luật, làm sai Điều lệ Đảng. Cụ thể, họ là những người đã lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền hạn của mình khi “dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình"(7) để kéo bè kéo cánh. Họ ỷ thế vào quyền hạn và trách nhiệm được trao để mưu lợi cho mình, cho người thân, cho nhóm lợi ích. Họ coi thường nguyên tắc tập trung dân chủ, “ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe"(8); chỉ ưa dùng người bà con, anh em quen biết, những người tính tình hợp với mình, những kẻ khéo nịnh hót mình mà ghét những người chính trực, tránh những người tính tình không hợp với mình… gây bức xức trong cơ quan, địa phương, đơn vị, làm tổn hại uy tín của của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân. Đó cũng chính là những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân, “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người" mà chỉ muốn “mọi người vì mình"; ngại gian khổ, khó khăn, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao, tự đại, “coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền"(9)...


 Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo Bác


Việc mỗi tập thể, mỗi cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Mà kết quả đó có được là từ việc lựa chọn những vấn đề nổi cộm để tập trung giải quyết; sửa đổi phong cách công tác, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân; thống nhất giữa nói và làm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với thực thi đạo đức công vụ; nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa mình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau, “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ", “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn", “cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ"(10) như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch, nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm tại mỗi cấp ủy đã từng bước làm cho việc thực hiện Chỉ thị 05 trở thành nhu cầu tự thân, tự giác, nền nếp tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.

Để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng, mỗi cấp ủy cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:


Một là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; trong đó, chú trọng nội dung nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phòng và chống các biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ trở thành nhu cầu tự thân tại mỗi cấp ủy, trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng theo nguyên tắc “trên trước, dưới sau", chức vụ càng cao càng phải gương mẫu học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu gương trong công việc lẫn đời tư, tại nơi công tác cũng như địa bàn cư trú.


Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28-CT/TW về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng", kỷ luật Đảng, Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm và các quy định về nêu gương gắn với thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình: kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống, lấy xây là chính" theo phương châm “trên trước, dưới sau", “từ trong ra, từ ngoài vào", “từ trên xuống, từ dưới lên". Tăng cường giám sát và kiểm tra trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo, bảo đảm thực chất, dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhằm củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ. Thông qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong mỗi cán bộ, đảng viên; kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, miễn nhiệm, thay thế, buộc từ chức, đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên suy thoái, bất liêm, bất chính, tham ô, tham nhũng, bất kể họ là ai, ở vị trí công tác nào, đương chức hay đã nghỉ hưu.


Ba là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng"; trong đó, cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao càng phải xây dựng và thực hiện việc rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo chương trình của cấp ủy và kế hoạch đăng ký của cá nhân nghiêm túc, thực chất. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người được lựa chọn vào quy hoạch, vào nhân sự cấp ủy khóa mới càng phải nêu cao tinh thần nỗ lực rèn luyện và phấn đấu về mọi mặt. Kiên quyết không để lọt vào danh sách cán bộ quy hoạch các cấp, nhất là cấp chiến lược và các cấp ủy nói chung, của Đại hội Đảng lần thứ XIII nói riêng những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, cơ hội, vi phạm kỷ luật Đảng, Điều lệ Đảng. Đồng thời, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt trong cán bộ, đảng viên để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội.


Bốn là, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân và nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên ở nơi công tác và địa bàn cư trú để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi, hành động quan liêu, cậy quyền, cậy thế, tham ô, tham nhũng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cơ sở. Các trường hợp vi phạm kỷ luật phải được kịp thời xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới, có thông tin chính xác, kịp thời để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, góp phần giữ vững và củng cố niềm tin yêu, quý trọng của nhân dân. Thống nhất giữa nói và làm, nêu gương làm trước, đi đầu trong mọi hoàn cảnh, mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, suy nghĩ và hành động trên tinh thần phục vụ và liêm chính trong thực thi công vụ./. 


(1) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.10, tr.67, 414.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.107.

(3) (7) (8) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.68, 295, 88, 272.

(40 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.611.

(6)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 547.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo


  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập375
  • Máy chủ tìm kiếm162
  • Khách viếng thăm213
  • Hôm nay4,292
  • Tháng hiện tại229,658
  • Tổng lượt truy cập8,238,363
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây