Đất và người Tây Ninh trong mùa xuân đại thắng 1975 Bài 1 Điểm hẹn lịch sử

Thứ sáu - 26/04/2024 14:38 338 0
Nhiều thế hệ người Tây Ninh rất đỗi tự hào về quê hương mình, đó là lịch sử đất nước ta đã chọn Tây Ninh làm “điểm hẹn” để xuất phát cuộc trường chinh giải phóng đất nước thoát khỏi hoạ xâm lăng của một đội quân hùng mạnh nhất thế giới.

Mùa thu năm 1982, trong lần trở lại Tây Ninh tham dự Hội nghị khoa học lịch sử lần đầu tiên sau 15 năm chiến thắng trận càn Junction City- cuộc hành quân quy mô lớn nhất của quân đội viễn chinh Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhà thơ Hưởng Triều, tức nhà cách mạng Trần Bạch Đằng, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ trước đó 20 năm đã chiêm nghiệm trong bài thơ “Về Tây Ninh” đăng trên Báo Tây Ninh: “Một đời người ít ra phải về Tây Ninh một chuyến”.

Cờ giải phóng tung bay trên đỉnh núi Bà Đen ngày 7.1.1975. (Ảnh tư liệu P. TK)

Tây Ninh, địa phương miền biên viễn Tây Nam của Tổ quốc, một vùng đất bình dị, mộc mạc có gì để một người có thể gọi là nhà văn hoá lớn của đất nước phải thốt lên như thế? Xin thưa, có một điều mà người Tây Ninh, nhiều thế hệ người Tây Ninh rất đỗi tự hào về quê hương mình, đó là lịch sử đất nước ta đã chọn Tây Ninh làm “điểm hẹn” để xuất phát cuộc trường chinh giải phóng đất nước thoát khỏi hoạ xâm lăng của một đội quân hùng mạnh nhất thế giới, còn gọi là “quân Hung Nô thời đại”. Rồi một thời gian sau đó lại là nơi xuất phát của những đoàn quân giải phóng tiến đến sào huyệt cuối cùng của kẻ địch để kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc chọn lựa ấy được Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa- nguyên Giám đốc Công an Tây Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, kể trong sách “Căn cứ địa Bắc Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” như sau: “…Thời điểm đó, tôi là cán bộ của Ty Công an Tây Ninh, đóng căn cứ tại chiến khu Trà Vong thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Một ngày cuối năm 1950 - đầu năm 1951, anh Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư Xứ uỷ Nam bộ có mặt tại khu căn cứ Trà Vong. Một buổi sáng anh đến xem vườn rau cải của cán bộ, chiến sĩ trồng cải thiện chuẩn bị ăn tết, vì thường vào dịp cuối năm, khi đến mùa khô chúng tôi thường trồng nhiều rau cải để đến tết làm dưa muối. Anh khen chúng tôi “đáo để”… Trước đó tôi chỉ nghe tên anh mà chưa gặp lần nào.

Sau này mới biết anh lên Tây Ninh không chỉ để thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ kháng chiến mà còn mục đích khác rất quan trọng là khảo sát địa hình, địa thế Tây Ninh để đặt căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Sự việc này cho thấy anh Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo chiến lược chính trị, chiến lược quân sự tài ba lỗi lạc. Anh đã chuẩn bị đầy đủ và chu đáo cho cuộc chiến tranh kiên trì, lâu dài với địch”.

Thực tế lịch sử đã diễn ra như thế. Nếu như mùa xuân năm 1960, đất Tây Ninh đã diễn ra trận đánh cứ điểm Tua Hai nửa đêm ở Trảng Sụp, như “phát súng lệnh” đồng khởi “vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng”, thì 15 năm sau, mùa xuân năm 1975 trên đất Tây Ninh cũng đã diễn ra các sự kiện thành lập Đoàn 232 và Quân đoàn 4 của Quân Giải phóng miền Nam - 2 trong 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch cuối cùng mang tên Bác Hồ kính yêu. Cũng trong mùa xuân này tại Tây Ninh và từ Tây Ninh đã xuất phát hai trận đầu tiên giải phóng núi Bà Đen - cao điểm “mắt thần” phóng xuống Đồng Tháp Mười, phóng lên Tây Nguyên, phóng sang biên giới Tây Nam và phóng về Sài Gòn để định hướng, mở đường cho Chiến dịch mùa xuân 1975; và trận đánh đường 14 - Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh đầu tiên ở miền Nam. Đây là hai trận đánh “thăm dò”, “nắn gân” quân địch được gọi là “trinh sát chiến lược” để khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Rất nhiều tài liệu lịch sử Đảng, lịch sử quân đội, hồi ký của nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh cách mạng còn ghi rõ diễn tiến của Chiến dịch mùa xuân 1975, cao điểm là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo đó, tháng 7.1974, đồng chí Lê Duẩn- Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng gợi ý và hướng dẫn Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam khởi thảo kế hoạch đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, nắm bắt thời cơ chiến lược, nhạy bén, kịp thời đề xuất chủ trương chuẩn bị và tiến hành giải phóng miền Nam. Sau hơn một năm ta đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và hỗ trợ trực tiếp cho đấu tranh chính trị, buộc quân địch phải thi hành Hiệp định Paris 27.1.1973 và chặn đứng một cách cơ bản kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của chúng, thì thế và lực của chúng ta được củng cố và phát triển một bước mới.

Từ thế và lực này, chúng ta đã vạch ra kế hoạch tiến công mùa khô 1974-1975, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy. Trong khi đó tình hình kinh tế, chính trị, quân sự của chính quyền Sài Gòn vào cuối năm 1974 sa sút nghiêm trọng. Để có “quả đấm chủ lực mạnh” cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, ngày 20.7.1974, tại hội nghị quân chính ở Căn cứ Dương Minh Châu, đồng chí Phạm Hùng- Bí thư Trung ương Cục công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4. Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành mới của chủ lực Miền- Quân Giải phóng miền Nam. Quân đoàn 4 lúc mới thành lập gồm 2 Sư đoàn Bộ binh 7 và 9, Trung đoàn Pháo binh 24, Trung đoàn Phòng không 71, Tiểu đoàn Đặc công 429, Trung đoàn Thông tin 69 và các cơ quan phục vụ, bảo đảm. Lúc đầu, Trung ương Cục cử đồng chí Hoàng Cầm làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân đoàn, sau đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Chính uỷ, đồng chí Bùi Cát Vũ làm Phó Tư lệnh, đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh làm Tham mưu trưởng. Lực lượng các Quân khu, bộ đội địa phương các tỉnh, huyện, du kích xã ở chiến trường B2 (địa bàn các tỉnh, thành Nam bộ) phát triển mạnh, trong đó lực lượng của tỉnh Tây Ninh, từ 3 tiểu đoàn 14, 16, 18 bộ đội địa phương phát triển lên gấp đôi, thêm các tiểu đoàn 20, 24, 26, chưa kể bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để thực hiện chủ trương địa phương tự giải phóng, các huyện trong tỉnh đều thành lập mỗi huyện một đến hai tiểu đoàn của huyện. Việc thành lập Quân đoàn 4 và các sư đoàn cơ động ở các quân khu là sự chuẩn bị lực lượng chủ lực của chiến trường để đáp ứng tình hình mới.

Hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh- nguyên Chủ tịch nước cho biết, cuối tháng 10.1974, Trung ương Cục nhận điện của Bộ Chính trị gọi hai đồng chí Phạm Hùng- Bí thư Trung ương Cục và Trần Văn Trà- Tư lệnh Miền ra Hà Nội họp. Trước khi đi, Trung ương Cục giao cho ông Võ Văn Kiệt thường trực bên Trung ương Cục và giao cho ông Lê Đức Anh (lúc bấy giờ là Trung tướng, Phó Tư lệnh Miền) giữ vị trí chỉ huy của ông Trần Văn Trà. Khi bắt đầu triển khai kế hoạch mùa khô 1974-1975, trong Bộ Tư lệnh Miền mỗi người được phân công phụ trách một hướng, các tướng Lê Đức Anh, Hoàng Cầm, Bùi Cát Vũ lo mở tuyến hành lang, tướng Nguyễn Minh Châu (Tham mưu trưởng, quê Thái Bình, Châu Thành, Tây Ninh), lo hướng đường 20 (qua hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng), triển khai xong thì chuyển qua hướng Long An.

Còn một vị trí, một hướng quan trọng là hướng núi Bà Đen, Tây Ninh. Lực lượng giải quyết ở hướng này lấy trinh sát và một số đơn vị trực thuộc Bộ Tham mưu Miền cộng với lực lượng địa phương tỉnh Tây Ninh, do Tham mưu phó Trần Văn Danh (Ba Trần) chỉ huy. Hướng Tây Ninh làm trước. Bộ Tư lệnh Miền nhận định, khi ta bao vây núi Bà Đen, tiến đánh các đồn bót và phá các ấp chiến lược chung quanh núi Bà Đen và thị xã Tây Ninh, thì Sư đoàn 25 quân địch sẽ kéo lên. Như vậy, ta đã làm được việc “nghi binh” thu hút, căng kéo lực lượng của địch.

Ngày 13.11.1974, hai ông Phạm Hùng, Trần Văn Trà lên đường ra Bắc, các lực lượng của Miền cũng nhộn nhịp lên đường hành quân tới các vị trí, chuẩn bị bước vào chiến đấu theo kế hoạch, trước tiên là tổ chức đánh núi Bà Đen và Đồng Xoài. Núi Bà Đen là cao điểm ở Tây Ninh, đứng giữa nhìn sang hai bên, một bên là Long An - Đồng Tháp Mười, bên kia là tỉnh Phước Long, tầm quan sát tới tận Sài Gòn và bao quát tới sông Tiền của Đồng bằng sông Cửu Long. Còn Đồng Xoài là vị trí then chốt của tỉnh Phước Long cũng như của tuyến đường 14. Tại hai vị trí này, quân ta thực hiện vừa đánh vừa nghi binh.

Trong khi đó, về phía địa phương cùng với nhân dân các tỉnh, thành trên toàn miền Nam, quân dân Tây Ninh bước vào chiến dịch mùa khô 1974-1975 với lực lượng vũ trang “ba thứ quân” có sự phát triển mới về chất. Mở đầu chiến dịch, ba tiểu đoàn chủ lực của tỉnh 14, 16 và 18 tấn công tiêu diệt các đồn Trường Đức, Quy Thiện (xã Trường Hoà, huyện Toà Thánh- thị xã Hoà Thành ngày nay) và đánh thiệt hại nặng 3 đồn khác. Trên các chiến trường Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Bến Cầu, Châu Thành, thị xã Tây Ninh các thứ quân đều đồng loạt tổ chức các trận đánh hợp đồng thu nhiều thắng lợi. Kết quả, trong đợt 1 chiến dịch từ ngày 7.12 đến ngày 18.12.1974, quân dân Tây Ninh đã đánh 65 trận, tiêu diệt và bắt sống 931 tên địch, trong đó có nhiều sĩ quan cấp tá và cấp uý, tiêu diệt 5 đồn và đánh thiệt hại nặng 10 đồn, bót khác.

Bước vào đợt 2 chiến dịch, người dân nông thôn cũng như đô thị ở Tây Ninh không chỉ nghe tiếng bom đạn rền vang từ mọi hướng vọng tới mà còn hàng đêm nhìn thấy ánh lửa đạn bom loé sáng trên đỉnh núi Bà Đen suốt một tháng ròng cho đến ngày ngọn núi quê hương được giải phóng 7.1.1975.

Nguyễn Tấn Hùng

(Còn tiếp)

Nguồn BTNO

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay5,748
  • Tháng hiện tại212,041
  • Tổng lượt truy cập8,220,746
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây