Chuyện về Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên và anh hùng Tô Vĩnh Diện

Thứ năm - 16/05/2024 09:54 687 0
Ngày 1/4/1953, Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mang phiên hiệu 367 được thành lập.

Hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh" do Bảo tàng Hồ Chí Minh kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức. Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo tiếp tục làm sâu sắc và sáng tỏ tầm vóc của chiến dịch, không quên nhắc nhớ công lao của những người làm nên chiến thắng vĩ đại, trong đó có Trung đoàn pháo cao xạ 367.

 Thà chết không rời pháo

Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - khẳng định chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với đó là chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, tinh thần chiến đấu “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, ý chí quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang Việt Nam.

Phiên thảo luận của hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh diễn ra sáng 14/5 nhắc nhớ công lao của những người làm nên chiến thắng vĩ đại. Trong đó có câu chuyện về Trung đoàn pháo cao xạ 367.

Ngày 1/4/1953, Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mang phiên hiệu 367 được thành lập.

Pháo cao xạ xuất hiện trên chiến trường Điện Biên Phủ là một bất ngờ lớn đối với quân Pháp.

Sáng 21/12/1953, Trung đoàn nhận lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, có nhiệm vụ bảo vệ lựu pháo. Trung đoàn 367 vượt qua nhiều địa hình phức tạp, với đồi núi cao, dốc lớn, các con đường bí mật xuyên rừng, băng qua nhiều sông, suối.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hành quân, Trung đoàn pháo cao xạ 367 được tặng thưởng Huân chương Chiến công và được Bộ Chỉ huy mặt trận khen ngợi Hành quân cơ giới giỏi.

Khi phương châm chỉ đạo tác chiến chuyển sang đánh chắc, tiến chắc, Trung đoàn 367 được lệnh kéo pháo trở lại vị trí cũ - nhiệm vụ khó khăn gấp bội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi Trung đoàn pháo cao xạ 367 ra quân đánh thắng trận đầu, lập công xuất sắc. Ảnh tư liệu.

Đại tá Vũ Danh Cương - Giám đốc Bảo tàng Phòng không - Không quân - kể lại phát hiện ra con đường kéo pháo của quân đội Việt Nam hàng ngày, thực dân Pháp cho các loại máy bay trinh sát, máy bay khu trục luân phiên chỉ điểm, bắn phá, ném bom napan.

Để giữ bí mật, mặc dù có pháo trong tay, nhưng bộ đội không được phép bắn trả quân Pháp.

“Một số chiến sĩ bị thương nhưng hàng trăm chiến sĩ còn lại vẫn bình tĩnh nắm chặt dây, tiếp tục kéo pháo. Lòng căm thù địch của bộ đội được dồn vào đôi tay kéo pháo. Tất cả chiến sĩ đều nguyện: Thà chết không rời pháo, dù bom rơi đạn nổ vẫn bảo vệ pháo đến cùng”, đại tá Vũ Danh Cương cho biết.

Giây phút anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh

Đêm 1/2/1954, bốn khẩu pháo cao xạ được kéo đến gần một con dốc vừa dài vừa hẹp, lại lượn vòng chênh vênh bên vực sâu.

Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện dũng cảm lái càng pháo vào vách núi để bảo vệ pháo và bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn hai tấn đè lên người. Giây phút cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để cấp cứu, Tô Vĩnh Diện chỉ kịp hỏi “Pháo có việc gì không”, rồi anh dũng hy sinh.

Rạng sáng 4/2/1954, đợt kéo pháo bằng tay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Đại tá Vũ Danh Cương khẳng định đây là sự kiện lịch sử phi thường, vượt qua gian lao thử thách, hy sinh nhưng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội pháo cao xạ.

Qua 56 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan sức mạnh của không quân Pháp.

Trong 2 ngày đầu của đợt một chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 7 máy bay địch, hầu hết rơi tại chỗ. Nhận được báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khen bộ đội Phòng không ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Trong thư, Bác viết: “Các chiến sĩ phòng không bước đầu hoàn thành nhiệm vụ, lập được thành tích. Trung ương Đảng và Bác rất vui lòng”.

Pháo cao xạ có mặt trên chiến trường Điện Biên Phủ là một bất ngờ lớn đối với Pháp.

Pháp tăng cường máy bay đánh phá và ném bom để khống chế lực lượng của Việt Nam, song với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bộ đội pháo cao xạ 367 chiến đấu dũng cảm, kiên cường.

Qua 56 ngày đêm chiến đấu, bộ đội pháo cao xạ đã đập tan sức mạnh của không quân Pháp, khống chế vùng trời, bảo vệ đội hình chiến đấu của bộ binh, pháo binh, bảo vệ tuyến vận tải của chiến dịch, cắt đứt cầu hàng không của địch, làm cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện cho Việt Nam bao vây, chia cắt, áp sát, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm. Trong cả chiến dịch, bộ đội Pháo cao xạ đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay của địch.

Trung đoàn pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch đã bắn rơi 52 máy bay, trong đó có pháo đài bay B.24.

Với chủ đề thảo luận sâu hơn về những con người lịch sử, nhiều nhà khoa học cũng đóng góp tham luận về sức mạnh của hậu phương, đóng góp của khu Tây Bắc, Liên khu V… cho chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Nguồn TPO 

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay708
  • Tháng hiện tại156,072
  • Tổng lượt truy cập8,164,777
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây