Quy định mới về kỷ luật đảng viên vi phạm “chạy chức, chạy quyền”

Thứ sáu - 22/07/2022 22:00 77 0

  "Chạy chức, chạy quyền" là tình trạng đưa vào quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ, quyền hạn cho những cán bộ chưa hoặc không đủ tiêu chuẩn, điều kiện được giấu dưới vỏ bọc “đúng quy trình", “đúng quy định". Vấn nạn này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" chỉ rõ và đó cũng là 1/27 biểu hiện của thực trạng suy thoái. 



Hình ảnh minh họa bài viết (nguồn internet)

Trước đây, tại Điều 13 Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực  trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền quy định xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền như sau:

1. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tùy theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:

a) Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

b) Bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi cấp ủy, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

c) Bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

d) Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

2- Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

          Như vậy, Quy định số 205 quy định hình thức cao nhất xử lý đối với Đảng viên chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền là bị khai trừ khỏi Đảng và tương quan giữa các hình thức kỷ luật Đảng với xử lý hành chính. Quy định 205 không đề cập cụ thể các hành vi sẽ bị kỷ luật Đảng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền". Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngày 06/7/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định này có nhiều điểm mới bổ sung những hành vi Đảng viên bị kỷ luật so với quy định trước đây. Trong những điểm mới, có những quy định về việc kỷ luật Đảng viên có hành vi “chạy chức, chạy quyền".

Tại Điều 30, Quy định 69 về kỷ luật Đảng, Ban Chấp hành đã nêu cụ thể hình thức kỷ luật đối với Đảng viên có những hành vi cụ thể như sau:

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách

a) Tiếp cận, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn.

b) Tác động, mua chuộc, gây sức ép để giới thiệu, bổ nhiệm mình/người khác vào chức vụ có lợi cho mình.

c) Đặt điều kiện, gây sức ép trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

d) Mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác.

đ) Can thiệp, gây áp lực đẻ người khác quyết định/tham mưu, đề xuất, đánh giá… giới thiệu nhân sự theo mục đích cá nhân.

e) Trì hoãn, không thực hiện/chọn thời điểm có lợi với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

2- Trường hợp đã bị kỷ luật khiển trách mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ)

a) Không chỉ đạo xem xét, kiến nghị về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ/bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực này.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực trong đánh giá cán bộ, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, bầu cử; quyết định không đúng cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

c) Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn; để bị lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm bố trí, bổ nhiệm cán bộ.

d) Thiếu trách nhiệm trong xử lý cán bộ, Đảng viên có hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ/không kiến nghị, xem xét, xử lý với hành vi tiêu cực.

đ) Bao che, không xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo người có hành vi tiêu cực tỏng bổ nhiệm cán bộ.

e) Tặng quà, nhận quà liên quan đến bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật.

3- Kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm bị khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm/bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Quy định 69 là văn bản về xử lý kỷ luật Đảng đề cập đến mức kỷ luật khi Đảng viên chạy chức, chạy quyền cụ thể nhất. Với quy định này, Đảng ta đã cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền" xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ta.

 

Mai Tuấn Kiệt

Trường Chính trị 

  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập80
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm67
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay19,627
  • Tháng hiện tại402,384
  • Tổng lượt truy cập3,486,678
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây