Xây dựng pháp luật nghiêm minh, tạo điều kiện cho phát triển

Thứ ba - 19/04/2022 18:00 58 0

  ​Chiều ngày 18/4 diễn ra Phiên họp thứ hai của BCĐ Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dành dung lượng thoả đáng cho những vấn đề được xác định là trụ cột của chiến lược; trong đó có quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng pháp luật nghiêm minh, tạo điều kiện cho phát triển...

Với quyết tâm cao nhất, sau 10 tháng nỗ lực làm việc khẩn trương, hiệu quả, dự thảo lần thứ nhất Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã được hình thành. 

Chiều 18/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đã diễn ra Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo.

 Tại Phiên họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Tổ Biên tập đã cho ý kiến lần đầu tiên về dự thảo Đề án quan trọng này.

 Tham dự Phiên họp còn có các Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

 Cùng dự còn có còn các Uỷ viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Dự họp còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại Phiên họp, thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Theo đó đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu 27 chuyên đề để làm cơ sở xây dựng dự thảo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"; tổ chức được 3 hội thảo cấp quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hàng trăm lượt các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ làm công tác thực tiễn; đã nêu ra rất nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, có cơ sở lý luận, căn cứ khoa học và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.  


​Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN. 

Chủ tịch nước cho biết, nhiều cơ quan như Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để tập hợp các ý kiến xây dựng các chuyên đề. Đặc biệt, các thành viên Tổ Biên tập, các chuyên gia, nhà khoa học đã làm việc tích cực, trách nhiệm, trao đổi, thảo luận dân chủ; tổng hợp một khối lượng tài liệu rất lớn từ 27 chuyên đề, 3 tập kỷ yếu hội thảo quốc gia; huy động tối đa kiến thức, kinh nghiệm vào việc soạn thảo, biên tập để có được dự thảo Đề án lần thứ nhất, trình Phiên họp của Ban Chỉ đạo lần này.

 Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá, đã có sự thống nhất cao về nhận thức, sự cần thiết, tầm quan trọng và tính chiến lược của Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" cả về lý luận, thực tiễn và những quan điểm đổi mới phát triển bền vững của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; có cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị để khẳng định những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng Đề án. 

 Chủ tịch nước nêu rõ: Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, Dự thảo lần thứ nhất của Đề án được xây dựng cơ bản dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; các nguyên tắc, đặc trưng, mục tiêu, quan điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được nêu trong Cương lĩnh 2011, Hiến pháp 2013, các Nghị quyết của Trung ương, nhất là các Nghị quyết số 48, số 49 của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, thể hiện được tầm nhìn chiến lược trong phát triển đất nước theo định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tiếp tục khẳng định bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phát huy dân chủ.

 Theo đó, bố cục chính của Đề án cơ bản phù hợp với Đề cương sơ bộ do Ban Chỉ đạo đã thông qua tại Phiên họp thứ nhất, trong đó có sự cần thiết, mục đích, nhiệm vụ của Đề án và quá trình xây dựng Đề án; những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đánh giá tổng quát thực trạng, quan điểm, mục tiêu, đột phá, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tổ chức thực hiện và kiến nghị giải pháp. 

 Nêu một số vấn đề cần tiếp tục chỉnh sửa trong dự thảo Đề án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dành dung lượng thoả đáng cho những vấn đề được xác định là trụ cột của chiến lược; trong đó có quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng pháp luật nghiêm minh, tạo điều kiện cho phát triển... Đối với các vấn đề chưa rõ hoặc cần nghiên cứu thảo luận thêm thì tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để tạo sự thống nhất cao. Chủ tịch nước đồng ý với đề xuất của Ban Nội chính Trung ương và Tổ Biên tập về việc tiếp tục tổ chức các hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến nhiều tổ chức, cá nhân.

 Do thời gian hoàn thiện dự thảo Đề án không còn nhiều, Chủ tịch nước đề nghị, Ban Chỉ đạo cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị; đặt quyết tâm cao để hoàn thành dự thảo bảo đảm chất lượng và tiến độ. Cùng với đó là quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan, tập trung lực lượng tham gia hoàn thiện dự thảo Đề án; tạo điều kiện tối đa cho các chuyên gia, Tổ Biên tập thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

 Do đó, song song với việc rà soát các nội dung nhiệm vụ, Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức 3 Hội nghị vùng để lắng nghe ý kiến của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Các ý kiến này cùng các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án. 

 Nhấn mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng, giúp đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và đóng góp xây dựng Đề án, Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương cần đẩy mạnh công tác này trong thời gian tiếp theo./.  

 

Theo Quang Vũ/TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm85
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay1,842
  • Tháng hiện tại208,135
  • Tổng lượt truy cập8,216,840
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây