Tâm huyết lớn cho khối đại đoàn kết ngày càng vững chắc

Chủ nhật - 28/07/2024 22:06 122 0
Với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiều năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định, xây dựng chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở mở rộng nội hàm của đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn thể Nhân dân vào công cuộc làm cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc.

        Một trái tim lớn đã ngừng đập - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với “thế giới của người hiền” nhưng tư tưởng, tình cảm, trái tim, khối óc của người cộng sản kiên trung, mẫu mực ấy vẫn tiếp tục soi sáng sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Để hiểu sâu sắc hơn những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Khách mời Nguyễn Túc trao đổi với bạn đọc.

        Phóng viên (PV): Ngày 19/7/2024, người dân cả nước bàng hoàng khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Tổng Bí thư ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Là người biết Tổng Bí thư nhiều năm, ông có thể chia sẻ về những kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ cũng như tình cảm cá nhân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

        Ông Nguyễn Túc: Tôi quen biết đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến nay đã 51 năm. 51 năm qua có quá nhiều thay đổi. Đồng chí đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Tuy quyền cao, chức trọng, nhưng tình cảm của đồng chí dành cho tôi, dành cho bạn bè cùng thiếu thời không hề thay đổi. Tôi cho đấy là một phẩm chất đáng quý mà những người lãnh đạo nên có để gắn mình với dân, với đồng bào, với dân tộc.

        Tôi có nhiều kỷ niệm với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Nhưng có kỷ niệm tôi nhớ mãi. Năm đó, khi có một vị việt kiều là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam muốn nhờ tôi gửi biếu đồng chí Nguyễn Phú Trọng một cặp rượu hoa. Lúc đó, tôi gọi điện cho thư ký của đồng chí Tổng Bí thư. Sau đó, đồng chí thư ký có nói lại, nhờ tôi gửi lời cảm ơn vị đó và Tổng Bí thư xin được từ chối nhận rượu. Bởi vì nếu Tổng Bí thư nhận cặp rượu đó thì lại phải qua các cơ quan kiểm nghiệm, vừa mất thời gian, vừa gây khó khăn cho người ta. Đấy là một kỷ niệm nhỏ nhưng chúng ta thấy rằng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn biết nghĩ cho người khác. Từ việc đó cho thấy Tổng Bí thư luôn biết nghĩ cho dân từ việc nhỏ.

        Trong hoạt động công tác của mình, tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện với Tổng Bí thư. Tôi thấy rằng đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, một nhà lãnh đạo gần dân, trọng dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Sự dung dị, quan tâm, tình cảm yêu thương của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta với các tầng lớp Nhân dân đã để lại ấn tượng sâu sắc, cổ vũ, động viên mọi giai tầng đoàn kết thành một khối thống nhất cùng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

        Tôi nghĩ rằng, chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Túc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại một hội nghị của MTTQ Việt Nam. Ảnh: NVCC

       PV: Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Là người có nhiều năm gắn bó và tham mưu cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác này, ông có thể làm rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, vị trí, đóng góp của Tổng Bí thư đối với khối đại đoàn kết toàn dân?

       Ông Nguyễn Túc: Không phải chỉ đến khi đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng mới đặc biệt quan tâm đến đại đoàn kết dân tộc, đến Mặt trận Dân tộc thống nhất, mà ngay cả khi đồng chí còn làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đồng chí đã quan tâm đến sự nghiệp này. Thời đó, Trung ương giao do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ thể là đồng chí Vũ Oanh, đồng chí Trương Mỹ Hoa, đồng chí Lê Quang Đạo chuẩn bị Nghị quyết số 07 về đại đoàn kết dân tộc. Tôi lúc bấy giờ là Tổ trưởng Tổ biên tập có mời đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tham gia. Lúc bấy giờ, đồng chí đã có đóng góp quan trọng, gợi mở nhiều vấn đề cho Nghị quyết số 07. Đồng chí cho rằng cần phải tìm mẫu số chung để mọi người Việt Nam yêu nước có thể thực hiện được, đó chính là đoàn kết. Đoàn kết góp phần quan trọng vào thành công cuộc đổi mới, giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Những ý kiến đóng góp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng và nhiều đồng chí khác đã cho ra đời Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đây được xem là “kim chỉ nam” trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

        Khi trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với các địa phương, cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau, từ miền núi, biên giới đến miền biển, từ nhà máy đến ruộng đồng. Đến đâu, đồng chí Tổng Bí thư cũng dành thời gian thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng, các đồng chí thương bệnh binh, các cụ cao tuổi, các cháu thiếu niên, nhi đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo… Những lời thăm hỏi, động viên đó có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, tình cảm yêu thương, đồng cảm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta với các tầng lớp nhân dân, để lại ấn tượng sâu sắc, làm lay động lòng người.

         Có thể thấy, dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành tâm huyết rất lớn cho công tác Mặt trận, cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiều năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định, xây dựng chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở mở rộng nội hàm của đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn thể Nhân dân vào công cuộc làm cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vòng tay của bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới về dự chương trình Xuân Quê hương 2019 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

        PV: Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cẩm nang lý luận, thực tiễn quý giá, định hướng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Ông có thể chia sẻ ý nghĩa của Cuốn sách này?

       Ông Nguyễn Túc: Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm bài Tổng quan và 75 bài nói, bài viết, bài phát biểu tiêu biểu, bài trả lời phỏng vấn, thư, lời kêu gọi cùng với 142 bức ảnh phản ánh sinh động các chuyến thăm và làm việc ở địa phương, cơ sở của 63 tỉnh, thành phố của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách thể hiện tư duy nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được minh chứng qua việc thực hiện phong phú, với sự chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với từng giai cấp, tầng lớp, với các tổ chức, với Nhân dân Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

       Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết muôn người như một đã tạo thành sức mạnh vô địch, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc độc lập của Tổ quốc. Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế. Tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành bài học: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

        Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, và đúc kết từ thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”.

        Nổi bật trong các bài viết của Tổng Bí thư đó là, muốn đoàn kết thực sự thì phải dân chủ thực sự. Trong các bài viết cũng cho thấy, Đảng lãnh đạo để người dân thực sự làm chủ. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư đề nghị xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Và vì dân làm chủ nên đồng chí yêu cầu phải nâng từng bước quy chế dân chủ cơ sở thành Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở, và đến hôm nay thì có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đó chính là sự đặc biệt quan tâm của đồng chí đối với đại đoàn kết toàn dân tộc.

         Những người làm công tác Mặt trận, chúng tôi coi Cuốn sách là cẩm nang lâu dài về lý luận, thực tiễn, mang tầm lịch sử, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Tổng Bí thư đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phải quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, lấy đó làm nền tảng cốt lõi cho mọi hoạt động, ở tất cả các cấp.

 Ông Nguyễn Túc (hàng đầu, thứ tư từ phải sang) cùng các thành viên Tổ biên tập văn kiện Đại hội X của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó làm Tổ trưởng. Ảnh: TL

         PV: Những ngày qua, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về với thế giới người hiền, trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội đã bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn đối với Tổng Bí thư. Ông nhìn nhận như thế nào về tình cảm này? Qua đây, theo ông chúng ta cần làm gì để tăng cường hơn nữa niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng?

          Ông Nguyễn Túc: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, là một con người mẫu mực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không những bản thân mình mẫu mực, Tổng Bí thư còn vận động, giáo dục vợ con, gia đình giữ được phẩm chất đạo đức của người yêu nước, của người cách mạng. Chính vì vậy, uy tín, niềm tin của Nhân dân với Tổng Bí thư là rất lớn. Sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư là một tổn thất vô cùng to lớn với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là niềm tiếc thương vô hạn của Nhân dân. Tôi cho rằng, Nhân dân là “quan tòa” công minh nhất, ai có công thì Nhân dân tôn vinh, ghi lòng tạc dạ, tôn thờ.

           Tôi lại nhớ đến câu thơ của Tố Hữu viết về Bác Hồ: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Và tôi thấy, đồng chí Tổng Bí thư là một tấm gương tuyệt vời về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

            Trên cương vị là Tổng Bí thư và Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là ngọn cờ, là người có công lớn và đóng góp quan trọng vào mặt trận “chống giặc nội xâm”. Có thể nói dấu ấn lịch sử mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng để lại làm nức lòng dân, đó là sự cháy bùng của “ngọn lửa đốt lò” chống tham nhũng. Chiến đấu chống giặc nội xâm là một quá trình, những gì đã mang lại không chỉ tính bằng số vụ cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, số tài sản thu hồi mà quan trọng hơn là từng bước làm trong sạch đội ngũ và mang lại niềm tin cho Nhân dân đối với Đảng. Đồng thời khẳng định khi có đủ quyết tâm, có đủ bản lĩnh và đồng lòng, đồng sức thì có thể đẩy lùi được loại giặc này. Đó cũng là điều mà chúng ta cần tiếp tục làm để tăng cường hơn nữa niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

        PV: Trân trọng cảm ơn ông!

                                                                                        Nhóm PV

                                                                                              Nguồn dangcongsan.vn

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay5,991
  • Tháng hiện tại266,259
  • Tổng lượt truy cập8,274,964
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây