Tấn công vào thành trì của chủ nghĩa cá nhân để chặn mầm tham nhũng

Thứ sáu - 24/06/2022 05:00 77 0

  ​Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến," “tự chuyển hóa" trong nội bộ, luôn được đặc biệt chú trọng.


Ban Bí thư kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Quy định số 08-QĐ/TW tại Hưng Yên. (Ảnh minh họa: Đinh Tuấn/TTXVN)

Từ khi thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Có thể thấy, sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương 4 (khóa XII), công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt.
Trong đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến," “tự chuyển hóa" trong nội bộ, luôn được đặc biệt chú trọng.
Mấu chốt là chống suy thoái, hư hỏng
Qua các kỳ Đại hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là một nội dung trọng tâm, then chốt, trong đó Đảng ta tập trung đánh giá đúng, sát thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Việc nhìn nhận, đánh giá tính chất, mức độ của tham nhũng, tiêu cực, luôn gắn liền với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, với căn bệnh vô cảm, "lợi ích nhóm," cá nhân chủ nghĩa.
Nhìn vào những đánh giá tại mỗi kỳ Đại hội, có thể thấy tính chất, mức độ của tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên được Đảng ta nhận định có chiều hướng giảm qua các thời kỳ.
Cụ thể là từ mức "rất nghiêm trọng" tại Đại hội IX, đến "nghiêm trọng" tại Đại hội X, "chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp" tại Đại hội XI, "chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn" tại Đại hội XII và đến Đại hội XIII là "chưa bị đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp."
Thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi phải đổi mới cả về nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo.
Đại hội XIII đặt ra yêu cầu phải “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh"; xác định đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm," những biểu hiện “tự diễn biến," “tự chuyển hóa" trong nội bộ, là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi."
Từ khái niệm này, có thể thấy, có ba yếu tố dùng làm căn cứ để nhận diện hành vi tham nhũng gồm hành vi của người có chức vụ quyền hạn; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn; vì vụ lợi.
Theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tham nhũng là một biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên có một nguyên nhân chủ quan rất quan trọng, đó là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, có lối sống buông thả, thoái hóa, coi thường kỷ luật, kỷ cương. 
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức, đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc. Tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút.
Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao… 
Nói về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến," “tự chuyển hóa" đều là những biểu hiện tiêu cực.
Tham nhũng nói riêng, và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Nêu rõ quan điểm, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ hai vấn đề này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống.
Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống.
Bài trừ căn bệnh cá nhân chủ nghĩa
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nguyên nhân làm suy thoái đạo đức của cán bộ đảng viên, đều bắt nguồn từ "căn bệnh cá nhân chủ nghĩa."
Chủ nghĩa cá nhân sinh ra các bệnh nguy hiểm, như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi,… là kẻ địch nguy hiểm ở trong mỗi con người, là một loại giặc "nội xâm," là đồng minh của giặc ngoại xâm.


Đảng ủy Công an thành phố Cần Thơ báo cáo trực tuyến tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm; không chấp hành đúng đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; làm hại đến lợi ích của cách mạng, của Nhân dân.
Vì vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng để kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi hành vi tiêu cực chính là nơi trú ngụ, dung dưỡng của chủ nghĩa cá nhân. 
Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, chủ nghĩa cá nhân nằm ngay trong chính mỗi con người, luôn có nguy cơ trỗi dậy, bùng phát khi có cơ hội.
Do đó, đóng vai trò quyết định trong chống chủ nghĩa cá nhân là nội lực của mỗi con người được bảo đảm bằng nền tảng đạo đức đủ sức tự chủ bản thân, kiểm soát được ham muốn, khiến hành vi không vượt qua lằn ranh của pháp luật và đạo đức xã hội.
Vì vậy, “xây" chính là nâng cao nhận thức tư tưởng, bồi đắp các phẩm chất tốt đẹp, thúc đẩy động cơ đạo đức, chế độ kỷ luật tự giác, làm cho cái tốt đẹp lớn dần, được nuôi dưỡng và cái xấu bị đẩy lùi, không có cơ hội ngóc đầu dậy.
Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ địch ở trong lòng" nên muốn “chống" phải bắt đầu từ “xây," trong đó vai trò quyết định là tu dưỡng, rèn luyện, kiểm soát ham muốn, nâng cao năng lực đề kháng trước cám dỗ.
Muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải nâng cao đạo đức cách mạng và có đạo đức cách mạng sẽ loại bỏ được chủ nghĩa cá nhân - đây là mối quan hệ biện chứng, gắn bó lẫn nhau, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức công vụ, văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên; đồng thời phải phát huy vai trò chủ động, tự giác của bản thân cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Xây dựng và ban hành các quy định về văn hóa công vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm cơ sở để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trong công tác và sinh hoạt…/.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay5,807
  • Tháng hiện tại212,100
  • Tổng lượt truy cập8,220,805
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây