Đánh giá kết quả phát triển của Tây Ninh năm 2022, Tổng cục Thống kê xếp Tây Ninh đứng thứ 1 khu vực kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ.
Lập trình cho máy hàn tự động. Ảnh: Nguyễn Viết Tiến
Sau Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9.1945, người dân Tây Ninh được sống hoà bình trong đất nước độc lập, tự do hơn hai tháng, từ ngày 25.8 đến ngày 8.11.1945. Trong một ngày 8.11, đã bị quân Pháp kéo từ hai hướng Sài Gòn và Campuchia qua ngả biên giới Bến Cầu lên chiếm thị xã Tây Ninh, sau khi đã vượt qua các phòng tuyến của quân dân Tây Ninh dựng lên dọc theo quốc lộ 1 và lộ 22 ở Suối Sâu, Trâm Vàng, Bến Kéo.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005), đoàn quân xâm lược Pháp đi trên 75 xe quân sự gồm 73 chiếc GMC và 2 xe tăng đi đầu, tuy có gặp đôi chút khó khăn khi lọt vào các vị trí phục kích của quân ta và bị chết một số tên ở mặt trận Bến Kéo nhưng cũng đã đến thị xã Tây Ninh lúc mới hơn 10 giờ sáng. Trong khi đó, lực lượng vũ trang của tỉnh từ mặt trận Bến Kéo cùng bộ máy lãnh đạo chính quyền cách mạng của tỉnh rút ra vùng Tà Hụp, Thanh Điền huyện Châu Thành; lực lượng huyện Trảng Bàng từ các phòng tuyến Suối Sâu, Trâm Vàng rút ra khu Rừng Rong, Bàu Mây, An Tịnh để tổ chức kháng chiến lâu dài.
Quân Pháp tái chiếm Tây Ninh trong một ngày người dân không ra đường, không họp chợ, triệt để thực hiện “vườn không nhà trống" nhằm hưởng ứng chủ trương “tiêu thổ kháng chiến" của lãnh đạo kháng chiến tỉnh. Tuy nhiên với ý đồ khôi phục lại những gì đã mất của thời kỳ cai trị thuộc địa, Pháp lập tức chiếm lại các cơ sở kinh tế, các đồn điền cao su Vên Vên, Trà Võ, Bến Củi, hãng đường Thanh Điền… Đồng thời chúng dựng lên hệ thống đồn bót để chiếm giữ các trục giao thông đầu mối, vùng đệm giữa làng mạc và rừng núi.
Hằng ngày chúng tung quân đi đi càn quét, đốt phá xóm làng, tàn sát nhân dân. Ngày ấy, ở các vùng phía Đông tỉnh, như dọc đường 19, đường 26 từ Suối Nhánh, Suối Ông Hùng về vùng xóm Phan, Suối Đá… hay vùng chung quanh núi Bà Đen vòng qua Trà Vong, phía Bắc huyện Châu Thành, xuống Bến Cầu, nhà cửa, ruộng vườn điêu tàn, đường sá ít thấy bóng người.
Về mặt kinh tế xã hội, hầu hết dân cư trong tỉnh, khoảng 250.000 người, ngoài một số rất ít người buôn bán nhỏ, làm tiểu thủ công nghiệp ở một số khu thị tứ như tỉnh lỵ Tây Ninh, trung tâm Gò Dầu, Trảng Bàng, đa số còn lại đều chỉ làm ruộng rẫy một vụ trong năm nhờ nước trời.
Tiểu thủ công nghiệp thực chất cũng chỉ có một số lò gạch thủ công dọc sông Vàm Cỏ Đông, một số lò đường “đạp trâu" ở mấy xã dọc bờ Tây sông Sài Gòn, hay lò mì thủ công ở các xã Hiệp Ninh, Ninh Thạnh ven Thị xã…
Do vậy, năm nào dân Tây Ninh cũng thiếu lương thực, “đói giáp hạt" thường xuyên. Vào những năm đầu thập niên 1950, nhất là năm Nhâm Thìn 1952, miền Đông Nam bộ bị lũ lụt dữ dội, tại Tây Ninh nước lũ dâng lên ngập cả khu chợ cũ, phố Gia Long cũ. Dân ở thành cũng thiếu đói, dân nông thôn, quân dân vùng căn cứ kháng chiến hết sức vất vả, không có cái ăn.
Cảnh tượng khốn đốn ấy đã đi vào văn nghệ kháng chiến nước ta, tiêu biểu nhất là bài hát Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt, sáng tác ở khu tăng gia sản xuất kháng chiến Trảng Còng, Châu Thành, Tây Ninh mùa nước lũ năm 1952.
Cực khổ, vất vả do thiên tai, địch hoạ là thế, nhưng trong tác phẩm âm nhạc Lên ngàn vẫn toát lên niềm lạc quan mãnh liệt của những người yêu nước: “Kháng chiến nhất quyết thành công, kháng chiến nhất quyết thành công, bao giờ kháng chiến thành công, anh về em thoả ước mong".
Sau 9 năm kháng Pháp (1945-1954) đến 21 năm chống Mỹ (1954-1975), quân dân Tây Ninh đã đóng công, góp sức, hy sinh cả máu xương trong sự nghiệp đấu tranh đánh đổ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Thế rồi sau ngày toàn thắng 30.4.1975, Tây Ninh và các tỉnh biên giới Tây Nam lại phải tiếp tục cầm súng chiến đấu 5 năm nữa, đến khi ta đánh đuổi được bọn diệt chủng Pol Pot ra khỏi biên giới và giúp đỡ đất nước Campuchia hồi sinh, tỉnh Tây Ninh mới thực sự được vui hưởng hoà bình, bắt tay xây dựng lại quê hương, đất nước. Nhưng gần như chỉ có “hai bàn tay trắng".
Lần giở lại những trang tư liệu còn lưu trữ trong sổ tay phóng viên Báo Tây Ninh từ hơn 4 thập niên trước, tình hình về kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh hết sức thấp kém, đến mức có thể nói là bi đát nhất miền Nam thời bấy giờ.
Là một tỉnh đồng bằng, có nhiều rừng và có cả một quần thể núi cao nhất Nam bộ, nhưng sau 30 năm chiến tranh, diện tích rừng, từ xưa đã chiếm phân nửa diện tích tự nhiên (200.000/400.300 ha) gần như bị xoá sạch, chỉ còn chưa tới một phần mười; toàn tỉnh có 73 xã thì 60 xã gần như bị huỷ diệt trong chiến tranh; trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm đến 90%, công nghiệp chỉ có 2%, thương mại dịch vụ chiếm khoảng 9%.
Cơ cấu này cho thấy lúc bấy giờ Tây Ninh thực sự là tỉnh thuần nông, điều kiện tự nhiên có khả năng phát triển nông nghiệp toàn diện với cơ cấu cây trồng khá đa dạng, tuy nhiên do điều kiện sản xuất còn nhiều thiếu thốn, mỗi năm chỉ sản xuất lúa được một vụ vào mùa mưa với năng suất thấp.
Sản lượng lúa năm 1976 chỉ đạt 180.000 tấn, bình quân lương thực đầu người không đủ ăn (270kg/năm). Cây trồng thế mạnh có mía, mì, đậu phộng với sản lượng khá cao (567.600 tấn mía cây, 98.539 tấn củ mì, 10.130 tấn đậu phộng), nhưng khâu chế biến yếu kém, lạc hậu, chủ yếu là chế biến thủ công nên hiệu quả không cao.
Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ gần như chỉ có một ít cơ sở, cửa hàng nhỏ lẻ. Với các ngành sản xuất không mấy phát triển, mãi cho đến những năm đầu thời kỳ đổi mới kinh tế Tây Ninh mới bắt đầu phát triển, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá với tổng kim ngạch năm 1990 chỉ nhỉnh hơn 6,5 triệu USD…
Điểm qua vài nét tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong thời bình cho thấy những điểm không mấy sáng sủa, nhìn ngược thời gian 78 năm về trước, dù hiện nay gần như không thể tìm được một tài liệu với số liệu chi tiết nào chúng ta vẫn có thể hình dung được kinh tế xã hội Tây Ninh trước Cách mạng tháng 8.1945 nghèo nàn đến mức nào, nếu không muốn quy tất cả về con số 0. Một số rất ít các cụ cao niên thời bấy giờ nay vẫn còn sống cũng chỉ nhớ được một chuyện: ngày ấy hầu hết dân Tây Ninh chỉ mặc quần áo may bằng…bao bố (!).
Thế mà cho đến nay, với dân số của tỉnh đã tăng hơn 6 lần (1.315.000 người/ 229.000 người) mà thu nhập bình quân đầu người Tây Ninh năm 2022 đã là 3.700 USD. Chỉ riêng con số này đã nói lên được bước phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà từ ngày đầu độc lập 2.9.1945 đến nay đạt mức nhảy vọt như thế nào.
Theo báo cáo của UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh năm 2022, năm vừa qua là năm đầu tiên tỉnh ta đạt toàn bộ 19/19 chỉ tiêu kinh tế xã hội theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Cụ thể: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 55.914 tỷ đồng, tăng 8,84% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.700 USD (kế hoạch năm 2022 là 3.500 USD).
Hầu hết các ngành công nghiệp chủ yếu đều tăng sản lượng. Một số ít sản phẩm duy trì hoặc giảm so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 19,7% so với KH, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 19,3% so kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại dịch vụ đã khôi phục so với trước đại dịch Covid-19, trong đó dịch vụ du lịch đạt mức 4,5 triệu lượt du khách đến Tây Ninh, với doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói" đạt hơn 1.300 tỷ đồng.
Thị trường hàng hoá phục vụ đời sống người dân ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 96.938 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ, tăng 17% dự toán địa phương, tăng 26,3% dự toán Trung ương giao.
Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Tây Ninh đứng thứ 7 trong nhóm 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao trên cả nước. Giải ngân đến hết ngày 31.1.2023 là 4.368,252 tỷ đồng, đạt 96,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 97 36% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Đồng thời các chủ trương, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh đều được thực hiện có kết quả tốt. Đánh giá kết quả phát triển của Tây Ninh năm 2022, Tổng cục Thống kê xếp Tây Ninh đứng thứ 1 khu vực kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ.
Từ điểm đứng hiện nay, hướng về năm 2030, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là thời điểm các dự án phát triển trọng điểm trên địa bàn tỉnh hoàn thành, chúng ta có quyền tin tưởng Tây Ninh xứng đáng trở thành tỉnh công nghiệp phát triển của đất nước.
Nguyễn Tấn Hùng
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc