Phát huy vai trò của Nhân dân trng tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Thứ năm - 02/12/2021 12:00 177 0

​  Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về mối quan hệ giữa Đảng ta với Nhân dân: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân"(1). Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng. Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân... Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng"(2).

Đại hội XIII của Đảng ta tiếp tục yêu cầu và khẳng định: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dụng Đảng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới"(3). Một trong những bài học kinh nghiệm của 35 năm đổi mới đó là trong quá trình đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân.

Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", đã đề ra 5 nhóm giải pháp giải quyết những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, trong đó nhóm giải pháp thứ 5 nêu rõ việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp uỷ đảng về công tác cán bộ được xem là nhiệm vụ hàng đầu của nhóm giải pháp.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam kể từ ngày có Đảng đến nay cho thấy, có những giai đoạn, mặc dù sự nghiệp cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, phong trào cách mạng có lúc gần như lâm vào thoái trào nhưng mối liên hệ giữa Đảng và Nhân dân vẫn gắn bó mật thiết, quần chúng nhân dân vẫn là chỗ dựa vững chắc để Đảng củng cố, xây dựng và tiếp tục phát triển phong trào cách mạng. Chính sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam cho đến ngày nay. 

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thời gian qua còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, nhất là trong tình hình hiện nay. Ở một số nơi vẫn còn khiếu kiện đông người, người lao động ngừng việc tập thể không đúng pháp luật; ở cơ sở, người dân còn né tránh, e ngại trong việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên, không dám tố giác tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, một số cấp ủy đảng và chính quyền nhận thức vấn đề này chưa sâu sắc và đầy đủ, thậm chí có nơi còn vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, ngại tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, thiếu trách nhiệm trong giải quyết các nguyện vọng, bức xúc của người dân. Đồng thời, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng đã ảnh hưởng tiểu cực đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

 

Một số hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân – Nguồn Internet

Với vai trò là lực lượng quyết định sự phát triển của lịch sử, cần có những giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài để tiếp tục phát huy những vai trò, tác động tích cực của quần chúng Nhân dân quyết định đến hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong giai đọan hiện nay:

 Thứ nhất, Đảng, Nhà nước cần đổi mới cơ chế và quy trình ra quyết định lãnh đạo, quản lý theo hướng phát huy dân chủ, phát huy vai trò của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, bảo đảm để Nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình ra các quyết định liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, thiết thân, hợp pháp của Nhân dân, từ việc nêu sáng kiến đến tham gia góp ý, thảo luận, tranh luận, phản biện, đến việc giám sát quá trình thực hiện.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các định chế phát huy dân chủ hiện có như: Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về việc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng để sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của Nhân dân, thực hành dân chủ ở cơ sở, về tổ chức và hoạt động hội, đình công, khiếu kiện đông người, v.v.

Thứ ba, để Nhân dân có thể giám sát, phản biện và góp ý thì việc cung cấp thông tin từ phía cơ quan Đảng, Nhà nước hết sức cần thiết. Cần thực hiện nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho Nhân dân và trách nhiệm tiếp thu, trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức trước Nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tăng cường quy định về dân chủ trong Đảng và chế độ trách nhiệm đối với Nhân dân.

Thứ tư, Không chỉ dừng lại ở Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn như hiện nay mà cần xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền dân chủ của Nhân dân; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và để bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng Nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, cấp ủy đảng và nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc để vừa giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức và sinh hoạt đảng, vừa phát huy tinh thần dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng Nhân dân, phân tích mức độ đúng sai, thấu lý đạt tình trong phê bình, đóng góp ý kiến. Mặt khác, bảo vệ người đã phát hiện, nêu ý kiến về những sai trái của cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng.

Thứ năm, dựa vào dân để giới thiệu những người ưu tú cho Đảng, xem xét kết nạp vào Đảng. Sức mạnh, chất lượng của Đảng là sự tổng hợp từ nhiều yếu tố, trong đó có số lượng, chất lượng của đội ngũ đảng viên. Ngoài việc phát huy vai trò của Nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, kiểm tra, giám sát để Đảng sàng lọc đội ngũ đảng viên, Đảng còn phải dựa vào Nhân dân để phát hiện, lựa chọn những người ưu tú kết nạp, bổ sung vào lực lượng của mình.

Thứ sáu, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên lợi ích chung của toàn Đảng, toàn dân; được sự hướng đích từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, dựa trên nòng cốt liên minh Công -  Nông - Trí. Mọi hoạt động của Hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của Nhân dân. Củng cố niềm tin của Nhân dân phải bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có đạo đức, lối sống tốt. Đồng thời, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trong định hướng, xây dựng hệ giá trị xã hội chủ nghĩa trong xã hội. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu và hành động chia rẽ Đảng với dân, sự đồng thuận xã hội, làm ảnh hưởng đến sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cán bộ, đảng viên cũng từ Nhân dân mà ra, tin Nhân dân, hiểu được sức mạnh của Nhân dân, được Nhân dân che chở từ những ngày đầu làm cách mạng. Và giờ đây, trong công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng đất nước trong giai đoạn mới thì không có lý do gì lại không dựa vào dân, nhờ Nhân dân hiến kế để sửa chữa những vấn đề của mình, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, cần xem việc phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là vấn đề thuộc quy luật, có tính nguyên tắc và những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và hoạt động hiệu quả của hệ thống chính trị trong tình hình mới.

 


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Xxb. Chính trị Quốc gia,- Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 191.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 10, tr. 197

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 7, tr. 235

 Ths. Nguyễn Ngọc Ấn

Trường Chính trị tỉnh

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm104
  • Hôm nay18,690
  • Tháng hiện tại244,056
  • Tổng lượt truy cập8,252,761
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây