Luật Cư trú: Tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất cho người dân về chỗ ở

Thứ ba - 11/08/2020 17:00 91 0

​    Điều kiện thường trú, thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp là những nội dung lớn được các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tập trung đóng góp ý kiến cho dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại phiên họp thứ 47 diễn ra vào ngày 10/8.

IMG_9108.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, có nhiều ý kiến tán thành việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn. Có ý kiến đề nghị vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc trung ương đã được khảo sát về việc không cần thiết quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương như trong Luật hiện hành, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Đồng thời, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn (do là nơi có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập tốt hơn).

Hơn nữa, so với quy định hiện hành, điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện về diện tích bình quân tối thiểu của nơi ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nên thực chất đối với thành phố trực thuộc Trung ương chỉ là bỏ điều kiện về thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú. Như vậy, sẽ chỉ tăng số người dân có đăng ký thường trú chứ hầu như không dẫn đến tăng dân số cơ học.

Để giải quyết vấn đề đặt ra đối với các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như lo ngại của một số đại biểu, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, nên tập trung vào các giải pháp có tính tổng thể về quy hoạch, về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, phát triển vùng, các đô thị vệ tinh, bảo đảm cân đối về phân bổ nguồn lực, thực hiện nghiêm việc di dời các nhà máy, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành, không xây dựng các khu chung cư tập trung cao tầng ở khu vực nội thành… và hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, có tính chất phân biệt đối xử giữa các vùng, miền, nông thôn, đô thị.

Về vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần cố gắng tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho người dân về chỗ ở nhưng công tác quản lý của cơ quan nhà nước vẫn hiệu quả. Đây là yêu cầu cao, nhằm bảo đảm điều kiện sinh sống của người dân, đảm bảo quyền học tập, thực hiện các chính sách cứu trợ, thảm họa, các chính sách an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần tiếp tục tăng cường quản lý theo hướng giảm thủ tục hành chính, giảm các điều kiện giấy tờ không cần thiết; không thể lấy điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú để ngăn chặn tình trạng người dân ở nông thôn di chuyển vào các thành phố lớn sinh sống và làm việc.

Một số ý kiến tại phiên họp cũng đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư.

Về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp, nhiều ý kiến đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan đã thể hiện quyết tâm rất cao, có nhiều văn bản chỉ đạo và hành động quyết liệt phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 1/7/2021 là thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực thi hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, có một số ý kiến lo ngại không đủ thời gian thực hiện, nhưng Chính phủ, Bộ Công an khẳng định đủ thời gian thực hiện chuyển tiếp. Nếu trong quá trình thực hiện, có vướng mắc thì Quốc hội có thể ra nghị quyết gia hạn thêm thời gian thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc đưa ra mốc thời gian cụ thể để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cố gắng phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra, bởi thực tế, hiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cũng đang được triển khai quyết liệt.

Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 1/7/2021. Trong quá trình thẩm tra, thảo luận còn một số ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tiếp tục trình Quốc hội những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong kỳ họp tới.

IMG_9112.jpg

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, về điều kiện đăng ký thường trú, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với dự thảo Luật. Trong đó, dự thảo Luật có giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định diện tích chỗ ở hợp pháp tối thiểu được đăng ký thường trú. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì hiện nay Hội đồng nhân dân ở các địa phương khác nhau lại có quy định khác nhau, có thể là rào cản mới trong đăng ký thường trú. Tuy nhiên, theo giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đây là quy định diện tích tối thiểu nhà ở đối với nhà cho thuê, nhà được mượn thì bắt buộc cần có diện tích tối thiểu.

Về xóa đăng ký thường trú và xóa đăng ký tạm trú, các đại biểu nhất trí với quy định trong dự thảo luật tuy nhiên cần quy định cụ thể hơn điều kiện xóa thường trú, tạm trú, nhằm bảo đảm yêu cầu đăng ký nhưng cũng đề cao trách nhiệm của công dân.

Về thời điểm có hiệu lực pháp luật và quy định chuyển tiếp là vấn đề có ý kiến khác nhau giữa thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nếu quy định hiệu lực luật này là từ ngày 1/7/2021 nhưng thời điểm chuyển tiếp là 31/12/2025, tức là sau gần 5 năm thì mới bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu, tạm trú, quy định như vậy là không phù hợp. Vì thực tế hiện nay chỉ thay phương thức quản lý bằng phương pháp thô sơ (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) chuyển sang phương pháp mới (số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư về cư trú). Mục tiêu cuối cùng là giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, nếu kéo dài thời gian chuyển tiếp thì không phù hợp.

Vấn đề đặt ra là Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp cần có các biện pháp chỉ đạo, tổ chức quyết liệt để xây dựng số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư; đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực thực hiện nhiệm vụ này.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Báo điện tử Chính phủ

 


  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập527
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm487
  • Hôm nay14,884
  • Tháng hiện tại221,177
  • Tổng lượt truy cập8,229,882
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây