Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2023): Trọn niềm tin theo Đảng

Thứ ba - 31/01/2023 22:00 302 0

  ​Khi được hỏi về một đời trung kiên theo Đảng, gương mặt hai bà toát lên niềm vui, ánh mắt tràn đầy niềm tự hào xúc động.

93 năm dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, mỗi người dân đất Việt đều có niềm tin mãnh liệt vào con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Đặc biệt, với những người đứng trong hàng ngũ của Đảng, trong những năm tháng gian khó của đất nước thì niềm tin ấy mãi là hành trang, là tài sản vô giá để họ cống hiến hết mình, trọn đời vì nước, vì dân.

Những ngày đầu xuân Quý Mão, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện với hai nữ lão thành cách mạng, là bà Huỳnh Thị Rành (thường gọi là Hai Rành, sinh năm 1938, ngụ khu phố 3, thị trấn Châu Thành), Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và bà Phạm Thị Tư (thường gọi là Tám Sang, sinh năm 1934), Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ khu phố 1, thị trấn Châu Thành.

Hai bà tóc đã bạc trắng, đi lại khó khăn, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn. Khi được hỏi về một đời trung kiên theo Đảng, gương mặt hai bà toát lên niềm vui, ánh mắt tràn đầy niềm tự hào xúc động.

Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, bà Hai Rành nguyện đi theo lý tưởng của Đảng và Bác Hồ, dù bất cứ nhiệm vụ nào, khó khăn đến đâu cũng một lòng trung kiên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.


Bà Hai Rành xem lại những tấm Huân, Huy chương cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng.

Từ năm 1952 đến 1954, bà Rành là Đội trưởng thiếu nhi xã Hoà Hội. Năm 1955, bà làm giao liên của huyện Châu Thành, sau đó hoạt động trong cơ sở mật tuyên truyền chống bắt lính. Năm 1960 bà được phân công làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hoà Hội. Một năm sau bà được kết nạp Đảng và điều động về làm Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Châu Thành.

Năm 1963, trong một lần đi công tác, bà Hai Rành bị địch bắt và giam cầm tại Khám đường Tây Ninh. Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, bà làm Trưởng Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Châu Thành, kế đến làm Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện. Bà vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Năm 1988, bà Hai Rành nghỉ hưu và tham gia làm Hội thẩm nhân dân, Phó Ban Liên lạc hưu trí huyện Châu Thành. Năm 2011, bà được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Châu Thành; đến năm 2020, tuổi cao sức yếu bà xin nghỉ việc.

Những năm còn tham gia công tác xã hội, bà Hai Rành luôn xông xáo, “miệng nói, tay làm", bất cứ công việc gì đều tiên phong gương mẫu. Bà tâm sự: “Làm cán bộ phải gần dân, làm nhiều hơn nói, phải thực hiện phương châm “Trẻ xông pha, già mẫu mực", giữ vững gương sáng trước sau như một".

Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Châu Thành, bà cùng Ban Chấp hành Hội Người tù kháng chiến huyện đã tổ chức thăm và tặng quà cho hội viên nghèo, ốm đau, trị giá trên 700 triệu đồng; xây tặng 11 căn nhà tình nghĩa, 2 căn nhà đại đoàn kết cho hội viên.

Bà Nguyễn Thị Lý- Chủ tịch UBMTTQ thị trấn Châu Thành cho biết, đại gia đình bà Hai Rành có 9 đảng viên, là tấm gương sáng trong cộng đồng dân cư. 

Ông Phạm Minh Hiếu- Phó Bí thư Chi bộ khu phố 3, thị trấn Châu Thành nhận xét, bà Hai Rành luôn phát huy phẩm chất của người đảng viên, tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho các phong trào thi đua của khu phố, góp phần vào thành tích chung của Chi bộ. Bà Hai Rành xứng đáng là cây cao bóng cả để lớp đảng viên trẻ học tập noi theo.


Nụ cười hiền hậu của bà Phạm Thị Tư khi têm trầu.

Bà Phạm Thị Tư sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1947, bà Tư mới 13 tuổi nhưng đã được tổ chức phân công làm Đội trưởng Đội Thiếu niên kiêm công tác giao liên của Hội Phụ nữ xã. Năm 1951, bà Tư bị địch bắt, năm 1953 được thả và tiếp tục làm công tác phụ nữ xã.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà kết hôn với ông Nguyễn Thanh Sang, công tác tại Ban An ninh Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Năm 1962, vợ chồng bà Tư cùng về công tác tại Tây Ninh. Ông Sang nhận công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành còn bà Tư được phân công làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội LHPN xã Trí Bình, huyện Châu Thành. Tháng 3/1972, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Bà Tư nói: “Muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng phải trải qua nhiều thử thách, phải chứng minh được bản lĩnh chính trị, năng lực, nhiệt huyết của bản thân. Tôi nhớ như in ngày 5/3/1972, hướng về Quốc kỳ và Đảng kỳ hát vang bài hát Quốc ca và Quốc tế ca. Xúc động lắm! Vào thời khắc đó, tôi thấy mình lớn thêm lên, rất vinh dự, tự hào nhưng cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của một người đảng viên".

Đến năm 1989, bà Tư nghỉ hưu theo chế độ. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, bà Tư được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.

Trở về quê nhà, bà Tư được tổ chức và nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu phố, rồi Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến thị trấn Châu Thành kiêm Tổ trưởng Tổ phụ nữ hưu trí huyện Châu Thành cho đến nay.

Hội Người tù kháng chiến thị trấn Châu Thành chỉ có 14 hội viên, bà Tư dành hết tâm huyết cho hoạt động Hội. Bà cùng chồng vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ chi phí hoạt động của Hội. Chỉ tính riêng năm 2019 bà Tư huy động được hơn 90 triệu đồng chăm lo cho hội viên. Hội Người tù kháng chiến thị trấn Châu Thành do bà Tư làm Chủ tịch nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu của huyện.

Ông Vũ Quốc Xuân- Bí thư Chi bộ khu phố 1, thị trấn Châu Thành cho biết, dù đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, được miễn sinh hoạt Đảng nhưng những lúc sức khoẻ tốt, bà Tư vẫn tranh thủ đến tham gia sinh hoạt Chi bộ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong công tác sinh hoạt và điều hành của Chi uỷ, Chi bộ.

Bà Tư tâm sự: “Đã là người đảng viên thì phải thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu, chủ động đón nhận những việc khó về mình. Còn sức khoẻ tôi còn cống hiến". Từ ý thức đến hành động, không chỉ nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bà Tư còn thường xuyên giáo dục, động viên con cháu và người dân nơi cư trú tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Trong gia đình, bà Tư là người vợ, người mẹ mẫu mực; với bà con khu phố, bà luôn gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, sống có tình làng, nghĩa xóm. Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền- con gái bà Tư hiện là Bí thư Đảng uỷ xã Trí Bình chia sẻ: “Mẹ không chỉ nhắc nhở tôi trong công việc mà còn thường xuyên gặp gỡ và đóng góp với thế hệ cán bộ lãnh đạo kế cận ở địa phương trong làm việc phải biết lắng nghe ý kiến của người dân, từ đó đưa ra những chủ trương, nghị quyết sát với thực tiễn. Chúng tôi nhìn vào tấm gương của mẹ, tự soi mình để học tập và làm theo".

Đều ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng có một điều không thay đổi và gần như là chân lý của cả hai đảng viên Huỳnh Thị Rành và Phạm Thị Tư. Đó là trọn đời gắn bó với Đảng, theo Đảng thực hiện mục tiêu cao đẹp vì độc lập dân tộc. 

Tố Tuấn - Hà Quang

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập70
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay15,442
  • Tháng hiện tại221,735
  • Tổng lượt truy cập8,230,440
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây