Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Chủ nhật - 05/05/2024 09:02 77 0
Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân uỷ triệu tập Ban Cán sự chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam - Đường Hồ Chí Minh. Thông qua hệ thống Đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn, đã chi viện sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam, chỉ riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lượng hàng đưa đến các chiến trường là hơn 27.900 tấn, cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đơn vị kỹ thuật cung cấp cho các mặt trận.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảngb toàn dân và toàn quân. Trước tình hình đó, tháng 5/1959, Tổng Quân uỷ và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt (sau gọi là Đoàn 559), làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc với phương thức vận chuyển ban đầu hết sức thô sơ, chủ yếu là đi bộ, mang vác, gùi thồ. Biên chế bước đầu của Đoàn công tác quân sự đặc biệt là 500 cán bộ, chiến sĩ. Đoàn được tổ chức thành Tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận: xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm.

Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân uỷ triệu tập Ban Cán sự chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam cũng là ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 6/1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh), sau đó vạch tuyến phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5. Con đường này phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, khẩu hiệu hành động của Đoàn là: “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn, bốt chốt chặn của địch, ngày 20/8/1959, chuyến hàng đầu tiên được gùi bộ trên tuyến đường bàn giao cho Liên khu 5 tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi, song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Đường Hồ Chí Minh huyền thoại (Ảnh tư liệu)

Kết thúc năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển được vào Khu 5 số hàng gồm 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn và một số quân dụng thiết yếu khác, đưa 542 cán bộ, chiến sĩ vào làm nhiệm vụ ờ miền Nam. Tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được thiết lập, trở thành cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam.

Để chi viện cho chiến trường miền Nam, hệ thống Đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ngày càng hoàn chỉnh, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng. Thông qua tuyến đường này, chỉ riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lượng hàng đưa đến các chiến trường là hơn 27.900 tấn, cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đơn vị kỹ thuật cung cấp cho các mặt trận. Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, qua tuyến đường này đã vận chuyển tới các chiến trường lên tới 66.500 tấn hàng. Đặc biệt, trong hai năm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lượng hàng đã giao cho các chiến trường hơn 410.000 tấn. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn qua tuyến Đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh…

Đường Hồ Chí Minh huyền thoại (Ảnh tư liệu)

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, Đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường sông, đường thông tin liên lạc..., góp phần quan trọng làm nên chiến thắng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 03/12/2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km); điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau). Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ngày 15/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 05/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng Đường Hồ Chí Minh; đến ngày 21/3/2008, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã tiến hành nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (đoạn từ Thạch Quảng tới Ngọc Hồi).

Toàn tuyến Đường Hồ Chí Minh huyền thoại (Ảnh: Invert Việt Nam)

Đường Hồ Chí Minh là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của Nhân dân, là một công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đến nay, mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế. Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc, mãi khắc ghi công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ, đồng bào các dân tộc đã từng tham gia, phục vụ chiến đấu làm nên Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

(Tìm hiểu chi tiết về Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại tại File đính kèm bên dưới)

Hoàng Trần 

Tác giả: Trần Hoàng Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

chuyển đổi số
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
thong bao noi bo
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập114
  • Máy chủ tìm kiếm81
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay560
  • Tháng hiện tại383,317
  • Tổng lượt truy cập3,467,611
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây