Đảng “mở đường” cho cán bộ uy tín giảm sút từ chức một cách nhẹ nhàng

Thứ sáu - 09/12/2022 18:00 59 0

​  Từ Quy định 41 và Kết luận số 20 cho thấy, Đảng đã "mở đường" cho cán bộ mắc sai phạm, khuyết điểm, uy tín giảm sút được từ chức một cách nhẹ nhàng.

​Tín hiệu chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ

Tháng 10/2022, Ban Bí thư đã có quyết định cho ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình được nghỉ hưu trước tuổi. Trước đó, ông Quảng bị kỷ luật cảnh cáo và đã chủ động xin từ chức.

Cuối tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành được điều động, bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh. Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất cho ông Phạm Văn Thành, thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo nguyện vọng cá nhân. Ông Thành từng bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Không chỉ ở Ninh Bình, Quảng Ninh, nhiều cán bộ tại các địa phương khác cũng đã xin thôi đảm nhận nhiệm vụ sau khi thấy uy tín của bản thân bị giảm sút.


Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII (ngày 3/10), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất để 3 cán bộ: Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang; Huỳnh Tấn Việt (ảnh từ phải qua trái) thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII 

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, qua hai tháng thực hiện Thông báo 20 của Bộ Chính trị đã có 3 người thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác. Hai Thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu trước tuổi. Hai Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh thôi giữ các chức vụ công tác hoặc bố trí công tác khác…

Điều này đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác cán bộ, cho thấy Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ bị kỷ luật được ban hành tháng 9/2022 không chỉ góp phần thay thế những cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút mà còn bước đầu hình thành văn hóa từ chức.


Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.

"Thông báo 20 rất nghiêm. Cán bộ đã bị kỷ luật rồi, không còn uy tín để làm việc nữa, dư luận bức xúc thì cán bộ cũng tự nguyện xin thôi hoặc nếu không xin thôi, còn trẻ tuổi, bố trí tạo điều kiện cho tiếp tục phấn đấu, nhưng cũng không để ở vị trí cũ", bà Trương Thị Mai cho biết.

Ông Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH khóa XV) cho rằng, một số cán bộ chủ động xin thôi nhiệm vụ thời gian gần đây là một chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, trở thành nhu cầu tự thân của cán bộ để giữ lòng tự trọng, giữ liêm sỉ và thanh danh. 

Theo ông, văn hóa từ chức không phải là vấn đề mới. Trong lịch sử nước ta đã có nhiều trường hợp “treo ấn, từ quan", là một cách thể hiện trách nhiệm trước công việc. Trên thế giới, việc cán bộ lãnh đạo xin rút khỏi vị trí được xem là hành vi ứng xử văn hóa, là lương tri gắn với văn hóa công vụ khi họ cảm thấy bản thân không đảm đương được công việc, năng lực, uy tín giảm sút, để ngành mình, lĩnh vực mình quản lý xảy ra sai phạm, tiêu cực nghiêm trọng.

“Việc từ chức nên được xem là một trong những đặc điểm quan trọng của nền hành chính văn minh dựa trên phẩm giá và lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của những nhà lãnh đạo có tâm với nước, với dân. Khi chúng ta đã quan niệm như vậy thì hành động tự nguyện xin thôi đảm nhiệm chức vụ sẽ trở thành chuyện hết sức bình thường" – ông Bùi Hoài Sơn cho biết.

Tạo tâm lý nhẹ nhàng cho cán bộ được từ chức

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn, chuyện nhiều cán bộ mắc khuyết điểm, sai phạm, uy tín giảm sút lâu nay khó nói lời từ chức có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước kia, một người nào đó xin thôi đảm nhiệm chức vụ lập tức trở thành chủ đề bàn tán xôn xao trong dư luận với cách nhìn khá nặng nề và không coi đó là một hành vi bình thường trong nền công vụ hiện đại. Chính điều này đã tạo ra sức ép ngược lại đối với cán bộ nên ít người muốn từ chức, dù đã có nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan.


Ông Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Việc Đảng ta ban hành Quy định 41, đặc biệt là Kết luận số 20 với một số điểm mới đã “mở đường" cho cán bộ nói lời từ chức một cách nhẹ nhàng mà không chờ hết nhiệm kỳ, không chờ hết thời gian bổ nhiệm; thực hiện theo đúng phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.

Đặc biệt, trong Kết luận 20 mang tính nhân văn, nhân đạo theo hướng cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nếu tự nguyện xin nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi thì cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật nếu còn đủ tuổi công tác. Sau quá trình công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

“Từ Quy định 41 và Kết luận số 20 cho thấy, Đảng đã "mở đường" cho cán bộ mắc sai phạm, khuyết điểm, uy tín giảm sút được từ chức một cách nhẹ nhàng. 2 văn bản trên đã  giúp những người từ nhiệm có trạng thái tâm lý thoải mái hơn, dư luận xã hội cũng sẽ có con mắt thông cảm nhiều hơn" – ông Bùi Hoài Sơn cho biết.


Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, học tập, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã dẫn chứng một số trường hợp Ủy viên Trung ương xin thôi nhiệm vụ do bị kỷ luật cảnh cáo hay nhiều trường hợp là chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh từ chức để đảm nhận vị trí thấp hơn theo tinh thần “ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó", cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn. Ông cho rằng, đây là điểm mới vì các nhiệm kỳ trước, cán bộ bị kỷ luật vẫn tại vị cho tới hết nhiệm kỳ.

“Đó cũng là một cách theo văn hóa Việt Nam. Đó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cho công việc tốt hơn lên", ông Võ Văn Thưởng đồng thời cho rằng, với xu hướng này "sắp tới sẽ tốt lên".

Theo Thường trực Ban Bí thư, cần phải tạo ra một “sức ép" trong Đảng, trong xã hội để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm hoặc năng lực không đáp ứng vị trí công việc. “Khuyến khích là một cách nói và mong rằng nếu được như vậy thì rất tốt để thấy nhẹ nhàng"- ông Thưởng nêu rõ.

Nguồn VOV.VN

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập188
  • Máy chủ tìm kiếm141
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay10,512
  • Tháng hiện tại219,740
  • Tổng lượt truy cập7,625,766
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây