Đổi mới công tác thông tin đối ngoại nhằm tích cực góp phần khơi dậy và bồi đắp khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thứ bảy - 04/09/2021 06:00 66 0

   ​Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).


Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho 30 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền trong năm 2020.

Trong thông điệp đối ngoại chính thức đầu tiên, Người đứng đầu Chính phủ Cách mạng lâm thời khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"(1). Người cũng nhấn mạnh “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(2). Chỉ vài ngày sau đó, Người viết Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó Người gửi gắm nhiệm vụ và khát vọng chung của dân tộc: “…ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"(3).

Tuy nhiên, khát vọng dân tộc “sánh vai với các cường quốc năm châu" đành phải gác lại để dồn sức cho quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng ấy đã trở thành nguồn sức mạnh đại đoàn kết trong nước và quốc tế giúp dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến  trường kỳ, gian khổ và giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất non sông. Sau ngày Giải phóng miền Nam, hậu quả của hai cuộc chiến tranh kéo dài để lại khiến đời sống người dân trên khắp cả nước vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc tiếp tục trở thành động lực để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dốc sức cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết nước nhà.

Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, trên cơ sở thành tựu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, Nhân dân càng khát khao và kỳ vọng vào những mục tiêu phát triển cao hơn. Từ ngàn đời nay, dân tộc ta luôn có khát vọng về hòa bình, độc lập tự do và phát triển thịnh trị. Khát vọng hiện nay là sự tiếp nối truyền thống của cha ông từ ngàn xưa. Khát vọng ấy dựa trên cơ đồ đang có, khi đất nước đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, đang trên đà tăng trưởng cao, có môi trường hòa bình, chính trị ổn định, có vị thế quốc tế ngày càng cao. Khát vọng ấy cũng đến từ những cơ hội lớn mà xu thế thời đại đang tạo ra, trong đó có cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư. Tuy nhiên, khát khao và kỳ vọng cần phải dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn phù hợp, đồng thời phải bảo đảm hòa bình, ổn định và độc lập, tự do, những giá trị mà cả dân tộc phải hy sinh biết bao xương máu mới có được. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tiến trình phát triển của dân tộc.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình đối với dân tộc, hiểu rõ lợi ích của Nhân dân và khát vọng của dân tộc. Trong bối cảnh đất nước còn muôn vàn khó khăn, vừa mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phải xây dựng Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu". Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn cam go nhất, Người vẫn nêu mục tiêu “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Tiếp nối di nguyện của Người, trên cơ sở phát triển nhận thức lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn xây dựng CNXH ở nước ta, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng đã khái quát những đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN mà toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm xây dựng. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, đất nước ta đã đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"(4).

Trên cơ sở đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác lập định hướng nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đây thực chất là việc cụ thể hóa, hiện thực hóa khát vọng dân tộc. Tính tất yếu của vai trò lãnh đạo của Đảng tiếp tục được chứng minh thông qua việc Đảng đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, định ra và lãnh đạo đất nước đi trên con đường phát triển có cơ sở khoa học, “phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại"(5). Trên bình diện giai cấp, lợi ích của Đảng là giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta và lợi ích này nằm trong lợi ích dân tộc, hòa quyện với lợi ích dân tộc. Chính vì vậy, Đảng khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử(6)". Đồng thời, Đảng ta xác định “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới"(7).

Mục tiêu, khát vọng của Đảng và của toàn dân tộc được đề ra và triển khai trong bối cảnh thế giới, khu vực đang có diễn biến phức tạp, khó lường. Thế giới đang diễn ra cuộc chuyển giao sang trật tự mới với cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, tạo ra các hệ lụy nhiều chiều đối với nước ta. Chính trị đối ngoại cường quyền, chủ nghĩa đơn phương đang nổi trội ở khu vực và trên thế giới. Kinh tế thế giới chưa hoàn toàn thoát khỏi bóng đen của suy thoái, lại đối mặt với nguy cơ suy thoái mới do hậu quả đại dịch COVID-19. Các vấn đề toàn cầu diễn ra ngày càng gay gắt, đặc biệt là biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, dịch bệnh,... Xu thế toàn cầu hóa, liên kết kinh tế quốc tế vấp phải những cản trở nhất định. Chủ nghĩa dân túy, dân tộc, bảo hộ... đang tạm thời nổi trội ở một số nước phương Tây và ngay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống nhân loại. Bối cảnh này đặt ra cơ hội và thách thức to lớn, đan xen nhau cho đất nước ta. Để vững vàng đi lên trên chặng đường phía trước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra chủ trương khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người dân Việt Nam, qua đó mới có thể huy động ở mức cao nhất sức mạnh toàn dân tộc. 

Lịch sử đất nước ta và cách mạng Việt Nam chỉ ra rằng, cội nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam làm nên những thắng lợi to lớn trong tình thế không cân sức về tương quan lực lượng chính là sức mạnh nội sinh từ trong khát vọng chung của toàn dân tộc. Khát vọng Việt Nam tự cổ chí kim là niềm mong muốn thiết tha đối với hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất; là sự thôi thúc, khát khao vươn lên. Khát vọng ấy biến thành động lực, thành quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để vượt qua mọi thử thách, đưa đất nước đi tới phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các nước trên thế giới. Nhằm góp phần khơi dậy và bồi đắp khát vọng đó, nhiệm vụ của toàn ngành tuyên giáo nói chung, công tác TTĐN nói riêng cần phải góp phần tạo dựng môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. 

Thứ nhất, công tác TTĐN góp phần bồi đắp lòng yêu nước.Bác Hồ nói “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta…". Mọi khát vọng phải xuất phát từ nền tảng lòng yêu nước. Do những tác động tiêu cực từ những mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thực tiễn cho thấy có lúc, có nơi, một số bộ phận Nhân dân, trong đó có giới trẻ, chạy theo lợi ích trước mắt và có biểu hiện phai nhạt lòng yêu nước. Tuy nhiên, cũng chính thực tiễn, nhất là trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19, cho thấy lòng yêu nước luôn cháy bỏng trong mỗi người dân Việt Nam, luôn sẵn sàng sục sôi khi Tổ quốc gặp khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, công tác TTĐN cần tăng cường giới thiệu về đất nước, con người, về lịch sử hào hùng, nhân văn của Việt Nam, về các nét đặc sắc của nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam. Trong quá trình đó, vừa giúp cho bạn bè quốc tế thêm quan tâm chú ý, hiểu và yêu quý Việt Nam, vừa giúp cho đồng bào ở trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, bồi đắp thêm tình yêu đối với non sông, đất nước Việt Nam. Đồng thời, phản ánh các tinh hoa văn hóa nhân loại để lòng yêu nước ngày càng hoàn thiện, tránh đi vào vị kỷ mà cần hiểu rõ, tôn trọng luật pháp quốc tế.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thứ hai, công tác TTĐN góp phần tăng cường niềm tự hào. Song hành với lòng yêu nước, người Việt Nam luôn tiềm ẩn niềm tự hào dân tộc. Trước đây, do đất nước còn nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh và bao vây, cấm vận, lòng tự hào dân tộc ít có cơ hội được bộc lộ. Trên chặng đường đổi mới 35 năm qua, các thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ… đã làm rạng danh Tổ quốc, khiến người Việt Nam ở trong và ngoài nước đều hãnh diện. Với niềm tự hào về thế và lực chưa từng có của đất nước, công tác TTĐN tăng cường quảng bá cơ đồ, tiềm năng đất nước; tích cực giới thiệu chủ trương, đường lối, vị thế quốc tế, sự đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương và giải quyết các vấn đề chung của nhân loại. Đồng thời, phản ánh dư luận, đánh giá tích cực của thế giới về Việt Nam. Qua đó, cộng đồng quốc tế quan tâm, mong muốn tăng cường hợp tác, đầu tư, làm ăn với Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy niềm tự hào của mọi tầng lớp người dân Việt Nam về Tổ quốc thân yêu.

Thứ ba, công tác TTĐN góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH. Nếu không có niềm tin và con đường đúng đắn, lòng yêu nước, niềm tự hào không tự nhiên chuyển hóa thành khát vọng, hoặc chỉ có thể trở thành khát vọng ảo tưởng và không bền vững. Chính vì lẽ đó, trong một thế giới còn nhiều bất ổn, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến phức tạp, công tác TTĐN cần phải phản ánh bối cảnh, tình hình thế giới một cách khách quan, chân thực, kịp thời. Một mặt, điều này giúp định vị một Việt Nam ổn định, phát triển năng động trong bức tranh chung của thế giới. Mặt khác, cho thấy những giá trị nhân văn mà Đảng ta định hướng phù hợp với các giá trị chung của nhân loại tiến bộ. Bên cạnh đó, cần thông tin kịp thời, đúng đắn, phù hợp về chủ trương, đường lối, biện pháp của ta đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước, phù hợp với luật pháp quốc tế. Từ đó, Nhân dân thêm niềm tin vào mục tiêu và con đường dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, xác định rõ tâm thế không chủ quan, lơ là, song cũng đầy tự tin, khí thế.

Thứ tư, công tác TTĐN góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.Khát vọng chỉ có thể chuyển hóa thành sức mạnh quật khởi và bền vững nếu đó là khát vọng chung, khát vọng chính đáng của toàn dân tộc. Trên chặng đường 10 – 25 năm tới, ngay từ năm đầu tiên, chúng ta đã cảm nhận được những khó khăn và thách thức to lớn. Mặt khác, mục tiêu, tầm nhìn năm 2030 và 2045 là rất lớn lao, đòi hỏi phải huy động không ngơi nghỉ toàn bộ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, công tác TTĐN phải được triển khai hiệu quả đối với cộng đồng đồng bào ta ở nước ngoài. Cần phải không ngừng đổi mới các phương thức, các kênh tiếp cận thông tin hiệu quả, kịp thời chuyển tải tới bà con các thành tựu của đất nước, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, góp phần khơi dậy trong hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài niềm tự hào, niềm tin, lòng mong muốn được chung tay vào công cuộc vĩ đại xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp. 

Thứ năm, công tác TTĐN góp phần kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng giúp đất nước vượt qua muôn ngàn sóng gió, giành chiến thắng trong thế bất lợi về tương quan lực lượng, chính là việc quy tụ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Trong kháng chiến cứu nước, mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam là do các giá trị quý báu, do “lương tri thời đại" mà dân tộc Việt Nam đại diện. Ngày nay, thực tiễn cho thấy, bên cạnh các giá trị nhân văn vốn có, sự ủng hộ đối với Việt Nam còn là vì các giá trị chung về tính thượng tôn pháp luật, về một nền quản trị toàn cầu dân chủ hơn, và cả vì Việt Nam ngày càng đóng vai trò cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nghĩa là sự ủng hộ không chỉ vì mục tiêu trừu tượng, mà có lúc, có nơi rất rõ ràng, thực dụng, ràng buộc và đan xen lợi ích. Trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ, tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, của cách mạng khoa học công nghệ… mang lại cả cơ hội và thách thức đan xen. Công tác TTĐN cần khéo léo, linh hoạt, vận dụng và tranh thủ tối đa các cơ hội mà vị thế chiến lược của đất nước mang lại. Đồng thời, hết sức tỉnh táo, tránh sa vào vòng xoáy “cuộc chiến truyền thông", ra sức thu hút mọi nguồn lực to lớn để phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Thứ sáu, công tác TTĐN góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc gây tác hại đối với việc bồi đắp khát vọng chung của dân tộc. Thực tế những năm qua cho thấy, đất nước càng đạt được thành tựu lớn cả về đối nội và đối ngoại, các thế lực thù địch càng điên cuồng chống phá, xuyên tạc hòng hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Khi đất nước gặp thách thức, các phần tử cơ hội chính trị càng hả hê, không từ mọi thủ đoạn gây thêm khó khăn. Các giai đoạn khác nhau của công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta cho thấy rõ bộ mặt này. Đối với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng gieo rắc thông tin xấu độc nhằm lung lạc tư tưởng và nhận thức cán bộ, đảng viên, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cho rằng mục tiêu mà Đảng đề ra là “ảo tưởng", khát vọng là “hão huyền". Chúng không ngừng xuyên tạc chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, cho rằng cần phải đi với nước này, nước kia mới bảo vệ được chủ quyền, mới phát triển được đất nước, qua đó rắp tâm phá hoại quan hệ đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Vì vậy, công tác TTĐN cần hết sức chủ động, bản lĩnh, đổi mới phương thức nhằm dự báo, chiếm lĩnh mặt trận thông tin, tăng cường đồng thuận xã hội, phản bác có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc nêu trên.

76 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, triệu người Việt Nam với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng đã nhất tề đứng dậy làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất. Cũng chính khát vọng ấy và mục tiêu “xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu…"(8)mà toàn thể dân tộc Việt Nam đã kiên gan làm nên những thắng lợi kỳ vĩ mang tầm thời đại. Đại hội lần thứ XIII của Đảng mở ra giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu chiến lược cụ thể. Mùa thu năm nay, lời Bác 76 năm trước lại vang vọng, thúc giục toàn dân ta bồi đắp niềm tin và khát vọng về con đường đi lên CNXH, về mục tiêu của “dân tộc Việt Nam … bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu"(9). Mục tiêu đã rõ, con đường đã sáng, sự chèo lái của Đảng đã được chứng minh là vững vàng và bản lĩnh, nhất là trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức hiện nay. Công tác TTĐN quyết tâm đổi mới cả về nội dung, phương thức và lực lượng để góp phần cùng toàn ngành tuyên giáo khơi dậy và bồi đắp khát vọng dân tộc vì một tương lai tươi sáng như Bác Hồ hằng mong ước./.


TS. Lê Hải Bình

Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo điện tử

----------------------------

(1) Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).

(2) Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).

(3)Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường 5/9/1945.

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

(5)Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

(6) Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

(7) Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

(8) Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường 5/9/1945.

(9) Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường 5/9/1945.

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay16,266
  • Tháng hiện tại222,559
  • Tổng lượt truy cập8,231,264
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây