image banner
Cổng thông tin điện tửĐảng bộ tỉnh Tây Ninh
image banner image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV: Đột phá thể chế, thúc đẩy đổi mới
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước đang triển khai mạnh mẽ chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử mang tầm chiến lược cả về mặt chính trị và pháp lý, thể chế hóa các chủ trương, kết luận của Đảng, có nhiều dấu ấn lịch sử về tư duy đổi mới, sáng tạo, với nhiều quyết sách lớn, quan trọng, tạo nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, giàu mạnh, thịnh vượng
Anh-tin-bai

 

* Hoàn thiện thể chế

Một trong những kết quả nổi bật nhất tại kỳ họp lần này là việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, đánh dấu lần sửa đổi Hiến pháp đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua, thể hiện tinh thần dám đổi mới vì sự phát triển chung của đất nước. Là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phản ánh sâu sắc ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, kết hợp giữa ý Đảng, lòng Dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã đánh dấu khởi đầu cho cuộc cải cách sâu sắc về thể chế, thể hiện tư duy đổi mới có tính cách mạng trong tổ chức hệ thống chính trị và quản trị quốc gia, là cơ sở hiến định cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo nền tảng để kiến tạo một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân hạnh phúc, yên vui..

Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội đã thông qua 34 luật và 13 nghị quyết có nội dung quan trọng, bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, có: Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính... Đây là bước đi nhất quán trong việc xóa bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), qua đó giảm tầng nấc quản lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đáng chú ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng đã bảo đảm tính thống nhất giữa mô hình tổ chức chính quyền mới với hệ thống quản lý quân sự, quốc phòng tại địa phương.

Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là những đạo luật có tính đột phá, quy định rõ hành lang pháp lý cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu - phát triển, bảo mật thông tin cá nhân, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ số, từ đó góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, xanh và bền vững. Việc ban hành các luật này cũng thể hiện rõ định hướng đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà giáoLuật Việc làm (sửa đổi), với nhiều chính sách mang tính đột phá như nâng mức lương cho giáo viên, cải cách tuyển dụng, tạo cơ hội cho người lao động được vay vốn, hỗ trợ việc làm; các quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký lao động, phát triển dữ liệu thị trường lao động góp phần hiện đại hóa quản lý nhân lực và đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong nền kinh tế số.

* Quyết định nhiều nội dung chiến lược; tháo gỡ rào cản thể chế

Không chỉ tập trung vào lập pháp, Quốc hội còn đưa ra nhiều quyết định chính trị quan trọng. Việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, chấm dứt hoạt động của cấp hành chính huyện từ ngày 01/7/2025 là một bước ngoặt trong việc tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước, phù hợp với thực tiễn phát triển và yêu cầu tinh giản biên chế, cải cách hành chính. Quốc hội cũng quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời ấn định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 vào ngày 15/3/2026 - sớm hơn gần hai tháng so với thông lệ. Đây là sự chủ động trong công tác tổ chức bộ máy, bảo đảm tính liên tục, kịp thời trong hoạt động của các cơ quan dân cử.

Kỳ họp cũng ghi nhận hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Các thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng thắn, cụ thể về các vấn đề nóng như giá cả thị trường, cải cách thủ tục hành chính, giải ngân đầu tư công, phòng chống tham nhũng, xử lý sai phạm trong quản lý đất đai, giáo dục, y tế... Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường, nâng cao niềm tin trong Nhân dân về vai trò giám sát của Quốc hội và cam kết của các bộ, ngành sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn.

Một điểm mới đáng chú ý tại kỳ họp lần này là việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đề ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đây được xem là cú hích quan trọng trong việc giải phóng nguồn lực xã hội, phát triển động lực kinh tế mới, phù hợp với định hướng của Đảng về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, Quốc hội còn thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật; Nghị quyết về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công. Những chính sách này thể hiện sự chủ động của Quốc hội trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong điều kiện phát triển mới của đất nước.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khép lại với những dấu ấn đậm nét về công tác lập pháp, quyết sách chiến lược và tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân. Những nội dung được thông qua không chỉ giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay mà còn mở ra hướng đi dài hạn, bền vững trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới sáng tạo và phát triển toàn diện. Đây chính là nền tảng để Việt Nam vững bước trong kỷ nguyên mới, khát vọng phát triển hùng cường, thịnh vượng và người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

 

Hoàng An

TRANG THÔNG TIN

Cơ quan chủ quản: Đảng bộ tỉnh Tây Ninh

Trụ sở chính: 118 Trương Định, Phường Long An, tỉnh Tây Ninh.

Cơ sở 2: 180, đường 30/4, phường Tân Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Người chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy

Điện thoại: 0276 3812 085

Email: congttdt@tayninh.dcs.vn