Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Mục tiêu năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng 6,5% trở lên; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 10.020 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 36% GRDP…
Thu hoạch khóm. Ảnh: Dương Đức Kiên
Sáng ngày 07/01, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nội dung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022 và chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Tại điểm cầu UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Theo UBND tỉnh, năm 2022 được xác định là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Do đó, cả tỉnh hướng đến mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân; thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhân dân.
Tỉnh đã đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu (bao gồm 9 chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế, 6 chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội và 3 chỉ tiêu về lĩnh vực môi trường).
Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng 6,5% trở lên; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 10.020 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 36% GRDP; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,5%-0,7%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 85,9% (tương đương 61 xã), trong đó tăng thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với xây dựng cơ bản, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 triển khai trên địa bàn tỉnh là hơn 4.160 tỷ đồng, giảm 10,5% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương, UBND tỉnh đã giao chi tiết 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương cho 8 dự án chuyển tiếp (gồm 6 dự án vốn trong nước và 2 dự án vốn nước ngoài). Với nguồn ngân sách địa phương, tỉnh đã phân khai chi tiết gần 3.000 tỷ đồng, còn lại hơn 260 tỷ đồng dự kiến phân bổ cho các dự án khởi công mới chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư.
Có 9 nhiệm vụ giải pháp được đưa ra để thực hiện đạt các mục tiêu là, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm của tỉnh.
Thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Gắn kết hài hoà, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội; thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương xây dựng, quán triệt nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 cụ thể hơn, sâu sắc hơn bảo đảm rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương cũng như bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ trong triển khai thực hiện, đem lại những kết quả cụ thể.
Bí thư Tỉnh uỷ đặc biệt lưu ý đối với công tác xây dựng quy hoạch của tỉnh, quy hoạch ngành, lĩnh vực có tác động đến sự phát triển chung của tỉnh, cần bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, theo sát định hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu trong quy hoạch.
Trong quá trình thực hiện cần huy động sự tham gia rộng rãi của các đối tượng liên quan, bảo đảm quy hoạch có tính khoa học, sát thực tiễn, khai thác được tiềm năng, lợi thế, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của tỉnh, của từng lĩnh vực, bảo đảm khi ban hành có tính khả thi, tạo nền tảng trong thực hiện các nhiệm vụ cả trong trước mắt và lâu dài. Đối với lĩnh vực đầu tư công, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hoàn chỉnh các thủ tục để phân khai vốn và triển khai đầu tư, giải ngân.
Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cần tiếp tục nắm chắc các định hướng, đặc biệt là Chương trình phục hồi kinh tế sau COVID-19 và Chương trình tiếp tục phòng, chống COVID-19 giai đoạn 2022-2023 do Chính phủ ban hành, phối hợp triển khai thực hiện bảo đảm thiết thực, nhất là chương trình nâng cao năng lực hệ thống y tế, phát triển hạ tầng kết nối vùng, các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, tập trung triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông, thuỷ lợi; hoàn thành thủ tục để triển khai các dự án quan trọng khác, nhất là các dự án về giao thông liên vùng; cải thiện môi trường đầu tư gắn với cải cách hành chính; tập trung triển khai chỉ đạo cụ thể hoá Đề án cải thiện các chỉ số cơ bản về môi trường đầu tư, cải cách hành chính và quản trị công; rà soát, phân công trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị, có cơ chế kiểm tra, kiểm soát đánh giá việc thực hiện, có chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện tốt các nhiệm vụ, phải đặt mục tiêu trong năm 2022 cải thiện được các chỉ số này.
Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị UBND tỉnh bổ sung nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số. Tập trung giải quyết thủ tục để các dự án đã có chủ trương, được cấp phép nhanh chóng triển khai đầu tư, đi vào hoạt động, nhất là các dự án trọng điểm theo định hướng đột phá của tỉnh (đầu tư nông nghiệp, du lịch, đầu tư hạ tầng). Tiếp tục củng cố và đẩy mạnh việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư theo hướng một cửa; nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, với kinh nghiệm tích luỹ được của năm 2021, cùng với việc xác định được các nội dung, công việc cần phải tập trung giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành, UBND tỉnh sẽ thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ, nhất là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2022.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ. Trên tinh thần đổi mới, năm 2022, ngoài khắc phục những hạn chế của năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương sau hội nghị xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm. Tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng phải kéo giảm dần, không để dịch phát sinh vượt quá tầm kiểm soát, ưu tiên thực hiện tốt 3 mũi giáp công: vaccine, năng lực điều trị và thuốc, ý thức người dân trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, thực hiện tốt 5K.
Trong đó, tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh theo đúng tiến độ làm cơ sở, tiền đề cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở, tiền đề thu hút đầu tư. Tập trung tháo gỡ những bất cập, điểm nghẽn đã được nhận diện về quy hoạch, đất đai, xây dựng và đầu tư, khó khăn vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án trọng điểm; kiên quyết xử lý, điều chuyển vốn đầu tư đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai đúng tiến độ do lỗi chủ quan.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thu ngân sách, khai thác tối đa nguồn thu từ đất đang còn rất lớn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao các chỉ số; xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Bên cạnh phát triển kinh tế, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để an dân, bảo đảm an ninh trật tự.
Trước mắt, từ đây đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng triển khai kế hoạch tổ chức tết chặt chẽ, chu đáo, an toàn, huy động tối đa nguồn lực xã hội chăm lo cho đối tượng chính sách, hộ nghèo bảo đảm ai cũng được vui xuân đón tết; bảo đảm thích ứng, vui đón tết an toàn trong dịch bệnh, bảo đảm an ninh trật tự; thực hiện nghiêm túc quy định của Trung ương về đón tết văn minh, bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống dịch bệnh.
T.H
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc